Xuất bản thông tin

null Xếp vị trí thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, Đồng Tháp chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Bài viết Bài viết

Xếp vị trí thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, Đồng Tháp chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Mai Quang Khả

Ngày 11/4/2023, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Kết quả PCI 2022, tỉnh Quảng Ninh xếp vị trí thứ nhất với 72,95 điểm; xếp vị trí thứ 2 là tỉnh Bắc Giang với 72,80 điểm; xếp thứ 3 là TP Hải Phòng với 70,76 điểm; xếp thứ 4 là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 70,26 điểm.

Tỉnh Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 với 69,68 điểm.  Đây cũng là năm thứ 15 liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc. Trong báo cáo PCI 2022, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chỉ số thành phần đạt vị trí cao của cả nước, trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,94 điểm, xếp vị trí thứ 1; tính minh bạch đạt 7,10 điểm, xếp vị trí thứ 1; chi phí thời gian đạt 8,11 điểm, xếp vị trí thứ 3; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,65 điểm, xếp vị trí thứ 2.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Khảo sát PCI có thể xem là cuộc khảo sát doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm.

Chỉ số PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Song song với việc được đánh giá cao ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Tháp còn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Tỉnh. Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết về thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch cấp Quốc gia, cấp vùng, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); phát triển bền vững; đưa kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và chuyển đổi số trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đảm bảo môi trường, thiên nhiên cho sự phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, không đánh đổi phát triển kinh tế gây hủy hoại môi trường.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Đồng Tháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp là trung tâm đầu mối nông nghiệp phát triển bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế trên cơ sở kế thừa các thành quả của giai đoạn 2021-2030. Tỉnh phát huy tốt vai trò trung tâm đầu mối nông nghiệp sinh thái nước ngọt của vùng ĐBSCL, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa ĐBSCL với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkong, một trong những trung tâm du lịch vùng sinh thái nước ngọt của vùng ĐBSCL. Chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao, là một trong những nơi đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Tỉnh đã xác định các đột phá phát triển là xây dựng vùng nông nghiệp - thủy sản chất lượng ổn định gắn với chuỗi cung ứng nguyên liệu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đa dạng hóa, nâng cấp và thương mại hóa các mặt hàng chính phẩm và phụ phẩm cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp truyền thống; phát huy mạnh mẽ công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm dựa trên thế mạnh về vùng nuôi trồng nông - thủy sản truyền thống. Hình thành các chuỗi giá trị, cụm ngành hàng đặc trưng của Đồng Tháp, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, sinh thái, xanh, chất lượng cao đáp ứng những thị trường khó tính; xây dựng thương hiệu địa phương và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, xoài, sen, hoa kiểng, cá tra, vịt).

Bên cạnh đó là phát huy vai trò thu hút nguyên liệu, tập kết và điều phối nông sản. Định vị vai trò, tính chất, đẩy mạnh đầu tư cho Trung tâm đầu mối cấp vùng tại TP Cao Lãnh dựa trên Khu công nghiệp Trần Quốc Toản hiện hữu với tổng quy mô dự kiến 200 - 400ha, trở thành một trung tâm chế biến - cung ứng cấp vùng với nguồn nguyên liệu ổn định tại chỗ và sản phẩm có khả năng chế biến sâu.

Tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông cấp vùng đi qua tỉnh Đồng Tháp kết nối với các tỉnh, thành lân cận và cả vùng Đông, Tây Nam bộ. Định vị các đô thị mới dựa trên lợi thế và đặc trưng địa phương để tạo hiệu ứng về quảng bá thương hiệu lãnh thổ, thu hút lưu trú và phát triển dịch vụ, du lịch.

Ngoài các lĩnh vực thương mại, dịch vụ truyền thống, cần tạo điều kiện cho các lĩnh vực dịch vụ đổi mới: thu mua/tồn trữ/giao dịch quy mô lớn; cảng vụ/logistic; quản lý/cho thuê/bảo trì tài sản và công cụ sản xuất kinh doanh; các dịch vụ tài chính (tín dụng, kiểm toán, định giá, tín dụng tài chính); các dịch vụ chuyển giao/giải pháp online và 4.0; dịch vụ bất động sản; dịch vụ trung cao cấp về giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng.

Liên kết với các tỉnh Long An, Tiền Giang để xây dựng Dự án đột phá Tiểu vùng Đồng Tháp Mười mang tầm Quốc gia, mục tiêu xây dựng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia cả ở khía cạnh Trung tâm dự trữ nguồn nước ngọt, nguồn phù sa lẫn Trung tâm khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch theo tọa độ vùng, Quốc gia...

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, được sự đồng thuận của người dân, tin rằng Đất Sem hồng sẽ ngày càng phát triển bền vững, đúng hướng, mang lại cuộc sống phồn vinh cho người dân./.

Tài liệu tham khảo:

- Báo Đồng Tháp điện tử, https://www.baodongthap.vn/, ngày: 16/04/2023.

- Báo Đồng Tháp điện tử, https://www.baodongthap.vn/, ngày: 11/04/2023.