Xuất bản thông tin

null Tiếp cận thông tin trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Bài viết Bài viết

Tiếp cận thông tin trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

          Trong xã hội hiện đại, cùng với sự cập bến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt và vận dụng thông tin để giải quyết công việc lại càng thiết thực hơn bao giờ hết. Thông tin là một phần quan trọng, không thể thiếu được từ lĩnh vực đơn giản đến phức tạp. John Stuart Mill đã từng nêu lên quan điểm: “Ở nơi nào có sự quy ước ngầm rằng các nguyên lý là điều không thể bàn cãi; ở nơi nào mà việc thảo luận những vấn đề trọng đại của nhân loại bị cấm cửa, thì chúng ta không thể hy vọng tìm thấy ở đó tính tích cực với tầm vóc lớn lao đã từng tạo nên một vài thời kỳ thật rạng rỡ trong lịch sử”. Có thể thấy, tiếp cận thông tin, trao đổi và thảo luận là đòi hỏi cần phải có của mỗi con người trong quá trình phát triển; đồng thời, việc công khai thông tin để mọi người tiếp cận được xem là một trong những thước đo để đánh giá tiến trình dân chủ hóa của một quốc gia.

          Quyền tiếp cận thông tin là quyền con người được nắm biết thông tin của nhà nước thông qua các phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như qua đó có thể bảo vệ được các quyền khác mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, quyền này cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cung cấp thông tin cho người dân (ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Quyền tiếp cận thông tin có nguồn gốc từ quyền tự do biểu đạt (tự do ngôn luận), trong đó bao hàm quyền tìm kiếm và tiếp nhận các thông tin trong đời sống xã hội.

          Tại Việt Nam, quyền được thông tin lần đầu tiên được ghi nhận chính thức từ Hiến pháp năm 1992 tại Điều 69: “Công dân… có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Đến Hiến pháp hiện hành năm 2013, quyền này tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 và được cụ thể hóa theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Theo đó, “thông tin” được hiểu là “tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra” (khoản 1 Điều 2) và công dân được phép tiếp cận với thông tin của cơ quan nhà nước trừ trường hợp đó là thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội…; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ và các thông tin được tiếp cận có điều kiện. Bên cạnh Luật Tiếp cận thông tin nhằm thể thế hóa về vấn đề này mang tính nguyên tắc chung thì trong từng lĩnh vực cụ thể, các nhà lập pháp cũng dành một số quy định để công dân có thể tiếp cận thông tin trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

          Trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhu cầu sử dụng đất và thị trường bất động sản ngày càng trở nên sôi động, vì vậy, việc thu hồi đất (THĐ) để tạo quỹ đất “sạch” thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình THĐ, sự tác động của các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh kế của người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Chính vì lẽ đó, công dân có quyền được biết, được tiếp cận và nắm bắt các thông tin có liên quan đến việc THĐ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT, TĐC). Theo Điều 28 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước sẽ phải thực hiện các công việc sau đây nhằm bảo đảm trách nhiệm xây dựng và cung cấp thông tin đất đai:

          (i) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

          (ii) Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.

          (iii) Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.

          (iv) Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

          So với Luật Đất đai năm 2003, pháp luật đất đai hiện hành đã ghi nhận một điều khoản riêng biệt để quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân. Điều này một mặt cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước hiện nay, thay cơ chế "xin - cho" như trước đây bằng việc ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước đối với công dân trong vấn đề này; mặt khác, việc luật hóa quy định này còn thể hiện tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch hóa thông tin, góp phần thực hiện dân chủ, công bằng trong quá trình quản lý, sử dụng và phân phối đất đai tại Việt Nam.

          Mặc dù việc tiếp cận thông tin đất đai nói chung và THĐ nói riêng trong những năm gần đây đã được cải thiện, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tốt hơn; tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức để tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin đăng tải đôi khi chưa rõ ràng để mọi người dễ hiểu khi tiếp cận; một bộ phận công chức còn xem nhẹ việc cung cấp thông tin, không xem đó là trách nhiệm của mình, vấn đề tiêu cực, quan liêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền của người dân hay việc chế tài đối với các trường hợp bưng bít, gây khó dễ khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về THĐ, BT, HT, TĐC vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền của người dân trong lĩnh vực này, thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:

          Thứ nhất, cần quy định trong Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành những quy định cụ thể về các thông tin phải được công khai, các bước trong quy trình để lấy ý kiến người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án BT, HT, TĐC.

          Thứ hai, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác, sai lệch hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng khi người dân có nhu cầu được tiếp cận các thông tin có liên quan.

          Thứ ba, tăng cường, phát triển các dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin trong lĩnh vực THĐ, BT, HT, TĐC. Đương nhiên, dịch vụ này phải đảm bảo nguồn cung cấp thông tin chính xác và có giá trị pháp lý để người dân an tâm sử dụng dịch vụ.

          Thứ tư, trách nhiệm của người cung cấp thông tin là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Do vậy, cần phải đẩy mạnh, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người có trách nhiệm cung cấp thông tin là điều cần thiết.

          Thông tin là nhu cầu cần thiết của mỗi con người và các thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dânảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của họ như các vấn đề về BT, HT, TĐC khi Nhà nước THĐ lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực THĐ không chỉ đảm bảo quyền lợi của người dân mà còn đóng vai trò phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu phấn đấu phát triển hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của mọi công dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Luật Đất đai năm 2013

2. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016

3. Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

4. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai số 45/2013/QH13

5. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

6. John Stuart Mill, Bản về tự do, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2005

7. Nguyễn Quang Thành, Ảnh hưởng của thu hồi đất đối với vốn văn hóa đất đai tại Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề tháng 2, 2017

8. Phan Trung Hiền, Những điều cần biết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014

9. Thái Thị Tuyết Dung, Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2012

10. Thái Anh Hùng, Pháp luật quốc tế về quyền tiếp cận thông tin, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính trung ương, 2015, http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201505/phap-luat-quoc-te-ve-quyen-tiep-can-thong-tin-297557/, [ngày truy cập 22/02/2017]