Xuất bản thông tin

null Tính thời sự và giá trị vượt thời đại của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Trang chủ Bài viết

Tính thời sự và giá trị vượt thời đại của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                             Khoa xây dựng Đảng

Tóm tắt, trong mọi công việc, làm như thế nào để có hiệu quả, hiệu suất cao nhất đó là chuyện thường nhật và là lẽ đương nhiên, tuy nhiên, trong thực tiễn không phải lúc nào cũng như thế. Sửa đổi lối làm việc để đạt được mục đích và hiệu quả tốt nhất luôn là vấn đề của thực tiễn. Tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây đã 76 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị về tính thời sự và mang trong nó những giá trị vượt thời đại.

Từ khóa: Tính thời sự; giá trị vượt thời đại; sửa đổi lối làm việc

Trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, với những điều kiện khác nhau trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về trình độ, nhận thức thì cách thức, phương pháp làm việc của con người cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù có nhiều yếu tố khác nhau, song mục đích làm việc, tính hiệu quả, hiệu suất thì hoàn toàn giống nhau. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt đúng trọng tâm vào những vấn đề cơ bản nhất để đạt được mục đích, hiệu quả làm việc, chính vì thế, dù đã 76 năm trôi qua, tác phẩm vẫn còn nguyên tính thực tiễn, tính thời sự, không chỉ thế, những giá trị của tác phẩm còn mang tầm thời đại.

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành được thắng lợi, đó là một cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng đã mang lại quyền độc lập cho một dân tộc thuộc địa, quyền tự do cho những người dân nô lệ, mang lại quyền làm chủ thật sự cho tất cả những người dân lao động. Sau cách mạng, một chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập và bắt tay vào xây dựng xã hội mới.

Lãnh đạo cách mạng giành chính quyền tuy là vô cùng khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng, nhưng còn dễ hơn nhiều so với giữ vững chính quyền và xây dựng thành công chính quyền, đó mới là vấn đề thật sự và là bản chất tiến bộ của một cuộc cách mạng. Khi bắt tay vào xây dựng chính quyền mới, hàng loạt các vấn đề mới, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: làm như thế nào? phải bắt đầu từ đâu? từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, họ phải quản lý xã hội như thế nào? làm sao quy tụ được sức mạnh và nguồn lực?… Đặc biệt, làm thế nào để chính quyền cách mạng và những người quản lý của chính quyền cách mạng không phạm phải những sai lầm hay có những cách làm đi ngược lại ý nguyện của nhân dân như chính quyền thuộc địa và chính quyền phong kiến trước đây. Đó chính là vấn đề vô cùng lớn đối với một chính quyền cách mạng non trẻ và thực tế đã xãy ra hàng loạt các vấn đề, như cửa quyền, hống hách, quan liêu, “quan cách mạng”, vô cảm,…trước quần chúng nhân dân.

Trước thực tế có những cách làm mang tính “kinh nghiệm chủ nghĩa”, mang tính “chủ quan”, “nóng vội”, … Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bức thư, bài báo nhằm chấn chỉnh, định hướng mục đích và chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên những cách làm việc khoa học, khách quan, hiệu quả để xây dựng hình ảnh của chính quyền cách mạng mới, như: “Chính phủ là công bộc của dân[1], “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh , huyện và làng[2], “Một vài ý kiến về ủy ban kiến thiết, động viên dân chúng, tăng gia sản xuất, Ủy ban tản cư[3], “Tìm người tài đức[4],…những bức thư, những bài viết đăng trên báo Nhân dân của Bác đã có những tác dụng tích cực, để tiếp tục lan tỏa tinh thần sửa đổi cách làm việc theo tinh thần cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, để chính quyền mới thật sự là chính quyền của nhân dân, tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩn “Sửa đổi lối làm việc[5] lấy tên là X.Y.Z. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1948 và đã qua nhiều lần tái bản.

Tác phẩm với dung lượng khá khiêm tốn (76 trang) đối với một tác phẩm lý luận nói chung, nhưng nếu so với các tác phẩm của Bác thì đây là tác phẩm tương đối dài, tác phẩm được kết cấu thành 6 phần (I. Phê bình và sửa chữa; II. Mấy điều kinh nghiệm; III. Tư cách và đạo đức cách mạng; IV. Vấn đề cán bộ; V. Cách lãnh đạo; VI. Chống thói ba hoa), với phong cách diễn đạt dễ hiểu, ngắn gọn, tác phẩm đã dẫn dắt người đọc nhận thức được những vấn đề cơ bản, thiết yếu về mục đích và tính hiệu quả của công việc, cũng như chỉ ra những vấn đề vì đâu mà dẫn đến những cách làm không đúng, không tốt, không hiệu quả, thậm chí là những cách làm có tính chất tiêu cực,…Từ đó, tác phẩm giúp người đọc nhận thức được một cách đầy đủ và có hệ thống về yêu cầu và sự cần thiết phải sửa đổi lối làm việc cho phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn.

