Xuất bản thông tin

null Nước mắt sự sum vầy

Bài viết Bài viết

Nước mắt sự sum vầy

Th.s Nguyễn Thị Duyên

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thề chết chớ lui

Những câu từ trong bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vang lên mang đầy khí tiết, thể hiện niềm tin, ý chí, sự quyết tâm của những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong những năm tháng đau thương của chiến tranh, đất nước oằn mình chịu những cơn đau, những người chiến sĩ “nếm mặt nằm gai” gian khổ chiến đấu dưới đạn bom của kẻ thù, những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, nhiều người con đã ra đi mãi không trở về bên mẹ, niềm đau to lớn nhưng các mẹ vẫn vững tin vào cách mạng, vào sự nghiệp mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện – đó là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.

Với những thất bại liên tiếp tại các mặt trận, Mỹ ngày càng “leo thang chiến tranh”, điên cuồng đánh phá, đàn áp phong trào cách mạng, tăng cường cài đặt gián điệp, mật thám, bắt bớ cán bộ của ta nhằm “bẽ gãy xương sống Việt cộng”. Nhiều chiến sĩ yêu nước đã bị bắt và tù đày ra Côn Đảo, nơi được xem là “địa ngục trần gian”, nơi ghi dấu thời kỳ đấu tranh vừa hào hùng, vừa bi thương của dân tộc.

Tử tù Lê Văn Thức, một người con của Bến Tre, một nhà tình báo hoạt động nội tuyến trong lòng địch, một chiến sĩ yêu nước cũng đã bị kẻ thù bắt và kết án tử hình đưa ra Côn Đảo vào năm 1968. Hay tin con mình bị kết án tử, bà Bích (mẹ ông Thức) mang trong mình nỗi đau khôn cùng, bởi mẹ nghĩ rằng   con trai mà bị kết án tử hình thì chỉ có bỏ mạng tại nơi tù đày. Tuy nhiên, ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, đến ngày 04/5/1975 chuyến tàu đầu tiên chở 36 tử tù từ Côn Đảo trở về đất liền, trong đó có tử tù Lê Văn Thức. Với những hi vọng nhỏ nhoi rằng người con trai của mình vẫn còn sống bà Bích đã lận lội từ quê Bến Tre đến Vũng Tàu đón đợi khi hay tin có chuyến tàu chở các tử tù về từ Côn Đảo. Chuyến tàu cập bến, là người bước lên cuối cùng nhưng giữa biển người mênh mông lúc bấy giờ thì ông là người đã thoáng nhìn thấy mẹ của mình trước và ông đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nói “mẹ ơi con đây, con Thức đây, con vẫn còn sống”. Nước mắt người mẹ tuôn rơi ôm chầm lấy con mình, khoảnh khắc xúc động ấy, khoảnh khắc thể hiện khát vọng tự do của dân tộc, niềm hạnh phúc lớn lao ngày gặp lại sau chia ly và sinh tử đã được phóng viên ảnh Lâm Hồng Long chụp lại. Và năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha, tác giả bức ảnh đã được trao tặng bằng Tuyên dương danh dự.

Ảnh "Nước mắt ngày trở về" - Bảo tàng Côn Đảo

Sự cao cả là thế, sự vĩ đại là thế, sự hi sinh là thế! Dù khó đoán định ngày gặp lại, dù khó đoán định ngày trở về, dù khó đoán định sự sống sẽ tồn tại, nhưng khi Tổ quốc cần, mọi người hăng hái ra trận với trái tim cháy bỏng căm hờn và “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.  Đó là niềm tin son sắt. là truyền thống yêu nước vĩ đại trường cửu của dân tộc Việt Nam./.