Xuất bản thông tin

null "Tư cách một người cách mệnh" và vấn đề tư cách đảng viên hiện nay

Tin tức Tin tức - Sự kiện

"Tư cách một người cách mệnh" và vấn đề tư cách đảng viên hiện nay

 Võ Thị Mỹ Vân

                                                                                         Chi bộ TC-HC-TT-TL

(Bài viết tham luận Đại hội Đảng bộ Trường nhiệm kỳ 2020-2025)

        Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cơ bản hoàn tất công cuộc xâm lược nước ta, biến Việt Nam từ một quốc gia độc lập trở thành một nước thuộc địa của Pháp. Cảnh mất nước, nhà tan, nhân dân lầm than trong vòng nô lệ, đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ giã quê hương, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

        Trải qua biết bao thăng trầm trên bước đường cách mạng và sau Đại hội Tua người cộng sản Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) bắt tay ngay vào hoạt động nhằm đoàn kết, tổ chức nhân dân các thuộc địa đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Theo Người, để cho cuộc đấu tranh cách mạng đi đến thắng lợi thành công thì phải kết hợp nhiều yếu tố, song nhân tố chủ yếu nhất là sự lãnh đạo của Đảng. “Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có cách mạng làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1).

        Để có Đảng vững mạnh thì phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó đội ngũ đảng viên là một trong những điều kiện quan trọng tạo thêm sức mạnh cho Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt. Do đó, phải đặc biệt chú trọng giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Vì mọi công việc thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào cán bộ tốt hay kém.

        Trong các bài giảng của mình tại lớp huấn luyện cán bộ những năm 1925 – 1927, Người đã chỉ rõ yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người cộng sản thông qua 23 tiêu chuẩn quy tụ trong ba mối quan hệ cơ bản của người chiến sỹ cách mạng:

        Tự  mình phải: Cần kiệm; Hòa mà không tư; Cả quyết sửa lỗi mình; Cẩn thận mà không nhút nhát; Hay hỏi; Nhẫn nại (chịu khó); Hay nghiên cứu xem xét; Vị công vong tư; Không hiếu danh, không kiêu ngạo; Nói thì phải làm; Giữ chủ nghĩa cho vững; Hy sinh; Ít lòng ham muốn về vật chất; Bí mật.

        Đối với người: Với từng người thì khoan thứ; Với đoàn thể thì nghiêm; Có lòng bày vẽ cho người; Trực mà không táo bạo.

        Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng; Quyết đoán; Dũng cảm; Phục tùng đoàn thể.(2)

         Tự mình phải là thái độ và hành vi đầu tiên trong "Tư cách một người cách mệnh". Tự mình phải vừa là yêu cầu, vừa là mệnh lệnh, là những chỉ dẫn phải được thực hiện. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định tới tư cách của người cách mệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hoá thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính, không tham danh vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”(3) .

        Trong lịch sử cách mạng từng biết bao chiến sỹ cộng sản đã phải sống và hoạt động trong điều kiện rất ác liệt nhưng vẫn giữ gìn khí tiết, một lòng, một dạ trung thành với Đảng, sống hết mình vì lý tưởng, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

        Ngày nay, cũng với tinh thần đó, sự nhiệt huyết đó, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về “tư cách người cách mệnh” để xây dựng mẫu hình người đảng viên cộng sản với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình cách mạng và thực tiễn của cuộc sống; xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, bản lĩnh... để lãnh đạo đất nước trong cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng cũng đã nhiều lần khẳng định: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng thì công tác đảng viên là quan trọng nhất, là khâu then chốt của then chốt.

        Trong thời buổi kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, chúng ta suy nghĩ gì về tư cách của người đảng viên hiện nay? Phải chăng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã nhạt phai lý tưởng; không còn vị công vong tư hay quá nhiều ham muốn về vật chất... Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, hống hách, thu vén cá nhân... đang diễn ra ngày càng khá phổ biến ở một số cán bộ, đảng viên. Thậm chí có cán bộ, đảng viên quay lưng lại với nhân dân, ăn chơi, hưởng lạc sa đọa... Đau lòng hơn là những năm gần đây, các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn lại rơi vào một bộ phận cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền đã làm ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

           Đứng trước nguy cơ đó, Đảng đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, giữ vững miền tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, thông qua việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị TW4 khóa XI của Đảng Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Điều quan trọng để khắc phục triệt để tình trạng ấy là khi từng cá nhân trong tổ chức đảng phải biết làm tốt chính mình.

 Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn đang đặt ta, xin được đề xuất một vài tiêu chí của người đảng viên trong giai đoạn hiện nay như sau:

            - Luôn vững vàng về chính trị, quyết tâm phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định và bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của công cuộc đổi mới. Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả chống mọi sự tấn công của kẻ địch.

            - Phải là người công dân gương mẫu, người lao động giỏi, làm việc với chất lượng tốt và hiệu quả cao; trung thực, tận tuỵ. Có chí tiến thủ, tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức  và năng lực phù hợp với nhiệm vụ và chức trách được giao.

            - Thường xuyên đi đầu trong các phong trào quần chúng; có khả năng giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, gắn bó mật thiết với quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng; biết đem lợi ích cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng; chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của quần chúng.

            - Tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đề cao kỷ luật, xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thật thà tự phê bình và phê bình đồng chí mình một cách thẳng thắn trên tinh thần đoàn kết cùng nhau tiến bộ.

          Mỗi cơ quan, đơn vị có thể chi tiết hoá những tiêu chí trên đây thành những nội dung cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tập thể và chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân cán bộ, đảng viên.  Thực hiện tốt những điều đó cũng chính là hành động thiết thực học tập và làm theo lời Bác dạy./.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2002, tr.268

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2002, tr.260

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.362