“Sửa đổi lối làm việc” không đơn thuần chỉ là cách làm, mà sâu xa hơn, tác phẩm chỉ ra nguyên nhân căn bản đạt được mục đích tính hiệu quả của “lối làm việc”. Tác phẩm đã đưa ra một hệ thống hoàn chỉnh về những vấn đề lý luận và thực tiễn, là cơ sở của một “lối làm việc” mới, đáp ứng yêu cầu mới – đó là yêu cầu của một cuộc cách mạng chân chính.

Đi vào nội dung cụ thể của tác phẩm, người đọc có cảm giác như những phần chính của tác phẩm là các phần độc lập, tách rời nhau, nhưng thực chất các phần có mối quan hệ rõ ràng, mạch lạc, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên tính thống nhất chung của tác phẩm. Ngay đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phê bình và sửa chữa và ngay lập tức tác giả đã dẫn dắt đến yêu cầu Đảng phải sửa chữa lối làm việc, một Đảng cách mạng phải là Đảng có lối làm việc hiệu quả, vì dân, thu phục nhân dân, muốn như thế Đảng phải loại bỏ đi những “thứ bệnh” mà mỗi cán bộ đảng viên đã mang trong mình từ thực tiễn cuộc sống. Ngay sau đó, tác phẩm chỉ ra những điều kinh nghiệm, kinh nghiệm vì sao tốt, kinh nghiệm vì sao chưa tốt, con đường để đạt được mục đích và tính hiệu quả thật sự của làm việc chính là sát quần chúng, gần gũi quần chúng, thực tiễn chính là cơ sở để kiểm nghiệm chân lý. Để có thể vì dân mà phục vụ, vì dân mà làm việc thì Đảng đó phải có tư cách và đạo đức cách mạng, Đảng muốn có tư cách và đạo đức thì mỗi cán bộ đảng viên phải có tư cách và đạo đức cách mạng, đây là thước đo quan trọng và nhân tố quyết định người cán bộ cách mạng. Để làm việc hiệu quả và sửa đổi lối làm việc thì vấn đề cốt yếu nằm ở cán bộ, công tác cán bộ. Để phát huy tốt vai trò của cán bộ thì cách lãnh đạo hay phong cách lãnh đạo có ý nghĩa quyết định trong phát huy vai trò, cũng như kích thích sự sáng tạo – tiền đề cho sửa đổi lối làm việc thiết thực, hiệu quả. Và cuối cùng tác phẩm đề cập đến việc chống thói ba hoa, thói ba hoa cũng là một “loại bệnh”, một loại bệnh “nguy hiểm” cần phải chữa, nó là nguyên nhân dẫn đến tính thiếu hiệu quả trong công việc. Như vậy, qua tác phẩm có thể thấy, căn nguyên của lối làm việc thiếu hiệu quả là do nhận thức, nhận thức quyết định hành động, cái gốc của việc sửa đổi lối làm việc là phải sửa chữa những suy nghĩ, nhận thức, kinh nghiệm cũ kỹ, lạc hậu,…mỗi người cán bộ đảng viên phải luôn bám sát vào thực tiễn (nhân dân) để có cách làm mới phù hợp, đúng đắn, hiệu quả, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Sửa đổi lối làm việc là nhằm mục đích: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh[6].

“Sửa đổi lối làm việc” không dừng lại ở cách làm việc, phương pháp làm việc, mục đích, tính hiệu quả đơn thuần, mà nó hướng đến bản chất của cách mạng, chính quyền cách mạng, đó phải là sự tự do, dân chủ thật sự, “Sửa đổi lối làm việc” đó chính là bản chất của cách mạng chân chính, cách mạng để cải biến, cách mạng để mọi thứ thay đổi, tiến bộ và phát triển và đó không chỉ là mong muốn của cách mạng Việt Nam, người dân Việt Nam mà là mong muốn chung của các dân tộc, các quốc gia và của cả nhân loại – đó là giá trị của thời đại.

Với những điều kiện thực tiễn của đất nước trước và sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, đó là những tàn dư của chế độ phong kiến hàng ngàn năm còn để lại, đó là tàn dư của chế độ thực dân nửa phong kiến, đó là tàn dư của chế độ thực dân, do đó, những hạn chế, thiếu sót, kinh nghiệm, chủ quan,…trong cách làm việc, cách nhận thức và xây dựng, quản lý xã hội là một điều khách quan. Đất nước mới giành được độc lập thì không thể có một chính quyền thật sự quản lý hiệu quả, một đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu mới một cách tốt nhất. Thực tế đó chỉ ra nguyên nhân vì sao Bác hết sức quan tâm và phải viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để huấn thị, định hướng, để làm cơ sở cả về lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng một “cách làm mới” đáp ứng yêu cầu của một cuộc cách mạng mới.

