Xuất bản thông tin

null Nét đẹp văn hóa công sở tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp – Kế thừa Văn hóa truyền thống với hiện đại

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Nét đẹp văn hóa công sở tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp – Kế thừa Văn hóa truyền thống với hiện đại

Lê Thị Nhật Sang

Phòng QLĐT & NCKH

        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, trong sạch, chuyên nghiệp là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. “Văn hóa” dùng để chỉ những giá trị tốt đẹp, “Văn hóa công sở” chính là những giá trị, chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong giao tiếp được phát huy trong hoạt động công vụ. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa công sở trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Các quy định của Chính phủ về văn hóa ứng xử là minh chứng cho sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí cải cách hành chính và chủ trương hiện đại hóa nền hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và sẽ tiếp tục triển khai công tác thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 trong thời gian tới.

Có thể nói văn hóa công vụ là hệ thống những giá trị, cách ứng xử, niềm tin, chuẩn mực, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức , ảnh hưởng đến cách thức làm việc, uy tín, diện mạo và hiệu quả hoạt động trong công sở, tạo nên dấu ấn riêng biệt của công sở đó.

Theo đó, việc xây dựng văn hóa công sở cũng rất được chú trọng xây dựng trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước – cái nôi trong việc đào tạo, bồi dưỡng ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp cơ sở.

Từ những năm 1946 – 1947, với công tác tổ chức mở các lớp tuyên truyền, huấn luyện đến lớp huấn luyện cho cán bộ cấp ủy cơ sở mang tên Phạm Hùng (tiền thân của trường Đảng tỉnh sau này) đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh vừa giành lại được chính quyền. Tính từ thời điểm chính thức thành lập vào năm 1955; để bảo đảm bí mật, trường Đảng tỉnh (Khung trường Đảng tỉnh) được đặt tên “Tư Huyến” (lúc này trường Đoàn lấy tên Năm Luận, theo kiểu nói láy của miền Nam từ: Huyến  - Luận là Huấn  - Luyện), sau hai lần thay đổi tên gọi: Trường Phạm Hùng (1961 – 1975), Trường Đảng Phạm Hữu Lầu (1976 – 1994), đến nay là Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Trải qua chặng đường 65 năm hình thành và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là trung tâm về bồi dưỡng lý luận chính trị của Tỉnh.

Trong những năm qua ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường đã và đang quán triệt xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa tới tất cả các phòng, khoa và toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường. Theo đó, trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch số 72/KH-TCT về Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, viên chức tỉnh Đồng Tháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025 với nội dung ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn; được cán bộ, viên chức, người lao động, học viên đánh giá cao.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chủ động, chú trọng quản lý, sắp xếp kế hoạch học tập, lịch học cụ thể cho từng lớp, quá trình đó luôn đề cao việc gắn liền giữa lý luận với thực tiễn, giữa học tập và đi nghiên cứu thực tế. Nhà trường còn tham mưu cho Tỉnh ủy trong việc lựa chọn, sàng lọc đội ngũ giảng viên thỉnh giảng ở các cơ sở, ban ngành tỉnh, huyện để mời giảng các chuyên đề có liên quan nhằm giúp học viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm vận dụng vào tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị công tác; góp phần phát huy tính sáng tạo và năng lực thực tiễn cho học viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng rất quan tâm đến khâu quản lý, xây dựng cảnh quan văn hóa với nhiều hạng mục được đầu tư làm mới, nâng cấp như các dãy nhà làm việc, dãy nhà học, hội trường ; cải tạo vườn hoa, khuôn viên trước các hội trường lớp học đã tạo không gian thoáng mát, thư giãn cho học viên sau mỗi buổi giải lao giữa giờ; chỉnh trang các cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý đào tạo, dạy học; chỗ ăn nghỉ cho giảng viên, học viên…

Trong quá trình giảng dạy, phong cách ứng xử chuẩn mực giữa người dạy và người học luôn được các cán bộ, giảng viên, viên chức Trường đặc biệt chú trọng trong hoạt động dạy học, cũng như các hoạt động phục vụ giảng dạy và làm việc với học viên; tác phong làm việc chuyên nghiệp, trang phục áo dài gọn gàng, lịch sự đã và đang được đội ngũ giảng viên chấp hành nghiêm chỉnh, đặc biệt trong đó là các giảng viên trẻ đã tạo nên nét thanh lịch, duyên dáng của đội ngũ giảng viên nữ trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Thực hiện dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt đã tạo nên hệ thống các giá trị truyền thống và hiện đại luôn được nhà trường trân trọng và lưu giữ.

