Xuất bản thông tin

null Một vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa giao tiếp hiện nay

Bài viết Bài viết

Một vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa giao tiếp hiện nay

Nguyễn Văn Hiệp

Khoa Xây dựng Đảng

Nhân loại đang bước vào thế kỷ thứ XXI với xu hướng hội nhập quốc tế, đang mở ra không ít những triển vọng phát triển giáo dục cho các quốc gia và cho các trường học. Đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa nói chung và văn hoá giao tiếp nói riêng.

Tại Hội nghị Quốc tế các nhà văn học họp tại Mehico do Unesco tổ chức năm 1982, trên cơ sở của 200 định nghĩa khác nhau của văn hóa, bản tuyên bố chung của hội nghị đã chấp nhận một quan niệm về văn hóa như sau:

 Trong ý nghĩa rộng nhất văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một XH hay của một nhóm người trong XH. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng.

Như vậy, dưới góc độ xã hội học thì văn hóa là một hiện tượng XH gắn với đời sống XH, còn nội dung của văn hóa chính là sản phẩm của hoạt động thực tiễn có tính sáng tạo của con người, luôn được chắt lọc kế thừa, phát triển dưới tác động của con người, vì hạnh phúc của con người.

Theo những ý nghĩa đó, văn hóa là một hiện tượng XH đặc thù mà nét trội cơ bản của hiện tượng này là ở chỗ chúng là một hệ thống những giá trị chung nhất cả về vật chất và tinh thần cho một cộng đồng, một dân tộc, một thời đại hay một giai đoạn lịch sử nào đó, là kết quả của quá trình hoạt động thực tiễn của con người trong môi trường tự nhiên và trong các mối quan hệ XH.

Văn hóa giao tiếp là một bộ phận trong tổng thể văn hóa nhằm chỉ quan hệ giao tiếp có văn hóa của mỗi người trong xã hội (giao tiếp một cách lịch sự, thái độ thân thiện, cởi mở, chân thành, thể hiện sự tôn trọng nhau ...), là tổ hợp của các thành tố: lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, cách ứng xử…

Giáo dục văn hóa giao tiếp nhằm hướng tới các mục đích là:

- Giúp cho mọi thế hệ có được nhận thức đúng để có hành vi đẹp về ứng xử, giao tiếp với nhau trong học tập, sinh hoạt ở tất cả mọi môi trường xã hội khác nhau. Thông qua văn hóa giao tiếp giúp cho mỗi người gần gũi thân thiện, hòa hợp với nhau, có sự đồng cảm, chia sẻ, từ đó làm cho quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn “Người yêu người sống để yêu nhau” và nâng cao được ý thức cộng đồng cho mỗi người.

- Đích cuối cùng là phải làm cho văn hóa giao tiếp thật sự tốt đẹp, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, trong sáng, đẹp đẽ, đầy tính nhân văn, có sức cảm hóa, sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, từ đó góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người mới XHCN Việt Nam.

Nghiên cứu về văn hóa giao tiếp dưới 2 gốc độ:

Thứ nhất; Văn hóa giao tiếp truyền thống của chúng ta được chảy từ trong nguồn mạch của gốc văn hóa nông nghiệp trọng tình, vì vậy trong giao tiếp, cũng như trong cách ứng xử, xưa cũng như nay chúng ta luôn lấy chữ tình, chữ nghĩa làm trọng, xem “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Điều này thể hiện rõ ràng, dứt khoát quan niệm của ông bà ta xưa là rất coi trọng văn hóa giao tiếp bởi đó là nhu cầu không thể thiếu với mỗi người. Trong cuộc sống, mỗi người cần đến sự quan tâm, thăm hỏi, động viên nhau, đến với nhau vì tình, vì nghĩa và để thắt chặt thêm, gắn bó hơn quan hệ tình cảm. Trong giao tiếp thể hiện thái độ trọng thị, chân thành. Coi trọng phép tắc nhưng không nghi lễ, hình thức rườm rà. Điều đó cho thấy được bản chất tốt đẹp trong văn hóa giao tiếp của chúng ta. Chính nhờ bản chất đó mà đã nuôi dưỡng được những giá trị tinh thần cao quí trong tâm hồn mỗi người Việt Nam chân chính.  Có những khái niệm xưa nhưng không vẫn rất quen thuộc với khẩu vị của người Việt Nam chúng ta như: Thuần phong, mĩ tục; tiên học lễ, hậu học văn; lời chào cao hơn mâm cỗ; tôn sư trọng đạo; công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…