 Hiện nay, đất nước đã giành được độc lập gần 80 năm, đó là khoảng thời gian rất dài để xây dựng chính quyền mới, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, tận lực, có thái độ cầu thị, có tinh thần lạc quan trong công việc, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh. Đặc biệt, qua hơn 35 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong đó, việc củng cố, xây dựng và hoàn thiện chính quyền mới hết sức được chú trọng; đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được đào tạo bài bản và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra hàng loạt các vấn đề mà yêu cầu của nó là phải tiếp tục “sửa đổi lối làm việc” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là định hướng, là kim chỉ nam cho việc xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc” của dân, hết lòng, hết sức vì dân phục vụ.

Thực tế hiện nay cho thấy, đất nước đã đạt được những thành tựu lớn về cải cách hành chính nói chung; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, tinh thần, thái độ, làm việc được quan tâm, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ không ngừng được nâng lên; hệ thống các cơ quan quản lý được sắp xếp theo hướng tinh, gọn; hệ thống pháp luật không ngừng được xây dựng và hoàn thiện; tính pháp chế, tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của nhà nước cũng không ngừng được nâng lên,…đó là về mặt tổng thể, nhưng trên thực tế và đi vào từng lĩnh vực cụ thể, đi vào bên trong của “lối làm việc” hiện nay lại xuất hiện nhiều vấn đề. Hiện nay “hành chính hóa” lối làm việc đang là vấn đề có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến mục đích, hiệu quả của quá trình quản lý xã hội.

Hành chính hóa lối làm việc, trước tiên nó đang tác động và đẩy nhanh khoảng cách giữa người và người trong mối quan hệ làm việc, mối quan hệ xã hội,…sự thông cảm, thấu hiểu, tính nhân văn, văn hóa trong các mối quan hệ đang dần bị đẩy ra xa và thay vào đó là những qui định cứng nhắc, những cách tiếp cận hoàn toàn bị chi phối bởi văn bản, giấy tờ, thủ tục; tiếp đến, hành chính hóa lối làm việc, là sự biểu hiện của sự lỗi thời trong việc tiếp cận thực tiễn, qui định, thủ tục, qui trình, đó là sự phản ánh lỗi thời của thực tiễn cuộc sống đã qua một thời gian nhất định và đôi khi không còn phù hợp, điều này dẫn đến tính thiếu chính xác, thậm chí là sự thụt lùi của sự phát triển; một thực tế khác là hành chính hóa lối làm việc tạo ra rất nhiều khoảng trống để người thực hiện có thể lợi dụng chính  tính chất “hành chính hóa” để phục vụ cho những tính toán với những mục đích chủ quan của chủ thể thực hiện; một vấn đề khác nữa của hành chính hóa lối làm việc là rất dễ dẫn đến tình trạng nhận thức chưa đúng về phân quyền và trách nhiệm trong sử dụng quyền lực để lạm quyền hoặc ngộ nhận về quyền lực trong sử dụng quyền lực mà trên thực tế là các cơ quan, ban ngành hay cá nhân không hoàn toàn có quyền, đây là vấn đề khá phổ biến,…đó là một số hệ lụy của lối làm việc hành chính hóa hiện nay.

Xét cho đến cùng, mọi vấn đề được tạo ra trong quá trình tổ chức quản lý, hay nói cách khác đó là cách làm việc, lối làm việc đều không phải do bản thân qui trình, qui định hay bất cứ yếu tố gì khác tạo ra nó mà chính là yếu tố con người, nhận thức và hành động của con người quyết định nên điều đó. Điều này một lần nữa cho thấy, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh đúng và trúng vào vấn đề cơ bản nhất, quyết định nhất, quan trọng nhất của “lối làm việc”, như vậy, có thể thấy tác phẩm vẫn luôn luôn có tính thời sự, tính thực tiễn, vẫn mãi là cẩm nang cho những người cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách và nhiệm vụ.

Sửa đổi lối làm việc để đến được với mục đích, hiệu quả, hiệu suất, tính nhân văn, thể hiện bản chất của chính quyền cách mạng, chính quyền tiến bộ, vì mục tiêu chung  của sự công bằng, bình đẳng, tiến bộ, phát triển. Đó là giá trị chung của thời đại mà bất cứ chính quyền, nền hành chính, nhà nước nào cũng hướng tới. Giá trị thực tiễn và thời đại của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn còn mãi với thời gian./.

------------------

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxh CTQG Sự thật, tập 4, tập 5.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, trang 21

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, trang 64

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, trang 545

[4] Sđd, tập 5 trang 504

[5] Sđd, tập 5 trang 269

[6] Sđd, tập 4 trang 51