Xuất bản thông tin

null Nông thôn Việt Nam đổi mới từ những chủ trương đúng đắn của Đảng

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Nông thôn Việt Nam đổi mới từ những chủ trương đúng đắn của Đảng

    Nguyễn Quốc Bình

                                                                                           Phó trưởng Khoa NN-PL

Ở Việt Nam, nông thôn trải dài trên một diện tích rộng lớn với 70,4% dân số sống ở nông thôn, trong đó khoảng 80% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, từ khi cách mạng thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương quan tâm phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thì việc đầu tư chưa ngang tầm và tương xứng, từ đó đã dẫn đến kinh tế nông thôn kém phát triển, đời sống người dân nông thôn chậm thay đổi, sự phân tầng giữa đời sống đô thị và nông thôn ngày càng xa (thu nhập, nhận thức …) đã dẫn đến hiện tượng người nông dân rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình di dân ra các đô thị tìm kiếm sinh nhai, chính hiện tượng này đã làm quá tải mật độ dân cư ở đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn.

Trước yêu cầu phải giải quyết hiện tượng di dân, giải quyết tốt môi trường sống ở nông thôn. Nghị quyết Hội nghị lấn thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra đời. Nghị quyết tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử to lớn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Cái tinh hoa của Nghị quyết là ở chỗ xác định nguồn đầu tư để phát triển nông thôn là tổng lực: “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, đặc biệt là vai trò to lớn của chính người nông dân.

Nội dung này được cụ thể hóa bằng Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tinh thần mới này đã được lan tỏa đến tận cơ sở và nhân dân. Chính quyền cơ sở không còn như trước chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí từ cấp trên mà chủ động, mạnh dạn huy động mọi nguồn lực. Người dân nông thôn thì không ỉ lại, mà với khả năng của mình tích cực góp công, góp của cùng chính quyền để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới đời sống nông thôn. Sự thống nhất ý chí và đồng lòng này đã thay da, đổi thịt vùng nông thôn và đời sống nông dân một cách rõ rệt. Bộ mặt nông thôn mới ở Việt Nam từng bước đã hình thành, chẳng hạn giao thông sử dụng được cả hai mùa mưa, nắng, cầu khỉ ngày xưa được thay bằng cầu bêtông cốt thép, cầu bêtông thì được nâng cấp đạt chuẩn. Có những nơi đường giao thông liên ấp có cả hệ thống đèn chiếu sáng, kết quả này là hình ảnh sinh động minh chứng sự đồng lòng, chung sức của dân, các mạnh thường quân và nhà nước.

Đường phát triển tới đâu thì nhà dân phát triển tới đó, các ngôi nhà tạm bợ, thiếu an toàn lùi dân nhường cho những căn nhà kiên cố, chắc chắn. Điều đáng mừng là nhận thức của người dân nông thôn đã thay đổi, nếu trước đây người dân thường tụ hợp lại tổ chức nhậu (bất kể giờ nào, ngày nào) thì hiện nay rất ít, chỉ ở vào những ngày quan trọng của gia đình, tất cả đều tập trung tận dụng thời gian tham gia vào các hoạt động lao động nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình (chạy xe ôm, nhận đi giao hàng, …).

Các thành quả trên cho thấy, nguồn lực ở nước ta rất lớn, đặc biệt là lòng yêu nước, yêu quê hương sâu đậm trong từng người dân, nhất là người nông dân Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chuyện gì đừng sợ người Việt Nam không làm được, mà chỉ sợ chủ trương đó có hợp lòng dân không mà thôi, điều này càng thấy giá trị to lớn mà đòi hỏi từng đảng viên phải thấm nhuần và ghi khắc trong tim mình lời dạy của Bác Hồ kính yêu:“Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”để làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của mình.

          Một lần đi thực tế cơ sở, tôi được nghe một bác nông dân nói: “Đời sống tụi tao được như vầy là nhờ cái Nghị quyết 7 và cái Quyết định 491 của ông Thủ tướng đó”. Tác giả xin mượn lời nói này thay cho lời kết và cũng nhằm để minh chứng rằng sự phát triển ở nông thôn, đời sống người dân được nâng cao hiện nay chính là từ chủ trương đúng đắn của Đảng./.