Xem xét các yếu tố tác động tạo nên hệ thống các giá trị đó, không thể không kể đến năng lực, trình độ học vấn, trình độ văn minh của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của Trường, yếu tố góp phần nuôi dưỡng con người phát triển toàn diện, bước vào nền văn hóa tiên tiến hơn. Trên tinh thần đó, lãnh đạo Trường thời gian qua đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy từng bước luân chuyển có thời hạn giảng viên về địa phương để tiếp cận với tình hình thực tế, có thêm kiến thức kinh nghiệm thực tiễn để phục vụ giảng dạy. Đồng thời, phối hợp với một số trường trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm từ giảng viên giỏi các trường.

Các cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường luôn phấn đấu vươn lên trong công tác, tận tụy trong công việc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng soạn giảng, quản lý học viên; tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, tích cực viết các bài tham luận, hội thảo, bài đăng trao đổi, chia sẻ trên trang thông tin điện tử của Trường; các báo, tạp chí của địa phương; đề xuất giải pháp, sáng kiến, các công trình nghiên cứu khoa học, đáp ứng ngày càng cao hơn chất lượng trong hoạt động giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian gần đây, đội ngũ giảng viên Trường đang hướng đến đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động của học viên tham gia vào nội dung bài giảng nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở. Việc phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở lớp “Bồi dưỡng Phương pháp sư phạm”  từ ngày 16/11 – 20/11/2020 theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong năm 2020, với đối tượng dự học là các giảng viên, giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức và báo cáo viên tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức ở các sở, ban, ngành đã góp phần trau dồi về kỹ năng sư phạm, nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy, tổ chức bài giảng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường.

Nét nổi bật trong văn hóa công sở ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp còn thể hiện trong việc Nhà trường đã quy hoạch, lựa chọn, khuyến khích các giảng viên trẻ đi đào tạo nghiên cứu sinh tại một số cơ sở trên phạm vi cả nước. Hiệu quả của giải pháp này là hầu hết số biên chế cán bộ, viên chức được Tỉnh ủy giao đều đạt 100% trình độ thạc sĩ. Nhà trường hiện có 06 tiến sĩ, 02 đồng chí đang học ngoại ngữ chuẩn bị nghiên cứu sinh. So với Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030, Đồng Tháp sẽ về đích sớm về trình độ và hướng Trường chuẩn. Cán bộ quản lý các phòng, khoa, giảng viên đều đạt trình độ Cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên viên chính, quản lý cấp phòng. Do vậy, hoạt động giảng dạy và phục vụ giảng dạy được xem là hoạt động trọng tâm của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong việc thực hiện “Quy chế văn hóa công sở trong cơ quan hành chính nhà nước” của Chính phủ và quy định về “Ứng xử văn hóa” trong các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Việc thực hiên văn hóa công sở trong Nhà trường cũng được quán triệt từ cấp lãnh đạo đến giảng viên, viên chức và người lao động, gắn với các tiêu chuẩn nhất định, được thể hiện thông qua nét ứng xử văn hóa giữa đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động với nhau, đó là tình yêu thương san sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn; là cùng hợp tác, phối hợp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm; tôn trọng nhân cách, danh dự của nhau trên tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Hiệu quả” - sức mạnh để Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp sẽ ngày càng phát triển bền vững hơn nữa.

Ngoài các hoạt động chuyên môn, trong những ngày Lễ, Kỷ niệm thành lập Trường và ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa cán bộ, giảng viên, viên chức, nhân viên ở các đơn vị phòng, khoa, nhà trường và học viên; hay đơn thuần là những  hoạt động thể thao giao lưu bóng chuyền hơi giữa các giảng viên, viên chức nữ của Trường với học viên sau một ngày làm việc và học tập, đã tạo nên bầu không khí vui vẻ, thân thiện trong nhà trường. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp còn được biết đến với phong trào thi đua sôi nổi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong 5 năm (2015-2020), Nhà trường đã phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua tiêu biểu như: “Thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt”,“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”,“Thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Trường”... Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên các mặt công tác.

Có thể nói rằng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp là nơi đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh nhà. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở tại trường Chính trị Tỉnh góp phần tạo nên lề lối làm việc chuẩn mực, khoa học, có kỷ cương, dân chủ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động của nhà trường; quyết định vào việc nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trường trong đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng “Văn hóa”, từ đó góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ra những nguồn nhân lực có chất lượng cao của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cho xã hội nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng./.