Xuất bản thông tin

null Kinh nghiệm viết bài phản bác các luận điệu xuyên tạc về thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Bài viết Bài viết

Kinh nghiệm viết bài phản bác các luận điệu xuyên tạc về thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Đông Khuê

Tóm tắt: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao tư duy lý luận, bổ sung thực tiễn là vô cùng cần thiết. Trong đó, vấn đề lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung thường bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận ở Việt Nam. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình viết bài phản bác các luận điệu xuyên tạc về thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua.

          1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng tung ra các luận điệu sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.Mục tiêu xuyên suốt và không thay đổi của bọn chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự phổ biến của mạng xã hội, chúng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, mạnh mẽ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ và kể cả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để có thể viết và viết tốt các bài phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động?

2. Nội dung

Để có thể viết được các bài viết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và các bài viết chuyên về công tác phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩ chúng ta cần chuẩn bị tốt các nội dung sau đây:

Thứ nhất, người viết cần có sự ghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước. Đặc biệt, cần nắm vững tinh thần chỉ đạo cốt lõi được đề cập đến trong những văn kiện quan trọng của Đảng như: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, gắn với Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 để triển khai nghiên cứu lý luận và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII.

Thứ hai, nghiên cứu và nắm vững những nội dung đã được triển khai trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Có thể nói, việc nắm vững những nội dung cốt lõi của đảng văn này là cơ sở, là nền tảng giúp người viết có được cơ sở vững chắc để viết các loạt bài phản bác, phản biện để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua việc nắm vững nội dung trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, người viết có thể dễ dàngnhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cảnh giác trước thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của các thế lực thù địch, phản động nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân để tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ ba, các bài viết đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng nên cũng được xem là một hình thức của bài viết khoa học. Chính vì vậy, không chỉ cần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để viết bài mà thiết nghĩ những thông tin đấu tranh được thể hiện trong bài viết còn phải thực sự trung thực, khách quan, khoa học, mang tính xây dựng và xuất phát từ lợi ích của toàn thể người dân Việt Nam.

Bên cạnh những yêu cầu chung như trên, đối với các bài viết có chủ đề về phản bác các lập luận xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tác giả có một số kiến nghị như sau:

Một là, người viết cần nắm vững và hiểu rõ bản chất của tham nhũng.Đến nay, dù ở cấp độ quốc tế hay phạm vi quốc gia vẫn chưa có một định nghĩa hay khái niệm mang tính chuẩn mực về tham nhũng được chấp nhận và áp dụng rộng rãi. Nguyên nhân của tình trạng này là do những nỗ lực xây dựng một định nghĩa chung về tham nhũng luôn vấp phải các khó khăn liên quan đến sự khác biệt về nhận thức, gắn liền với điều kiện lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội, chính trị ở từng quốc gia, dân tộc và khu vực địa lý, liên quan đến cả chủ thể ở khu vực công lẫn tư[1].Ở Việt Nam, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Từ khái niệm trên cho thấy, tham nhũng mang bản chất là những hành vi phi pháp, vi phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Qua đó, làm xói mòn nền tảng xã hội, ngăn cản quá trình tiến bộ và dân chủ xã hội. Điểm khác biệt cơ bản nhất của tham nhũng so với các hành vi vi phạm pháp luật khác chính là: (i) mục đích thu lợi ích cá nhân và (ii) chủ thể của hành vi tham nhũng là loại chủ thể đặc biệt, thông thường là người được giao một thẩm quyền nhất định hay có một vị thế nhất định trong xã hội.Bên cạnh đó, tham nhũng còn gắn liền với sự tha hoá quyền lực, lạm dụng quyền lực công để vun vén lợi ích riêng. Như vậy, có thể nói, tham nhũng là một “căn bệnh” cố hữu của mọi nhà nước, nó xuất hiện từ khi nhà nước ra đời và sẽ cùng tồn tại với nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào. Bởi lẽ, suy cho cùng, tham nhũng gắn liền với quyền lực và sự lạm dụng quyền lực, và chỉ khi nào thứ quyền lực ấy mất đi thì tham nhũng mới có thể bị triệt tiêu vĩnh viễn.

Hai là, kịp thời phát hiện những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng dưới nhiều góc độ khác nhau để có hướng đi phù hợp cho bài viết. Hiện nay, phổ biến một số quan điểm, lập luận không đúng sự thật sau đây:

(i) Luận điệu “Đảng độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”. Có thể nhận thấy rõ, luận điệu này đang cố gắng xoay chuyển cục diện chính trị với việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt những thập niên qua nhằm hạ thấp vị thế, uy tín và cổ vũ cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.

