Xuất bản thông tin

null Tôn vinh Nhà giáo ở một số nước trên thế giới

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Tôn vinh Nhà giáo ở một số nước trên thế giới

        Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

  Nghề giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý và sản phẩm của nghề giáo góp phần to lớn tạo nên thế hệ tương lai của một quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, không chỉ ở nước ta mà hơn 100 quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đều có những hoạt động để tôn vinh người thầy.

Đối với Liên Hiệp Quốc:

- Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được ghi nhận trên cơ sở thành lập một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ tại Pari vào tháng 7/1946 lấy tên là Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục (viết tắt theo tiếng Pháp là FISE). Năm 1949, FISE soạn thảo “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu của “Hiến chương các nhà giáo” là đấu tranh chống lại giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục mới, trong đó chú trọng bảo vệ quyền lợi, đề cao trách nhiệm, vị trí của nghề giáo.

Tiếp đó, trong cuộc họp tại Warszawa (Ba Lan) từ ngày 26 – 30/8/1957, FISE chọn lấy ngày 20/11/1958 là ngày Hiến chương các nhà giáo. Để tranh thủ sự đồng thuận của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, năm 1953 Công đoàn giáo dục Việt Nam tham gia FISE và tổ chức ngày Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên vào năm 1958 (ở miền Bắc).

- Tài liệu quốc tế đầu tiên đề cập đến trách nhiệm, tiêu chuẩn và quyền lợi của giáo viên là Khuyến nghị về Cương vị của giáo viên được thông qua tại Hội nghị Liên Chính phủ tại Paris và ngày 05/10/1966.

Năm 1994, tổ chức UNESCO đề xướng tổ chức ngày Nhà giáo thế giới (Internationnal Teacher Day) vào ngày 05/10 hàng năm nhằm thể hiện sự nhận thức, cảm thông và đánh giá cao của xã hội đối với đóng góp quan trọng của giáo viên trong phát triển giáo dục và xã hội.

Qua đó, ngày 05/10 hàng năm các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng được tổ chức rộng rãi thông qua vai trò của Liên đoàn Quốc tế giáo dục (Education Internationnal).

Đối với các quốc gia phương Đông, việc tổ chức tri ân thầy cô khá giống nhau như học sinh thường tặng hoa, tặng quà cho thầy cô giáo; các trường tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, vui chơi dành cho giáo viên.

Ở Trung Quốc: năm 1985 Chính phủ công bố chọn ngày 10/9 hàng năm để vinh danh các nhà giáo, nhưng hiện nay nhiều người chọn ngày 28/9 (theo ngày sinh của Khổng Tử). Vào ngày này, học sinh được tổ chức đến thăm đền thờ các  bậc thầy trong lịch sử giáo dục quốc gia hoặc bày tỏ sự tri ân thầy cô giáo bằng nhiều hình thức như tặng thiệp, tặng hoa, tặng quà hoặc đến thăm các thầy cô giáo.

Ở Ấn Độ: năm 1962, khi một số bạn bè và sinh viên yêu cầu thủ tướng Sarvepalli Radhakrishnan (1888 – 1975), thủ tướng thứ hai và là biểu tượng cho niềm tự hào của người dân Ấn Độ về truyền thống và trí tuệ của họ tổ chức sinh nhật thì ông trả lời: sẽ là một đặc ân nếu ngày 05/9 là Ngày nhà giáo. Chính vì vậy ngày vinh danh nhà giáo ở Ấn Độ là ngày 05/9 hàng năm. Vào ngày này, lớp học vẫn diễn ra nhưng các hoạt động học tập sẽ được thay thế bằng các hình thức như: sự thăm hỏi, cảm ơn của học sinh, học viên, sinh viên đối với thầy cô của mình.

Ở Thái Lan, năm 1957 ngày nhà giáo được chọn tổ chức vào ngày 16/01 hàng năm (theo ngày Hoàng gia Thái Lan ban hành nghĩa của từ Khru – thầy cô giáo vào năm 1945). Vào ngày này, thầy cô và học sinh đều được nghỉ để tổ chức diễn văn nghệ chào mừng; tổ chức để các nhà sư đến cầu nguyện cho giáo viên, cho học sinh dâng hoa đến người thầy của mình; tổ chức các hoạt động thể thao gắn kết giữa giáo viên với phụ huynh,…

Đối với Mỹ: năm 1994 Giáo dục Liên bang (National Education Association - NEA) chọn ngày thứ ba trong tuần đầu tiên của tháng 5 là ngày Nhà giáo của Mỹ và qua đó, tuần đầu tiên trong tháng 5 cũng là tuần Nhà giáo quốc gia. Vào dịp này, học sinh, sinh viên có hoạt động để thể hiện sự kính trọng đến thầy cô như tặng bưu thiếp, hoa, quà.

Đối với Nga: năm 1994 ngày 05/10 được chọn là ngày nhà giáo tại Nga (theo ngày Nhà giáo quốc tế). Ngày này được xem như một ngày lễ hội lớn thu hút đông đảo sự tham gia với nhiều hoạt động như học sinh tặng hoa đến thầy cô giáo, tại các trường học, nhiều hoạt động được tổ chức và phổ biến nhất là học sinh tự tay làm các tờ báo để tặng và bày tỏ sự tri ân đối với thầy cô của mình.

Ngoại lệ ở Nhật Bản không có ngày dành riêng cho thầy cô giáo mặc dù nghề giáo ở Nhật Bản là một trong những nghề mang lại thu nhập cao, được tôn trọng và thầy cô giáo phải đạt những tiêu chuẩn cao để đáp ứng được đòi hỏi của nền giáo dục quốc gia. Có điều ngoại lệ này vì người Nhật cho rằng tất cả mọi ngày đều là ngày của thầy cô giáo, các thầy cô luôn được đề cao và tôn trọng; đồng thời người Nhật cho rằng nếu chọn ngày dành riêng cho thầy cô giáo thì các ngành nghề còn lại sẽ có sự đố kỵ

Tóm lại, mặc dù có sự khác nhau trong sự tri ân đối với thầy cô ở các quốc gia nhưng sự tôn vinh người thầy được tổ chức ở hầu khắp các quốc gia, lãnh thổ, vì khi xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trí tuệ con người cũng ngày càng được xã hội quan tâm; đây vừa là mục tiêu và là trách nhiệm để bản thân mỗi người thầy ở các quốc gia, dân tộc khác nhau phải luôn tự nổ lực phấn đấu xứng đáng hơn và thực hiện tốt hơn trọng trách được xã hội, được nhân dân, được tổ chức giao cho./.