Xuất bản thông tin

null Một vài suy nghĩ về giải pháp giáo dục động cơ học tập cho học viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị

Bài viết Bài viết

Một vài suy nghĩ về giải pháp giáo dục động cơ học tập cho học viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị

Nguyễn Văn Hiệp

                                                                Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Trong sự nghiệp cách mạng nước ta, công tác giáo dục, đào tạo cán bộ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng được Đảng ta thực hiện một cách thường xuyên nhằm xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Chính vì tầm quan trọng của công tác này nên những năm qua, Đảng đã chỉ đạo các trường Chính trị địa phương xây dựng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác kiểm tra đánh giá vv….

 Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến một nhóm giải pháp có tính thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đó là giáo dục động cơ học tập cho học viên ở các trường Chính trị hiện nay.

Từ điển tiếng Việt năm 2007 có giải thích “động cơ” là “máy phát động, máy có sức kéo” hay “lý do, nguồn gốc, sức thúc đẩy”. Theo từ điển từ và ngữ Việt Nam năm 2000, “động cơ” là nguyên nhân hay mục đích thúc đẩy hành động.

Trong tâm lý học, “động cơ” là một trạng thái tâm lý tạo thành một lực lượng tinh thần thúc đẩy con người định hướng rồi hành động tiến tới mục đích. Như vậy, động cơ học tập là sự biểu hiện chủ quan của nhu cầu học tập, tức là chính mục đích học tập thôi thúc người ta chủ động, tự giác đến với việc học.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và thực tiễn chính trị cho đội ngũ cán bộ nhất là từ khi có Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các trường Chính trị đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các địa phương, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Chấp hành chủ trương của Đảng, các địa phương, đơn vị đã cử hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức theo học các khóa đào tạo, bồi dưỡng thuộc nhiều chương trình khác nhau. Trong các khóa học, nhiều học viên đã phát huy tốt tinh thần học tập, rèn luyện và thực sự trở thành những cán bộ có đầy đủ năng lực sau các khóa học. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các học viên thiếu động cơ học tập nên xem nhẹ nhiệm vụ học tập, hay vi phạm về giờ giấc, không tập trung nghe giảng, không dành thời gian tự nghiên cứu, ít tham gia thảo luận, gian lận trong kiểm tra, thi cử vv…Điều này dẫn đến việc học tập lý luận chính trị của một số học viên có tính miễn cưỡng, học theo kiểu đối phó, học để “trả nợ”, học để có bằng cấp nhằm hợp thức hóa cho việc bổ nhiệm, vì vậy chất lượng học tập khá thấp, thậm chí không đạt yêu cầu. Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị-hành chính góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, các trường Chính trị cần tìm kiếm các giải pháp xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho các học viên, thúc đẩy tính tự giác, tích cực học tập của họ.

Giáo dục động cơ học tập cho học viên là nhiệm vụ khá phức tạp bao gồm nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động giáo dục, giảng dạy và quản lý. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của trường Chính trị trong những năm qua, xin đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng động cơ học tập tích cực cho các học viên như sau:

(1) Giáo dục tư tưởng học viên thông qua việc nhấn mạnh mục đích, yêu cầu của môn học và lợi ích của môn học đối với hoạt động thực tiễn.

Giáo dục tư tưởng học viên là nhiệm vụ trước tiên bởi đây là công việc quan trọng thúc đẩy tinh thần tự giác, tích cực học tập của học viên. Đối với chương trình đào tạo lý luận chính trị - hành chính, mỗi môn học đều có ý nghĩa thực tiễn chính trị sâu sắc, do đó cần giáo dục cho học viên mục đích của môn học là để nâng cao nhận thức chính trị và thông qua đó rèn luyện thực tiễn, trau dồi kỹ năng hành động từ đó hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác mà mình đang đảm nhiệm tại địa phương. Đây là những phẩm chất cách mạng mà mỗi cán bộ bắt buộc phải có bởi nếu không thì họ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, rồi thì cuối cùng cũng bị đào thải ra khỏi hàng ngũ cán bộ. Vì vậy, trước khi bắt đầu môn học, mỗi giảng viên phải có trách nhiệm giáo dục học viên về mục đích, ý nghĩa của môn học mà mình đảm nhiệm, đồng thời đề ra nhiệm vụ học tập mà học viên cần phải thực hiện để đạt đến mục tiêu sau cùng của môn học.

(2) Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn công tác của các học viên.

