Xuất bản thông tin

null Nhớ về một ngày mùa thu khói lửa (23/11/1940)

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Nhớ về một ngày mùa thu khói lửa (23/11/1940)

Nguyễn Thị Duyên

     Phòng QLĐT & NCKH

Có thể nói từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Nam Bộ như những đợt sóng thần cuồn cuộn dâng lên từ đợt này đến đợt khác, thể hiện tính chất quật khởi và tinh thần cách mạng của nhân dân Nam Bộ, trong những dấu móc đó không thể quên cuộc khởi nghĩa năm 1940 với quy mô toàn Xứ.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vào năm 1940?

Vào tháng 9/1939 với sự kiện phát xít Đức tiến công Ba Lan, chính thức mở màn Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong tình hình như vậy, ở Đông Dương chính quyền phản động thuộc địa thi hành hàng loạt chính sách khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hàng nghìn người cộng sản và yêu nước bị bắt giam tại các trại tập trung như Bắc Mê, Bá Vân, Nghĩa Lộ (ở Bắc Kỳ); Lao Bảo, Trà Khê, Đắc Lay, Đắc Tô, Ba Tơ (ở Trung Kỳ); Tà Lài, Bà Rá (ở Nam Kỳ); một số lớn bị đưa ra Côn Đảo hoặc bị đày đi Madagascar.

Đi đôi với việc đàn áp lực lượng yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, nhằm cung cấp cho mẫu quốc tiềm lực tối đa về quân đội, nhân lực, các sản phẩm và nguyên liệu, chính sách bắt lính đã được tích cực triển khai và chỉ trong vài tháng đã có 80.000 lính Việt Nam bị đưa sang Pháp. Riêng tại Nam Kỳ, đợt tăng viện lần thứ hai trong năm 1940 đã cung cấp 7.500 người. Chính điều này đã làm cho không khí căm thù của nhân dân Nam Bộ dâng cao.

Bênh cạnh đó, từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, do sự hèn nhát, Pháp đã mở cửa Đông Dương cho Nhật và đi vào con đường phát xít hóa. Tuy nhiên, trong một tình thế giằng co, chưa dứt khoát, hai tên phát xít này đã biến Đông Dương thành một thuộc địa lưỡng trị. Thực dân Pháp cai trị Đông Dương dưới quyền kiểm soát của phát xít Nhật hay nói đúng hơn, phát xít Nhật cai trị Đông Dương thông qua bộ máy chính quyền của thực dân Pháp. Nhân dân Đông Dương một cổ hai tròng. Và cùng với Pháp, Nhật cũng ra sức khai thác nền kinh tế Đông Dương để phục vụ cho chiến tranh của chúng.

Dấu móc quyết định chuyển hình thức đấu tranh của nhân dân Nam Bộ

Sau khi đồng chí Võ Văn Tần, ủy viên Trung ương, Bí thư Xứ ủy bị địch bắt và hai đồng chí Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Văn Nghi và Trịnh Ấn bị bắt trước đó, Xứ ủy còn rất ít đồng chí; Đồng chí Tạ Uyên trở thành nồng cốt của Xứ ủy. Đứng trước chính sách của chính quyền phản động thuộc địa là khủng bố và bóc lột cùng kiệt nhân dân, đồng chí Tạ Uyên đã thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ soạn thảo đề cương khởi nghĩa vũ trang dưới cái tên Đề cương khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Sau khi thảo xong đề cương về cách mạng ở Nam Kỳ và tham khảo ý kiến một số đồng chí, đồng chí Tạ Uyên triệu tập Hội nghị Đảng toàn xứ, ở Tân Hương quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vào tháng 7/1940, tham dự có 24 đại biểu, trong đó có 19 đại biểu của 19 tỉnh, thành. Lúc này đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến chưa bị bắt nhưng vì địch theo dõi gắt gao, không đến dự được. Trải qua nhiều cuộc tranh luận, nhiều cuộc hội nghị lớn của Xứ ủy, chủ trương khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền được quyết định dứt khoát.

Từ tháng 7/1940 trở đi, một không khí sôi nổi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa diễn ra khắp các tỉnh Nam Kỳ. Đến tháng 11/1940 Hội nghị Trung ương lần thứ VII nhóm họp để tiếp tục bàn về việc “thay đổi chính sách” cho cách mạng miền Nam. Đến ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra mạnh mẽ ở nhiều vùng, từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn - Bà Điểm (Gia Định), Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Vũng Liêm, Cái Ngang, Tam Bình (Vĩnh Long). Ở một số nơi, nông dân lập chính quyền cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được đông đảo quần chúng tham gia với một tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng.

Những giá trị của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 với phong trào cách mạng Việt Nam

Cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ năm 1940 mặc dù không thành công, nhưng nó vẫn là một trang chói lọi trong lịch sử cách mạng của nhân dân ta. Là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương. Và “cờ đỏ sao vàng” lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Kỳ,  ngọn cờ đã nhuộm biết bao máu của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa, trở thành quốc kỳ phất phới tung bay suốt từ Bắc chí Nam trong cách mạng tháng 8 năm 1945, tượng trưng cho tinh thần yêu độc lập và tự do của toàn dân tộc ta.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là sự chứng minh sinh động cho ý chí và quyết tâm của toàn thể nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc khởi nghĩa cũng còn là sự kiểm nghiệm tính sáng tạo và đúng đắn của chủ trương giương cao ngọn cờ dân tộc của Đảng trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

          Qua cuộc khởi nghĩa với gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin vào Đảng Cộng sản của nhân dân. 

Khởi nghĩa Nam Kỳ - ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Dù cuộc khởi nghĩa vì những lý do khách quan, chủ quan chưa đi đến thắng lợi cuối cùng và bị dìm trong máu lửa nhưng tinh thần quật khởi, anh hùng của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa sẽ đời đời bất diệt.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 
  2. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến, Lịch sử Nam bộ kháng chiến tập I (1945 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội – 2010.
  3. Tạ Thị Thúy (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 9, từ năm 1930 đến năm 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 2017