Xuất bản thông tin

null Võ Trường Toản, một tấm gương nhà giáo

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Võ Trường Toản, một tấm gương nhà giáo

                                                      Mai Quang Khả, Phòng QLĐT & NCKH 

Võ Trường Toản quê ở làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, Gia Định (nay là hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám ở quận 3 và 10 của TP HCM), sống vào thế kỷ 18, chưa rõ năm sinh.

Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi tổ tiên Võ Trường Toản nguồn gốc từ miền Trung di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623. Đây cũng là thời điểm người Việt chính thức vào xứ Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp.

Địa chí Bến Tre cũng ghi lại: "Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, không ai rõ năm sinh, không rõ gốc gác, chỉ biết cụ là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ tài ba, lỗi lạc ở miền Nam thế kỷ 18".

Võ Trường Toản mở trường dạy học hàng trăm học sinh mà khuôn viên nay là đình Chí Hòa trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10.

Nhiều danh thần triều Gia Long như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh đều là học trò Cụ. Hơn nữa, chính cụ đã gây nên cái học phong sĩ khí cho những thế hệ sau Cụ. Từ những môn sinh cao đệ, cho đến những người như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, sở dĩ đã hy sinh tuẫn tiết vì nước nhà lúc bị xâm lăng đều là người có chịu ảnh hưởng của Cụ.

Dù không phải là học trò của Võ Trường Toản nhưng Phan Thanh Giản hết lòng kính trọng Cụ như thầy. Năm Tự Đức thứ 8 (Ất Mão: 1855) Phan Thanh Giản dâng sớ xin lập miếu thờ Cụ Võ Trường Toản nơi huyện Bình Dương, làng Hòa Hưng.

Trong lúc Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khắc phục được Gia Định rồi, thường triệu Cụ Võ Trường  Toản đến bàn luận việc nước. Vua muốn phong quan tước cho Cụ, Cụ nhất định chỉ chuyên đạo luyện tinh thần đoàn hậu tấn. Vua rất khen và tiếc không được dùng tài Cụ.

 Năm Nhâm Tý (1792) Cụ Võ Trường Toản mất tại làng Hòa Hưng (Gia Định). Vua Nguyễn Ánh truy tặng cho Cụ huy hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh”, lấy hiệu này khắc vào mộ chí Cụ.

Cụ Võ Trường Toản chết đi, không có con cái chi cả, nhưng mọi người đều mến mộ ân đức Cụ, các học trò đều tôn kính Cụ như cha. Cho đến về sau, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, trong lục bộ Thượng thư cũng có lời truy niệm:

Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử như hữu tử

Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong giã bất vong.

Nghĩa: khi sống, dạy dỗ được nhiều người giỏi, tuy không con mà cũng như có con;

           lúc thác rồi, danh tiếng để lại trên đời, tuy đã mất mà thật là không mất.

          Cụ Võ Trường Toản phẩm người như thế, cho nên cụ Phan Thanh Giản khi về trấn đất miền Nam, tưởng đến cái cao đức của người xưa, dù không là học trò Cụ, cũng kính Cụ như bậc sư bá mà hết lòng tôn kính sùng bái. Và về sau khi ba tỉnh miền đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) thuộc Pháp, Phan Thanh Giản cũng không quên đến nắm di hài của Cụ mà cùng với các ông Đốc học tỉnh Vĩnh Long là Nguyễn Thông tỏ với Hiệp trấn An Giang là Phạm Hữu Chánh, giao cho Tú tài Võ Gia lo việc cải táng hài cốt của Cụ. Đến ngày 28 tháng 10 năm Tự Đức thứ 18 (Ất Sửu: 1865), linh cữu Cụ Võ Trường Toản được dời về mai táng ở làng Bảo Thạnh là quê hương của cụ Phan; và nơi đây vẫn còn là đất của dân ta. Rồi hai năm sau, ngày 28 tháng 3 năm Đinh Mão (1867 – Tự Đức thứ 20), chính tay Phan Thanh Giản soạn một bài văn bia định khắc ở mộ Cụ Võ Trường Toản .

          Nhưng buổi bấy giờ tình hình trong nước đã bị liên quân Pháp – Tây Ban nha làm rối quá nhiều. Cho nên thợ khắc chưa rồi thì đến tháng bảy năm này, vì thất luôn ba tỉnh phía tây mà Phan Thanh Giản có nhiệm vụ gìn giữ, cụ Phan  phải ngậm ngùi tuẫn tiết. Thế là công việc dựng bia cho Cụ Võ Trường Toản bị ngưng trong một thời gian. Về sau ông Trương Ngọc Lang đứng ra lo việc mướn thợ khắc bia đến rằm tháng tám năm Nhâm Thân (1872) mới rồi. Và sợ người sau lầm lẫn, ông Trương Ngọc Lang còn có khắc thêm mấy chữ “Tiền Nhâm Tý chí Nhâm Thân cộng bát thập nhất niên”. Nghĩa là khi Cụ Võ Trường Toản mất là năm Nhâm Tý (1792) đến năm Nhâm Thân (1872) mới dựng bia xong, cộng 80 năm, tính theo ta thì là 81 năm.

Bài văn bia của Phan Thanh Giản rất nghiêm thiết:

… Tiên sinh không khứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở Tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật giảng luận trau dồi về sau. Tới nay trong dân gian lục tỉnh Nam kỳ tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát dám hy sinh tới tính mạng, xét kỹ ra tuy nhờ đức thân nhân của quân vương nhuần gội cố kết nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của Tiên sinh từ thuở trước, thì làm sao có được nhân tâm như thế ấy…

Võ Trường Toản là một nhà nho yêu nước, một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì nước, vì dân, không màng danh vọng, là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò và lớp lớp nhà giáo sau này học theo. Các thế hệ học trò học triết lý học để hiểu thời thế, để giúp đời giúp nước chứ không phải mưu lợi cầu vinh mà quên trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Các thế hệ nhà giáo sau Cụ học phẩm chất sống thanh cao, rèn luyện mình trong sạch để làm gương cho học trò, làm gương cho người đời sau, không vì được người khác trọng vọng mà sinh cao ngạo, coi thường mọi người.

Hiện trong Tụy Văn lâu nằm trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có đặt bài vị thờ ông.

 

Tài liệu tham khảo