Xuất bản thông tin

null Nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Hiền, Khoa Lý luận cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài – người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam – anh hùng giải phóng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới. Mặc dù Bác đã đi xa nhưng Bác đã để lại cho dân tộc Việt Nam ta những di sản tinh thần vô cùng to lớn. Đó là những giá trị được toát lên từ chính cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo. Những lời dạy của Bác bao giờ cũng giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời thường nhưng súc tích, sâu sắc và mang tính giáo dục cao.

Tư tưởng, tấm gương của Người về nêu cao tinh thần trách nhiệm đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi người chúng ta, quyết định sự thành công trong một công việc, một nhiệm vụ được giao và quan trọng hơn là quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng của một cơ quan, đơn vị, đất nước,…

Theo Bác, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội như: gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị- xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại,… Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế là có tinh thần trách nhiệm cao. Theo tư tưởng của Bác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ cũng phải làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Gặp việc khó khăn thì cố tìm mọi cách giải quyết đúng, tránh làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… Như thế mới có tinh thần trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói về tinh thần trách nhiệm mà bản thân Người luôn là tấm gương sáng ngời về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Cả cuộc đời của Người chỉ biết hy sinh phấn đấu quên mình vì nước, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ra đi tìm đường cứu nước, Người đã xác định trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Đây là trách nhiệm tự giác của Người, suốt gần 10 năm trải qua bao nhiêu sự tìm tòi, chiêm nghiệm khám phá, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, hoàn thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra. Người tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, tổ chức nhân dân, đoàn kết nhân dân, huấn luyện nhân dân, đưa nhân dân ra đấu tranh giành tự do độc lập. Vì vậy, đầu năm 1930, Người đã hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là sáng lập ra đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc – Đảng cộng sản Việt Nam để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập của Tổ quốc.

Khi về nước hoạt động, vượt lên cuộc sống khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, Hồ Chí Minh lại bắt tay vào việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Người xác định trách nhiệm của mình “Riêng phần tôi, tôi xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. Ngay cả trong hoàn cảnh lao tù, Người đã vượt qua 13 tháng bị đọa đày, đau khổ trong hơn 30 nhà giam của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã xác định cho mình trách nhiệm cùng với Đảng với dân bảo vệ được nền độc lập dân tộc mới giành được, để xây dựng đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, trong lãnh đạo Cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm, trước khuyết điểm đó Bác đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân.

Ngày nay, thực tiễn cuộc sống chúng ta đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, có cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi mỗi người dù ở đâu trên cương vị nào đều phải nhận thức rõ và thể hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, không ngừng học tập để làm giàu tri thức, rèn luyện bản lĩnh, tu dưỡng đạo đức, luôn luôn sáng tạo, biết nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Ngược lại nếu chúng ta không có tinh thần trách nhiệm sẽ gây ra bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng,… Trong công việc thì “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”, chậm chạp, làm cho qua chuyện, chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí,…

Trong thực tế hiện nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm tốt, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu tinh thần trách nhiệm. Họ không có ý thức đầy đủ về chức trách nhiệm vụ của mình, thiếu chủ động, sáng tạo, làm việc hời hợt, chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân… Một số người do thiếu tinh thần trách nhiệm mà sinh ra sợ sai, sợ trách nhiệm, không có bản lĩnh, không dám sáng tạo, dễ thì làm, khó thì bỏ, thành tích thì vơ cho mình, khuyết điểm thì tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm nên không muốn cải tiến công tác, không dám thay đổi những điều chưa hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ dần dần dẫn tới bảo thủ, trì trệ… Tình trạng này làm lãng phí các nguồn lực, làm mất đi cơ hội phát triển và nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của nhân dân.

Với tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, mỗi người chúng ta dù ở bất cứ vị trí nào, hoàn cảnh nào chúng ta đều phải hoàn thành công việc đạt kết quả cao. Để làm được điều đó, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người chúng ta phải luôn tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao; có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi công việc, vị trí công tác; tích cực học tập, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sát dân, gần cơ sở, đi đúng đường lối quần chúng và kiên quyết chống bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta hãy học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.