(ii) Luận điệu “do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công”. Đây tiếp tục thực chất là một luận điệu núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, tung hô các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây để chống phá nền tảng tư tưởng, chế độ chính trị - xã hội ở nước ta. Từ đó, chúng kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn nhằm làm mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh, trật tự ở Việt Nam.[2] Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chúng ta có đầy đủ luận cứ khoa học về phương diện chính trị - pháp lý cũng như thực tiễn đầy sinh động để phản bác những lập luận phiến diện trên.

(iii) Luận điệu xuyên tạc, bóp méo việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”. Thực tiễn cho thấy, việc xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng là một hành động phổ biến diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới[3].

(iv) Luận điệu tung hô, cổ vũ, lý tưởng hóa học thuyết phân quyền và thể chế “tam quyền phân lập”, coi đây là “phương thuốc vạn năng” để kiểm soát quyền lực, là “vắc-xin” duy nhất để ngăn ngừa “dịch bệnh” tham nhũng. Học thuyết phân quyền, nguồn cội xây dựng nên thể chế “tam quyền phân lập” từ lâu đã được áp dụng ở một số quốc gia phương Tây, điển hình là Mỹ, Anh, Pháp hay Đức. Song, dù trên cả phương diện lý luận và thực tiễn thể chế này mang lại một số tác động tích cực nhưng không vì thế mà “suy tôn”, cường điệu hoá, “thần thánh hoá” trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ba là, bày tỏ rõ ràng thái độ và lựa chọn chủ thuyết khoa học phù hợp để “đập tan” các luận điệu xuyên tạc trên sau khi đã nhận diện. Thực tế cho thấy, các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch có phạm vi nghiên cứu khá rộng lớn, trải dài trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội khác nhau, tuỳ thuộc vào chuyên ngành và sở trường của người viết. Chẳng hạn, có tác giả đứng trên góc độ triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học để luận giải, trong khi đó lại có người viết soi chiếu vấn đề dưới “lăng kính” luật học... Do đó, điều quan trọng là người viết sau khi đã các định rõ thái độ, lập trường đối với vấn đề cần bàn luận thì cần lựa chọn được những học thuyết, cơ sở lý luận và thực tiễn phù hợp để chứng minh, làm rõ nội dung tranh luận.

3. Kết luận

Các bài viết thuộc thể loại “chống” bao giờ cũng có nhiều thách thức hơn bài viết “xây” bởi đòi hỏi người viết không chỉ có sự nghiên cứu, am hiểu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn phải có lập trường rõ ràng, tư duy nhạy bén và ngòi bút thật sự sắc sảo. Chính vì vậy, để có thể viết tốt các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay đòi hỏi người viết luôn không ngừng trau dồi học hỏi, nắm bắt thông tin, nhạy cảm với thời cuộc và đặc biệt cần rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng viết bài.


[1] Nguyễn Đình Quyền (2018), “Tham nhũng – Khái niệm và bản chất” in trong Viện Nghiên cứu lập pháp – Quỹ Rosa Luxemburg, Pháp luật phòng, chống tham nhũng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 13.

[2]Chẳng hạn, việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển; biểu tình, phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng ; vụ người dân Bình Thuận phản đối mức độ ô nhiễm của Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 bị các thế lực thù địch hướng lái trở thành các cuộc tập trung đông người mang màu sắc chính trị ... Xem thêm: Công Minh và Nguyên Minh (2018), Không để những “bàn tay đen” tiếp tục kích động, phá hoại, Tạp chí Dân vận, http://danvan.vn/Home/Dien-dan/7650/Khong-de-nhung-ban-tay-den-tiep-tuc-kich-dong-pha-hoai (truy cập ngày 10/6/2022); Phạm Quang Phúc (2019), Nhận diện và ngăn ngừa thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động người dân xuống đường biểu tình, gây rối trật tự công cộng, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201904/nhan-dien-va-ngan-ngua-thu-doan-loi-dung-long-yeu-nuoc-de-kich-dong-nguoi-dan-xuong-duong-bieu-tinh-gay-roi-trat-tu-cong-cong-305553/ (truy cập ngày 10/6/2022).

[3] Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ của tiểu bang California (Mỹ) có tên Ron Calderon phải hầu tòa vì hành vi nhận hối lộ; vụ tham nhũng của Thiếu tướng Cốc Tuấn San hồi tháng 8/2012 trong quân đội Trung Quốc; Pavlo Lazarenko, Thủ tướng Ukraine từ 1996-1997, đã biển thủ 200 triệu USD từ ngân sách nhà nước...