Để cho các học viên có được động cơ học tập mạnh mẽ khi theo chương trình đào tạo lý luận chính trị - hành chính, giảng viên cần tìm hiểu cặn kẽ và đáp ứng tốt nhu cầu của họ khi họ đến với chương trình học. Ta biết rằng, đối tượng học viên là các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương, đơn vị, do đó điều mà họ mong mỏi nhất đó là được trau dồi thực tiễn công tác gắn liền với công việc thường xuyên của họ, vì vậy, các giảng viên phải luôn chú ý lồng ghép các ví dụ thực tiễn vào trong phần kiến thức có tính lý luận, cần thường xuyên nêu các vấn đề thực tiễn để học viên tư duy, thảo luận và tự đề ra giải pháp cải tạo thực tiễn. Nếu đầu tư kỹ lưỡng phần này vào các bài học sẽ khiến học viên thấy được lợi ích của chương trình học, hình thành ở họ động cơ học tập đúng đắn, giúp họ tự giác học tập và đạt được kết quả tốt. Còn ngược lại, nếu chỉ giảng dạy cho họ lý luận suông thì sớm hay muộn cũng sẽ triệt tiêu động cơ học tập của họ bởi họ cảm thấy khó tiếp thu môn học và thấy môn học chẳng mang lại lợi ích gì so với công sức mình đã bỏ ra.

(3) Thực hiện phong cách giảng dạy thân thiện, gần gủi, có trách nhiệm cao với học viên.

Một thực tế không thể phủ nhận là học viên cảm thấy thích học, thích nghiên cứu môn học ngoài yếu tố ý thức còn có yếu tố tình cảm. Học viên thấy kính trọng nhân cách của người thầy, hâm mộ sự uyên bác về môn học của người thầy và thái độ ứng xử chuẩn mực, gần gũi của người thầy sẽ càng thôi thúc họ tự giác, tích cực học tốt môn học mà người thầy giảng dạy. Do đó, người thầy phải luôn nỗ lực nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là “bậc thầy” của các học viên, phải luôn lăn xả với lớp học với tình thần trách nhiệm cao nhất, có thái độ ứng xử thân thiện, gần gũi với học viên, đặt nhu cầu học tập của họ lên trên hết. Có như thế, học viên sẽ thấy tin tưởng ở người thầy mà dốc sức vào việc học, mọi thái độ xa cách, lạnh lùng hay khắt khe sẽ chỉ khiến cho lớp học trở nên nặng nề, học viên không còn hứng thú học tập và triệt tiêu động cơ học tập ở họ.

(4) Xây dựng tập thể lớp học đoàn kết, gắn bó, có nền nếp.

Học viên chỉ có thể gắn bó với lớp học nếu có được một tập thể lớp học đoàn kết, gắn bó, có nền nếp. Điều này cũng góp phần tạo ra động cơ học tập đúng đắn ở họ bởi họ xem lớp học như một gia đình thân thuộc và họ quyết tâm phấn đấu vì cái gia đình đó. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp cần chú ý xây dựng cho được tập thể lớp đoàn kết, lựa chọn ban cán sự lớp có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao, thường xuyên họp lớp để nắm tình hình và đề ra các chương trình, kế hoạch phấn đấu cho lớp, nắm bắt các hoàn cảnh khó khăn để kiến nghị nhà trường giải quyết. Nhà trường cũng cần tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để học viên thấy yêu trường, mến lớp tạo động cơ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của từng người.

(5) Trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp, công sở văn hóa.

Việc xây dựng công sở văn hóa có tác dụng tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh làm tăng niềm tin ở học viên vào chất lượng đào tạo của trường. Vì vậy, nhà trường cần chú ý đầu tư đầy đủ các trang thiết bị dạy học hiện đại, các khối công trình phục vụ, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp, xây dựng môi trường an toàn về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, thiết lập nền nếp hoạt động lành mạnh, có kỷ luật, đảm bảo chất lượng ở mọi lĩnh vực hoạt động. Một khi tạo được ngôi trường có “thương hiệu” sẽ thúc đẩy tinh thần học tập của người học để xứng đáng là học viên của trường.

(6) Thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính khoa học, công bằng, khách quan.

Yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, giàu khả năng vận dụng trong tình hình hội nhập như ngày nay đòi hỏi công tác kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, đó là đánh giá được kỹ năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều này hoàn toàn đáp ứng sự mong mỏi của học viên khi tham gia chương trình học bởi nhu cầu nâng cao trình độ nhận thức chính trị và kỹ năng làm việc của họ ở địa phương. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá theo hướng mở sẽ tạo động lực thúc đẩy người học tự giác, tích cực tư duy trong quá trình học từ đó mang lại kết quả học tập cao hơn, giúp họ trở thành những cán bộ có đầy đủ phẩm chất và năng lực tốt sau này.

Tóm lại; Công tác đào tạo cán bộ ở các trường Chính trị trong những năm qua bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện vẫn tồn tại các hạn chế liên quan đến chất lượng đào tạo. Một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng đào tạo chưa được nâng cao đó là tình trạng học viên thiếu động cơ học tập bởi nhiều lý do khác nhau. Việc tập trung các giải pháp như đã nêu trên sẽ góp phần hình thành ở học viên động cơ học tập đúng đắn, thúc đẩy ở họ tinh thần tự giác, tích cực, chủ động trong học tập, giúp họ hiểu được rằng học tập lý luận chính trị - hành chính là để nâng cao nhận thức chính trị của người cán bộ và kỹ năng làm việc hiệu quả nhất là trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi trình độ và năng lực của cán bộ cao hơn trước./.