Xuất bản thông tin

null Chiến thắng 30/4/1975, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước

Bài viết Bài viết

Chiến thắng 30/4/1975, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước

Nguyễn Thị Duyên

Phòng QLĐT&NCKH

1. Đặt vấn đề

Trong kháng chiến, chủ nghĩa yêu nước – một giá trị văn hóa – tinh thần cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, đã được Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ. Năm 2023, cả nước kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – thành quả vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu nước.

2. Nội dung

Cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc đấu tranh yêu nước “cuộc chiến quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn”. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước là động lực vĩ đại của đất nước, của cuộc chiến tranh giải phóng. Người khẳng định, sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó. Tinh thần yêu nước được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước, gắn yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội, gắn yêu nước với tinh thần quốc tế. Khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước ấy, chúng ta mới có kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính để tự giải phóng, đồng thời tranh thủ được sự trợ lực của bên ngoài để tăng thêm sức mạnh kháng chiến.

Trong lò lửa đấu tranh cách mạng và chiến tranh nhân dân, chủ nghĩa yêu nước truyền thống trong mỗi con người Việt Nam dần dần phát triển lên một chất lượng mới, một tầm cao mới, chủ nghĩa yêu nước trên lập trường giai cấp công nhân, gắn với chủ nghĩa Mác – Lênin, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng lao động, giải phóng xã hội, giải phóng con người, một chủ nghĩa yêu nước thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cách mạng.

1. Chủ nghĩa yêu nước biến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu nước đã được phát huy đến mức cao nhất, thể hiện ở tinh thần, ý chí “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài”. Toàn dân đánh giặc khắp cả ba vùng rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị.

Với phương châm kháng chiến toàn dân, cả nước đánh giặc, dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh không phân rõ đâu là tiến tuyến, đâu là hậu phương, một cuộc chiến tranh xen kẽ giữa ta và địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, 31 triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kỳ già trẻ gái trai phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ.

Chủ nghĩa yêu nước còn được thể hiện ở quyết tâm cháy bỏng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập tự do” giành chính quyền cách mạng, “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thôi thúc lòng khát khao vì độc lập tự do của toàn dân tộc, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam đồng tâm, kiên quyết đứng dậy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

1.2. Chủ nghĩa yêu nước là nhân tố để vạch định đường lối cách mạng, đường lối đấu tranh cách mạnh đúng đắn và sáng tạo, độc lập và tự chủ

Chủ trương vừa chiến đấu, vừa xây dựng để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần tạo nên sức mạnh đủ để đánh bại hoàn toàn quân địch, giành toàn thắng. Hay chiến lược tiến công bằng sức mạnh tổng hợp, chủ yếu là kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, vừa kết hợp tiến công và tự vệ, không ngừng tích lũy lực lượng, kiên quyết tiến công liên tục, chủ động tiến công quân địch.

Đảng ta đã đánh giá đúng tình thế cách mạng và lực lượng so sánh giữa ta và địch trong các bước ngoặt của chiến tranh, đề ra những quyết định rất kịp thời đúng đắn khi Mỹ đưa quân vào miền Nam qua các bước leo thang chiến tranh cho đến khi kết thúc chiến tranh thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Các cao trào tiến công giành thắng lợi như trong giai đoạn cuối năm 1964 và đầu năm 1965, các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Đảng ta cũng phát động một cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến. Cuộc tiến công chiến lược 1972 với ba chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng trên ba hướng Quảng Trị, bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu của chiến địch, 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đại thắng là thành công to lớn của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu nước trong bước kết thúc của nó, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. ​​​​​​​

3. Kết luận

Trải qua quá trình gian khổ, thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vào ngày 30/4/1975 đã kết thúc. Thắng lợi này làm nức lòng đồng bào cả nước, Bắc – Nam sum họp một nhà. Thành công đó, kết quả đáng tự hào đó của dân tộc Việt Nam vào ngày 30/4/1975 làm ngời sáng lên chủ nghĩa yêu nước của Đảng ta, nhân dân ta, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, vạch định đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn đến tinh thần quốc tế trong sáng trong mối quan hệ ngoại giao bền vững gắn kết với Lào và Campuchia.  

Ngày nay, đất nước đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước chủ nghĩa xã hội gắn với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh mới, điều kiện mới chủ nghĩa yêu nước càng được phát huy cao độ như trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước, những cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y bác sĩ, mỗi người dân cùng chung tay hỗ trợ, san sẻ để cùng vượt qua thời điểm khó khăn, để mỗi người “không ai bị bỏ lại phía sau”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Một số chuyên đề lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2007.

2/ Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2000.

3/ Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 1995.

4/ Lê Hữu Nghĩa, Những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội – 2013.

5/ Trịnh Nhu, Mấy vấn đề lịch sử Việt Nam tái hiện và suy ngẫm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2007.