Xuất bản thông tin

null Bảo đảm thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên hiện nay

Bài viết Bài viết

Bảo đảm thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên hiện nay

                                                             Nguyễn Thái Vinh

                                                           Khoa Nhà nước và Pháp luật

        Đạo đức là một trong những giá trị tinh thân phổ quát của nhân loại và là bộ phận trọng yếu trong đời sống tinh thần xã hội. Những phẩm chất đạo đức cá nhân là nền tảng nhân cách của con người. Sự trưởng thành về đạo đức biểu hiện trình độ phát triển nhân cách và sự tiến bộ mang tính nhân văn trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng. Trong xu thế nhân văn hóa sự phát triển cùa xã hội hiện đại, đạo đức được khẳng định là nhân tố nội sinh quan trọng và là một phương diện không thể thiếu cho việc xây dựng nhân cách phát triển hài hòa, toàn diện của mỗi cá nhân.

        Hiện nay, giới trẻ là đối tượng nhạy cảm trước những biến đổi vô cùng nhanh chóng của đất nước ta và thế giới. Họ có tri thức, dễ tiếp thu cái mới, nhạy cảm với những vấn đề chính trị - xã hội, năng động sáng tạo… chủ động và nhanh chóng tiếp cận với những cái mới trong khoa học, kỹ thuật công nghệ, chịu khó học hỏi kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp và công việc…

      Tuy nhiên trong bối cảnh một nền kinh tế - xã hội mở của, bên cạnh những biểu hiện tích cực thì còn có một bộ phận thanh niên có tư tưởng hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, sa đọa về lối sống. Đảng ta nhấn mạnh: tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong giới trẻ sự xuất hiện đến mức báo động các hiện tượng suy thoái đạo đức, phi nhân tính trong đời sống xã hội, sự suy thoái các giá trị văn hóa dân tộc trong một bộ phận thanh niên đang hàng ngày làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Vì thể, nhằm phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng nhân cách đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay là yêu cầu cấp bách, trong đó cần “bảo đảm thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên”.

       Trong việc xây dựng nhân cách đạo đức, coi trọng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống là một yêu cầu cơ bản. Theo quan điểm biện chứng, không có sự phát triển nào là từ hư vô mà bao giờ cũng là sự kế thừa. Nói đến sự phát triển là nói tới sự kế thừa.

        Kế thừa là quy luật phát triển của ý thức xã hội nói chung, ý thức đạo đức nói riêng, kế thừa là nhân tố, là vòng khâu của sự phát triển, là cái cầu nối giữa cái cũ và cái mới. Tính kế thừa của đạo đức phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, vào tính giai cấp, tính dân tộc. Do đó kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống cần phải có sự bổ sung, đổi mới phù hợp để trở thành hiện thực trong đời sống. Điều đó có nghĩa là không thể kế thừa một cách nguyên xi những giá trị đạo đức truyền thống, mà phải đổi mới chúng theo tinh thần những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Do vậy, cần đảm bảo sự thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên hiện nay. Kế thừa và đổi mới nhưng không lệch chuẩn, nâng được các giá trị đạo đức truyền thống lên một tầm cao mới.

      Truyền thống yêu nước Việt Nam là một giá trị đạo đức tiêu biểu đã được thử thách qua lịch sử. Tuy nhiên, khi lịch sử có những biến đổi, với tư cách là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, truyền thống yêu nước cũng phải biến đổi theo cho phù hợp với lịch sử. Và lịch sử cũng đã chứng minh rằng, nếu không có sự biến đổi phù hợp, những giá trị này lại trở thành rào cản trong quá trình phát triển đất nước. Yêu nước trong bối cảnh hiện nay cần phải gắn với ý chí tự lực, tự cường. Để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội, không gì khác hơn là chúng ta phải thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Thi đua làm khơi dậy trong mỗi con người, mỗi tập thể, đặc biệt là đối tượng thanh niên tích cực, chủ động sáng tạo, khơi dậy lòng dũng cảm, tinh thần dám nghĩ dám làm. Chính thông qua các phong trào thi đua mà khắc phục những yếu kém, đẩy lùi những nguy cơ, vượt qua những thử thách. Qua phong trào thi đua, chúng ta nêu được những gương người tốt việc tốt, những tấm gương này góp phần đáng kể trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và giáo dục nhân cách đạo đức thanh niên nói riêng.

        Lòng nhân ái yêu thương con người là yếu tố thuận lợi cho việc tiếp thu những giá trị nhân đạo của thời đại, xây dựng nên những nhân cách đạo đức phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế về mặt giai cấp và lịch sử. Lòng thương người đó chỉ chú ý tới khía cạnh thiếu hụt của cá nhân so với cộng đồng (thường là về kinh tế, hay những bất công), chứ chưa chú ý tới con người như là những nhân cách độc lập cần được phát triển một cách hài hòa, phong phú về cả thể chất lẫn tinh thần. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lòng thương người không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc, mà còn phải được mỏ rộng, kết hợp với các quốc gia, dân tộc khác để giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu như nạn ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái… Đặc biệt là lực lượng thanh niên phải giáo dục để họ hiểu sâu sắc về vấn đề này.

