Xuất bản thông tin

null Đôi dòng suy nghĩ về ngày Tri ân 20/11

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Đôi dòng suy nghĩ về ngày Tri ân 20/11

Nguyễn Thị Ánh Xuân

Nguyễn Thị Duyên

Tháng năm dầu dãi nắng mưa

 Con đò tri thức thầy đưa bao người

Thầy, cô như những người đưa đò thầm lặng chở biết bao thế hệ học trò cập được bến bờ tri thức. Và rồi các thế hệ học trò cứ thế tiếp bước nhau đi đến những chân trời mới, xây dựng tương lai, chặng đường mới cho mình, biết có được bao người quay đầu nhìn lại “con đò” ngày xưa. Ấy thế người đưa đò vẫn miệt mài, vẫn âm thầm, vẫn lặng lẽ, vẫn dìu bước tiếp những thế hệ học trò xây nên ước mơ đời mình.

Ngoài kia gió se lạnh, ngoài kia những chiếc lá rụng rơi cuốn bay theo cơn gió và rồi nhẹ nhàng nép vào những gốc cây, mặt đường, tất cả như báo hiệu tiết trời vào thu, báo hiệu cái lạnh của mùa đông cận về và lịch vạn niên đã điểm tháng 11. Có lẽ với những người làm công tác giáo dục và với những người đã, đang là những cô cậu học trò thì tháng 11 thật đặc biệt và ý nghĩa – tháng của sự tri ân. Và từ lâu ngày 20/11 được xem là ngày lễ “tôn sự trọng đạo” tôn vinh các nhà giáo – những người “đưa đò thầm lặng” trên bến sông cuộc đời.

Giữa phố xá đông đúc, giữa dòng người vội vã chen chúc, một góc nhỏ quen đường bỗng vang lên những giai điệu ballad nhẹ nhàng “Người Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ Từng ngày, giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy/ Để em đến bên bờ ước mơ…” có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai từng cấp sách đến trường, từng ngồi với mái trường học tập với sự dìu dắt của cô thầy đều thấy lắng đọng và nhớ về ngày xưa. Và có lẽ vang đâu đó trong suy nghĩ: “bao lâu rồi mình chưa về thăm cô thầy”, “bao lâu rồi mình dường như đã quên mất ngày tri ân thiêng liêng ấy – 20/11” và “trong những người sang sông không ngoảnh đầu nhìn lại con đò xưa ấy, liệu chăng có cả chính mình?”. Mỗi người sẽ có cho riêng mình những câu trả lời và đôi khi chỉ chính mình biết.

Dù thế nào chăng nữa, dù có bao người sang sông quên con đò xưa hay dù đất nước trải qua bao thăng trầm, oằn mình chịu những mất mát, đau thương thì sự học đời đời vẫn được đặt lên trên hết và nghề dạy học luôn là một nghề đặc biệt và cao quý. Một danh nhân người Nga đã nói “dưới ánh mặt trời không có gì cao quý hơn nghề dạy học” hay như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Cùng với đó, vị trí của người thầy vẫn luôn được xã hội coi trọng, bởi trọng trách nặng nề mà giáo dục nói chung và người thầy giáo nói riêng đang thực hiện đó là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là xây nên những tương lai tươi sáng cho cả một thế hệ, “không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế và văn hóa”- Chủ tịch Hồ Chí Minh[1].

Với vai trò quan trọng đó của giáo dục và của người dạy học, thiết nghĩ mỗi nhà giáo là những người vừa đủ tâm và tầm. Tâm là tư cách, là tình yêu thương, là trách nhiệm với nghề, với học sinh, còn tầm là tài năng, là vốn tri thức, là vốn sống mà mỗi thầy cô góp nhặt được trong hành trình thực hiện sự nghiệp “trồng người” của mình. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, con tàu tri thức đang lao nhanh về phía trước bằng những lực đẩy của khoa học công nghệ, mỗi thầy, cô giáo luôn học tập, bổ sung, nâng cao tri thức và luôn xem đó là động lực quan trọng trước sự phát triển và biến đổi từng ngày của cả nhân loại với dòng chảy của tri thức.

Giờ đây khi đang công tác và làm việc trong môi trường giáo dục, bản thân càng hiểu hơn về những vất vả làm nghề và những niềm vui trong ánh mắt của những thầy cô giáo khi thế hệ học trò dù qua năm tháng vẫn nhớ về trường, nhớ về thầy cô. Nhân dịp ngày tri ân thầy cô giáo, nhân dịp 20/11 xin kính chúc tất cả các thầy cô những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục muôn vàn lời chúc tốt đẹp nhất.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345, tập 10