 Đó là những khái niệm chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn cao quí luôn được mọi người coi trọng và ra sức gìn giữ, phát triển.

Thứ hai; Văn hóa giao tiếp hiện đại.

Nhìn chung, những giá trị văn hóa truyền thống cho đến nay cơ bản vẫn còn được lưu giữ và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cho nên đã làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt, thậm chí bị rạn nứt, đổ vỡ, có những vấn đề không chỉ làm đau lòng người trong cuộc mà còn gây nỗi bất bình, lo lắng cho cả xã hội; thật đau xót và khó hiểu nổi với cách ứng xử đầy tính bạo lực theo kiểu xã hội đen của một số phần tử sinh viên có chữthiếu nghĩa ấy trong mái trường Đại học;

Vấn đề là phải tìm được nguồn gốc và bản chất sâu xa của nó để có biện pháp ngăn chặn kịp thời từ đó mở ra hướng đi đúng trong giáo dục. Đó là:

Thứ nhất; Xây dựng một môi trường văn hóa giao tiếp sư phạm đặc trưng.

Phải xây dựng được những chuẩn mực về văn hóa giao tiếp trong chương trình đào tạo, cần có môn dạy về văn hóa giao tiếp bởi đây được xem như “cửa ngõ” vào đời, trang bị kiến thức mặt bằng văn hóa giao tiếp, môn học làm người đầu tiên để sau đó đi sâu vào các vấn đề thiết yếu khác như: đạo đức học đường, văn hóa học đường …Đây là những vấn đề thuộc “tiên học lễ”, cần chống những lối nói thô tục, suồng sã, những thái độ, hành vi gây phản cảm có lúc xúc phạm đến người khác.

Trong thời đại ngày nay, việc mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, hòa nhập với thế giới bên ngoài là một tất yếu. Trong cuộc giao lưu ấy phải biết “gạn đục khơi trong” để chắt lọc được những tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, làm phong phú thêm cho truyền thống văn hóa dân tộc. Cho dù thế giới có hiện đại, có tân tiến bao nhiêu chăng nữa thì chúng ta cũng phải giữ vững được cốt cách, bản lĩnh, bản sắc Việt Nam trong văn hóa giao tiếp, vẫn hết sức coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

Thứ hai;  Trách nhiệm của cộng đồng xã hội

Giáo dục văn hóa giao tiếp không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường  mà còn phải mở rộng phạm vi từ gia đình đến xã hội.

 Phải thấy rằng giáo dục văn hóa giao tiếp là không hề giới hạn bởi cấp học nào, bởi thời gian, không gian nào mà cần phải được tiến hành ở tất cả các bậc học, ở mọi lúc, mọi nơi, phải tiến hành một cách đồng bộ, nhất quán, tiến hành có nội dung, có kế hoạch, có phương pháp và thật kiên trì thì mới có hiệu quả.

Tóm lại, văn hóa giao tiếp, giáo dục văn hóa giao tiếp là nhằm xây dựng không gian văn hóa thật sự trong lành, tốt đẹp, có sức cảm hóa, sức hấp dẫn, sức lan tỏa để đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt những cái phi văn hóa từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Để thực hiện được mục tiêu cao quí đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự quyết tâm, bền chí giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội khác.

Tài liệu tham khảo

    - Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin.

     - Kỷ yếu Hội thảo khoa học – Trường Chính trị Đồng Tháp, tháng 9 năm 2012