       Nhờ có tinh thần đoàn kết cộng đồng mà dân tộc Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, giành được độc lập dân tộc. Nhưng nếu quá đề cao truyền thống đoàn kết, sẽ xuất hiện tư tưởng bình quân, cào bằng. Chính điều đó gây trở ngại cho sự phát triển đất nước, bởi người ta không dám chịu trách nhiệm cá nhân trong một số trường hợp; con người trở nên kém năng động, trông chờ, ỷ lại. Cụ thể là trong thanh niên, giáo dục cho họ tinh thần đoàn kết là rất tốt - sẽ có một tập thể vững mạnh. Nhưng điều đó cũng phải lưu tâm nếu nó bị lạm dụng, họ có thể sẽ bao che cho những hành động thiếu đúng đắn những hành vi vô văn hóa…

          Nhờ có truyền thống cần cù, tiết kiệm, cha ông ta đã kiến tạo nên cuộc sống của mình và để lại cho lớp trẻ ngày nay những thành quả đáng tự hào. Trải qua bao nhiêu gian khó của cuộc sống, dân tộc Việt Nam vẫn vững bước đi lên bằng chính sức lao động của mình. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, người Việt Nam tuy cần cù, nhưng lại đề cao đức tính này một cách thái quá “cần cù bù thông minh”. Con người ngày nay và nhất là thế hệ thanh niên,  không phải chỉ “năng nhặt chặt bị”, mà phải biết cách “nhặt”  cho nhanh “chặt bị” nữa. Bên cạnh đức tính cần cù cần phải có sự sáng tạo, sự sáng tạo không ngừng để đạt được kết quả cao trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học. Trong thanh niên, có không ít người có lối sống hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, trái với giá trị truyền thống của dân tộc như cần cù, tiết kiệm… Do vậy, cần phải làm cho họ có ý thức về lao động, sáng tạo, chứ không chỉ quan tâm đến sự tiêu dùng.

        Ở đây giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên là phải làm cho họ biết giữ gìn và tô thắm những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, nhân cách đạo đức của con người Việt Nam.

        Kinh nghiệm cho thấy, những giá trị đạo đức truyền thống, bên cạnh việc giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu không được củng cố trong sự đổi mới, không được phát triển và nâng lên ở một tầm cao mới để đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử, sẽ gây cản trở, ách tắc, tạo nên xung đột giữa sức nặng, uy lực của truyền thống với yêu cầu đổi mới, vươn lên của cuộc sống hiện tại, giữa khuôn thức, mẫu mực mà quá khứ trao lại với khả năng sáng tạo, thích nghi, hướng tới tương lai.

       Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, sự tác động của toàn cầu hóa đã làm này sinh nguy cơ tự đánh mất mình, tự hủy hoại nền tảng bên trong của sự phát triển bền vững và lâu dài, đó là văn hóa Việt Nam, đạo đức truyền thống Việt Nam. Do đó,  việc định hướng để thanh niên biết tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn hóa, lối sống các dân tộc khác nhau trên thế giới cũng như việc giúp họ biết loại trừ, chống lại cái dở, cái xấu xa, cái phản văn hóa, phản nhân văn trong giai đoạn hiện nay là vấn đề hết sức cần thiết. Để đạt mục tiêu trên cần phải chú ý thực hiện các nội dung sau:

       Một là, nâng cao trình độ mọi mặt cho thanh niên, đặc biệt là trình độ học vấn, giúp họ am hiểu và nắm vững truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc, từ đó hình thành niềm tin khoa học và lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự tin bước vào hội nhập mà không bị “hòa tan” trước văn hóa ngoại lai.

         Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của các thế lực thù địch. Vì thanh niên là một trong những đối tượng được “ưu tiên” của chiến lược này.  

       Ba là, chú trọng và tăng cường có hiệu quả công tác giáo dục thể chất, không ngừng nâng cao thể lực cho thanh niên. Đối với mỗi thanh niên cũng như toàn xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

       Bốn là, trong điều kiện toàn cẩu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, định hướng giá trị mà trong đó có giá trị đạo đức cho thanh niên giữ một vai trò hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp cho thanh niên biết kế thừa và đổi mới, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử mới, đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm giá trị truyền thống dân tộc.

       Tóm lại, trong điều kiện mở cửa, toàn cầu hóa như hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển, tất yếu chúng ta phải thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, phát huy các giá trị đó lên một tầm cao mới. Đây là một phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho thanh niên Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
  2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia.
  4. Bandzeladze.G (1985) Đạo đức học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Chủ nghĩa xã hội và nhân cách (1993) Nxb giáo khoa, Hà Nội.