Xuất bản thông tin

null Những giá trị cốt lõi của Trang thông tin điện tử Trường Chính trị Tỉnh

Bài viết Bài viết

Những giá trị cốt lõi của Trang thông tin điện tử Trường Chính trị Tỉnh

Ths. Trần Thị Thu Trang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

            “Quyền tiếp cận thông tin” là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta, lần đầu tiên “quyền được thông tin” đã ghi nhận là quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa quy định về “quyền được thông tin” trong Hiến pháp năm 1992 và phát triển thành “quyền tiếp cận thông tin” của công dân. Như vậy, tiếp cận thông tin là một quyền hiến định, khẳng định rõ quyền của công dân trong việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khi họ có nhu cầu tìm kiếm, khai thác và tiếp cận thông tin.

Xuất phát từ tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin, ngày 06 tháng 4 năm 2016, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật tiếp cận thông tin năm 2016 - tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo đó, tiếp cận thông tin được hiểu là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước tạo ra gồm: 

(1) Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và phải công khai;

(2) Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; trừ các thông tin không được tiếp cận theo quy định của Luật.

 Các cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

          Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ngày càng thâm nhập sâu vào mọi hoạt động của con người. Công dân toàn cầu đang phải đối diện với những thay đổi rất lớn, từ cách nghĩ đến cách làm, từ phương thức giải trí đến cách tìm kiếm, cập nhật thông tin trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý, khai thác các trang thông tin điện tử, đặc biệt là tại các trường chính trị của tỉnh, thành phố có hiệu quả đang là vấn đề cần quan tâm.

          Nhìn chung, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tích cực quản lý và khai thác trang thông tin điện tử trong giai đoạn hiện nay. Điều này được thể hiện qua việc tất cả các trường đều có trang thông tin điện tử, nội dung thông tin khá phong phú, đa dạng. Bên cạnh các thông tin cơ bản trong hoạt động nội bộ của trường như lịch công tác, lịch học …, nhiều trang thông tin điện tử còn cập nhật tin hoạt động, bài viết nghiên cứu khoa học phản ánh trong nhiều khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị quản lý và khai thác trang thông tin điện tử khá hiệu quả, vẫn còn một số trường chính trị chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của trang thông tin điện tử. Nguyên nhân khiến cho trang thông tin điện tử ở một số đơn vị chưa thật sự “hấp dẫn” có thể bắt nguồn từ việc chưa nhận thức sâu sắc giá trị và ý nghĩa từ trang thông tin điện tử mang lại trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin tham gia vào công tác quản lý và khai thác trang thông tin điện tử.

          Qua quá trình tìm hiểu và sử dụng trang thông tin điện tử với tư cách là người dùng, tác giả cho rằng các trường chính trị tỉnh, thành phố cần xây dựng trang thông tin điện tử dựa trên sáu nguyên tắc cốt lõi sau đây:

          Thứ nhất, tăng cường sự đáng tin cậy của thông tin

 Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, dung lượng thông tin điện tử lan truyền với tốc độ nhanh, trong đó bao gồm cả những thông tin chính thống và những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng. Do đó, trang thông tin điện tử của các trường chính trị tỉnh, thành phố trước hết cần phải đáp ứng được nguyên tắc đáng tin cậy về cả những nội dung, hình ảnh mà mình đăng tải.

          Thứ hai, đảm bảo tính an toàn đối với người dùng

 Một trang thông tin điện tử chứa nhiều nội dung hấp dẫn, có giá trị khoa học về cả lý luận cũng như thực tiễn nhưng lại thiếu sự an toàn cho người dùng, chứa các mã độc, virus… sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình truy cập. Chính vì thế, các trường chính trị tỉnh, thành phố cần phối hợp với những đơn vị chuyên môn để nhận được sự hỗ trợ cần thiết về mặt kỹ thuật trong quá trình quản lý trang thông tin điện tử.

          Thứ ba, thông tin mang lại cho đọc giả phải thật sự hữu ích

 Bên cạnh yếu tố tin cậy, sự “hữu ích” của trang thông tin điện tử cũng cần phải được xem xét đến. Nguyên tắc này đòi hỏi những nội dung, hình ảnh, bài viết đăng tải trên trang tin điện tử không chỉ mang lại giá trị nhất định cho đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường mà còn đem đến những giá trị thiết thực cho những người quan tâm đến hoạt động của nhà trường, muốn tìm hiểu và trao đổi thông tin liên lạc…

          Thứ tư, tăng cường sự hợp tác trong trao đổi thông tin

 Thông qua quá trình hợp tác và chia sẻ nguồn dữ liệu thông tin, bài viết, trang thông tin điện tử của các đơn vị sẽ trở nên phong phú và đa dạng hơn. Bên cạnh đó, nguyên tắc hợp tác giữa các trang thông tin điện tử còn là phương thức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức giữa đội ngũ giảng viên các trường thông qua các bài viết được đăng tải.

          Thứ năm, nâng cao bản sắc văn hóa của địa phương

 Trong quá trình xây dựng, khai thác và quản lý trang thông tin điện tử thiết nghĩ cần ưu tiên đến việc truyền tải được bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Điều đó thể hiện thông qua giao diện, hình ảnh hoạt động, các bài viết giới thiệu về địa phương hoặc các bài viết nghiên cứu thực tiễn. Thông qua những nội dung đó, những người dùng lần đầu truy cập trang thông tin điện tử sẽ có những thiện cảm và thu hút nhất định đối với họ.

          Tóm lại, chúng ta không thể phủ nhận vai trò, ý nghĩa của trang thông tin điện tử của trường chính trị tỉnh, thành phố trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Trong thời gian tới cần tập trung đổi mới, nghiên cứu, học hỏi để khai thác triệt để, phát huy được những tiềm năng, giá trị do phương tiện này mang lại, phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của mỗi Trường./.