Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu về sự vận dụng các điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay

Bài viết Bài viết

Tìm hiểu về sự vận dụng các điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay

 

Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung

 Khoa Lý luận cơ sở

Hiện nay, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghệ mới, nền công nghiệp 4.0 lấy tri thức làm nguồn nguyên liệu chính trong quá trình vận hành, kết nối toàn cầu các nền kinh tế trên thế giới với nhau và tạo ra năng suất lao động rất lớn. Do đó, xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức - nơi ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành đòi hỏi tất yếu khách quan của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh của thế giới hiện nay, để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nước ta phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thì tri thức thể hiện trong con người và trong công nghệ, tầm quan trọng tương đối của tri thức đã được công nhận và ngày càng tăng lên. Hiện nay các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức.

Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tri thức là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Nó được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Khi xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số… Đây chính là những thành tố quan trọng của nền kinh tế tri thức

Chủ trương lớn này cho phép chúng ta được đi tắt đón đầu trong ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời, để nền kinh tế tri thức thực sự phát triển bền vững thì nó cũng cần có những điều kiện nhất định về ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội ,…cụ thể:

Một là, ổn định về chính trị: là độ bền vững và tính toàn vẹn của một chế độ chính trị hiện hành. Một xã hội ổn định là một xã hội trong đó người dân hài lòng với đảng cầm quyền và hệ thống quản lý của các cấp chính quyền nhà nước. Ổn định về chính trị có vai trò đảm bảo các điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển làm cho quá trình phát triển kinh tế tri thức có ý nghĩa và sâu sắc hơn.

Hai là, ổn định về kinh tế: là sự ổn định về môi trường sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Nó được thể hiện ở sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó trước hết là sự ổn định thị trường, ổn định tài chính, tiền tệ, giá cả, việc làm thu nhập. Điều kiện để duy trì sự ổn định này là nhà nước phải duy trì được cân bằng tổng cung - tổng cầu, phải kiểm soát được lạm phát, xây dựng và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ba là, ổn định về xã hội: là sự cân bằng xã hội trong đó mọi người hợp lại với nhau cùng hướng đến một xã hội an toàn, đồng thuận và phát triển. Nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các thành viên tập trung vào việc làm thế nào để tất cả các bộ phận trong xã hội hợp tác với nhau. Sự ổn định về xã hội khi đã được duy trì thường xuyên, lâu bền thì nó là nhân tố quan trọng kích thích tiến bộ xã hội.

Ổn định về xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định về chính trị và phát triển kinh tế, xã hội nói chung, cho thực hiện các mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển của Đảng và Nhà nước nói riêng. Điều kiện tối cần thiết để giữ vững ổn định về xã hội là Đảng và Nhà nước phải coi trọng dân chủ, trong đó quyền và lợi ích cơ bản của tuyệt đại đa số tầng lớp nhân dân được bảo vệ.

Chỉ có sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội thì mới khuyến khích được tính tích cực của người dân phát huy các nguồn lực, đặc biệt là trí lực để thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Không nằm ngoài sự phát triển chung của đất nước Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm và chú trọng đến các điều kiện nhằm góp phần cho sự phát triển kinh tế tri thức ở tỉnh đạt hiệu quả ngày càng cao.

Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, có tổng diện tích 3.374 km², dân số gần 1,7 triệu người; Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, đứng thứ ba cả nước về tổng sản lượng lúa, thủy sản được coi là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa.

Hệ thống Logistics tại Đồng Tháp phát triển đồng bộ, sau khi đưa vào khai thác cảng container Tân Cảng - Sa Đéc, công suất 6.000 TEU/tháng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ triển khai tiếp nhận container tại cảng Cao Lãnh, đồng thời sẽ làm thủ tục và triển khai đầu tư vào cảng Thường Phước và các bến xếp dỡ container hàng hóa khác như: Tháp Mười sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng tại Đồng Tháp xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và tăng cường giao thương với Campuchia. Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử tạo thuận tiện cho việc hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong thời gian qua cũng nhận thức ngày càng sâu sắc tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn tỉnh nhà. Đã xác định các giải pháp đột phá hướng tới xây dựng, phát triển hoàn thiện các điều kiện phát triển kinh tế tri thức như tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng…Qua đó, việc tổ chức thực hiện xây dựng các điều kiện của nền kinh tế tri thức đạt được nhiều thành tựu đáng kích lệ:

Về sự ổn định chính trị:

Công tác xây dựng Đảng bộ được chú trọng trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng tổ chức và đạo đức.

Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự bình đẳng trong phát triển giữa các thành phần kinh tế. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện theo hướng đa dạng hóa phương thức đầu tư, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông... hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Đồng Tháp là một trong những tỉnh được đánh giá cao trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện với Nhân dân.

Quốc phòng - An ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường và giữ vững ổn định. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức tốt diễn tập vận hành cơ chế ở các cấp; giao quân hàng năm đảm bảo chỉ tiêu. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới với Campuchia. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm trên tất cả các mặt như là số vụ, số người chết, số người bị thương… Lực lượng vũ trang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Về ổn định trong các chính sách phát triển kinh tế tri thức: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống được chú trọng, đạt một số kết quả, nhất là các công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y tế.... Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều; năng suất, chất lượng, sản lượng nông - lâm - thủy sản được nâng lên đã xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc. Nhiều cải tiến về khoa học công nghệ được ứng dụng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh như trong lĩnh vực xây dựng hay trong lĩnh vực viễn thông.

Về ổn định xã hội: Quy mô, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên. Xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề được nâng cấp, mở rộng. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai kịp thời, đầy đủ và có kết quả các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, chăm sóc người có công, đối tượng an sinh xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, biên giới. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc xây dựng hoàn thiện các điều kiện phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng còn có những hạn chế nhất định. Năng lực quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước có lúc hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, trong đó có cán bộ chủ chốt một số địa phương, đơn vị…Làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển trên địa bàn tỉnh.

Thiết nghĩ, trong thời gian đến để xây dựng hoàn thiện các điều kiện phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

(1) Tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

(2) Thực hiện đẩy nhanh việc đào tạo, thu hút hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển.

 (3) Thực hiện chính sách vượt trội để thu hút lao động có kỹ năng và tài năng ở trong và ngoài nước vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả khu vực công.

(4) Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đô thị thông minh, kinh tế số; quan tâm chi đầu tư cho khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực. 

(5) Không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế.

(6) Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, trong đó Chính phủ đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; quan tâm phát triển các tập đoàn công nghệ trở thành các trụ cột của kinh tế quốc gia.

(7) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, mạng lưới internet, các khu công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển đặc biệt trên các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và công nghiệp chế biến.

Như vậy, để kinh tế tri thức thực sự phát triển nhanh, bền vững trong thời gian đến đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục duy trì, xây dựng ngày càng hoàn thiện các điều kiện để phát triển kinh tế tri thức như về ổn định chính trị, ổn định về chính sách kinh tế và ổn định xã hội. Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta trong thời gian đến cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hệ thống các giải pháp từ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiệm vụ trọng tâm là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách về xã hội,…

Nền kinh tế ở tỉnh Đồng Tháp có điều kiện thuận lợi để tiếp thu các thành tựu trong xây dựng phát triển tri thức kinh tế của các tỉnh đi trước. Song, để kinh tế tri thức ở tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong thời gian đến đòi hỏi sự nỗ lực toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên của tỉnh để tạo ra những điều kiện thuận lợi đồng bộ về chính trị, kinh tế và xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. LLCT, Hà Nội, 2021.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016),Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2015.

4. Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, Lưu hành nội bộ, 2020.