Xuất bản thông tin

null Một vài suy nghĩ về những yêu cầu của giảng viên Trường Chính trị trong giảng dạy

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Một vài suy nghĩ về những yêu cầu của giảng viên Trường Chính trị trong giảng dạy

Nguyễn Văn Hiệp

                                                                       Trưởng khoa Xây Dựng Đảng

Giảng viên của Trường Chính trị cũng như giảng viên, giáo viên  ở các trường trong hệ thống giáo dục – đào tạo hiện nay,  đều phải trải qua thực hiện các chức năng cơ bản của giảng dạy: Nghiên cứu và giảng dạy; trong đó, nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu khoa học và giảng dạy có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa các trường, các hệ đào tạo về mục đích, đối tượng, nội dung đào tạo, yêu cầu giảng viên cũng có sự khác biệt nhau.

Đối với từng môn, từng phần học trong Trường Chính trị cũng có những nét đặc thù, vì thế đòi hỏi giảng viên từng môn, từng phần học cũng có những nét riêng hay sự thất bại và thành công đối với bài giảng từng môn, từng phần học, nó được thể hiện là kết quả của 3 yếu tố: Hoạt động của người thầy; Sự tiếp thu của học viên và môi trường giảng dạy (thuận lợi & khó khăn). Đây là 3 yếu tố cần thiết, nhưng quan trọng nhất là yếu tố chất lượng giảng dạy của người thầy. Do đó cũng có thể khái quát một số yêu cầu cơ bản đối với giảng viên của Trường Chính trị (sau đây gọi là giảng viên):

Một là; Điều quan trọng đầu tiên của người giảng viên là phải có lập trường chính trị vững vàng, quan điểm chính trị trong sáng, đòi hỏi sự trung thành với lý tưởng cộng sản, với Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng Cộng sản, với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tất nhiên, người giảng viên cần nắm vững kiến thức lý luận, từng bước cập nhật thực tiễn mà môn học, phần học mà mình chịu trách nhiệm trực tiếp giảng dạy, truyền đạt cho học viên; ở đây phải dứt khoát có tính nguyên tắc là không được nói khác, nói trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự kiên định lập trường, quan điểm, không phải là cứng nhắc mà phải gắn liền với đổi mới và phát triển.

Như vậy; trong nghiên cứu và giảng dạy, cần đặc biệt chú trọng đến yêu cầu tính Đảng; người giảng dạy, trước hết phải có lập trường tính Đảng thì mới có thể vận dụng và phát triển lý luận không thể chệch hướng; Ngược lại, phải không ngừng đổi mới, phát triển lý luận khoa học thì mới củng cố lập trường tính Đảng ngày càng vững chắc.

Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, ở thực tế cho thấy, trong giảng dạy thông thường đã xuất hiện các hiện tượng:

(1) Trong quá trình tìm tòi con đường đổi mới, cải tổ, cải cách đã xuất hiện tư tưởng sai lệch đi đến chỗ phê phán Chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối và chính sách của Đảng, như vậy, có một ý nghĩ đối lập theo cách hiểu trước đây, như là; cái gì tốt đẹp là của chủ nghĩa xã hội; bóc lột là cái xấu của chủ nghĩa tư bản... Ngày nay có cách hiểu ngược lại, đồng thời ca ngợi hết lời chủ nghĩa tư bản một cách vô nguyên tắc.

(2) Ngược lại, nếu trung thành với lý luận một cách mù quáng, coi Chủ nghĩa Mác – Lênin như là một lý luận hoàn chỉnh độc tôn, một giáo điều có sẵn, chủ trương, chính sách của Đảng có nhiều thay đổi, nhưng giảng viên không kịp thời bổ sung lý luận và thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới.

Hai là; đối với giảng viên, nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu và giảng dạy; do đó, giảng viên phải nắm vững đặc điểm của các môn học, phần học, lý luận phải gắn liền với thực tiễn;

Giảng viên khi giảng dạy những vấn đề về lý luận cần phải có bản lĩnh, có kinh nghiệm giảng dạy cùng với tư duy biện chứng linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo. Cơ sở của sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo đó chính là thực tiễn, các nhà kinh điển đã khẳng định: thực tiễn đó chính là cơ sở để kiểm tra chân lý.

 Thực tiễn hiện nay rất đa dạng, phức tạp, cho nên giảng dạy hiện nay cần dùng nhiều phương pháp: phương pháp truyền thống, phương pháp hiện đại, phương pháp gợi mở, trao đổi trên cơ sở biết cách khơi dậy tính chủ động, tự giác của người học; Giảng viên phải làm cho người học cảm nhận được cái hồn của lý luận từ hơi thở của cuộc sống.

Vì vậy, giảng viên không thể truyền đạt kiến thức, thông tin một chiều, mà luôn đón nhận phản hồi ngược lại. Giảng viên phải nắm bắt nhu cầu của học viên, nắm được những vấn đề thực tiễn đặt ra để trao đổi, giải đáp; tăng cường các bài tập tình huống, trao đổi những vấn đề thực tiễn, như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu thực sự thiết thực của học viên, mà còn làm cho bài giảng sinh động hơn, thu hút sự quan tâm của học viên hơn, làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Ba là; Giảng viên cần phải cập nhật thông tin kịp thời để bổ sung kiến thức thực tiễn phù hợp với nội dung yêu cầu của bài giảng; như là tình hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi to lớn, mạnh mẽ, nhanh chóng.

Đây là một nội dung mà giảng viên còn bất cập, tiếp nhận thông tin chưa được đầy đủ, nên có đôi lúc nội dung bài giảng còn khô khan, thiếu thực tế cuộc sống, vì thế rất dễ rơi vào trạng thái cực đoan hoặc khẳng định máy móc một chiều, trong bài giảng, những kết luận của giảng viên mang tính chất “khẳng định” hoặc nếu có liên hệ thì cũng thường dừng lại ở những thực tế tản mạn.

Ví dụ như những thông tin về tình hình chính trị - xã hội trên thế giới hiện nay có gì mới? Nhận thức của Đảng ta về Chủ nghĩa tư bản hiện nay đã và đang có những biến đổi như thế nào? Chủ trương của tỉnh ta về xác định từ nay đến 2025 để xây dựng và phát triển xã nông thôn mới nâng cao? .... Đó là những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải cập nhật những thông tin cần thiết, nếu không khẳng định mình, chúng ta sẽ rất dễ mất phương hướng và lạc hậu.

Nói tóm lại, giảng viên Trường Chính trị hiện nay phải suy nghĩ và hành động, giảng dạy và học tập để có được một lập trường chính trị đúng đắn, một kiến thức chuyên môn sâu rộng, một kinh nghiệm thực tiễn phong phú không chỉ trong giảng dạy mà cả trong các mối quan hệ khác, với mọi đối tượng như giảng viên, học viên./.