Xuất bản thông tin

null Thành công kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thể hiện sự đổi mới trong công tác lập pháp của cơ quan lập pháp Việt Nam

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Thành công kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thể hiện sự đổi mới trong công tác lập pháp của cơ quan lập pháp Việt Nam

Nguyễn Quốc Bình

Phó Trưởng Khoa NNPL

       Ở Việt Nam, thông qua các bản Hiếp pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đã khẳng định: Trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Thể hiện tính nhất quán và xuyên suốt, Hiến pháp 2013 tiếp tục kế thừa và ghi nhận tại Điều 69 – Chương V: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, …”. Nội dung này đã thể hiện chức năng lập pháp là một chức năng cơ bản của Quốc hội và cũng khẳng định ở Việt Nam chỉ duy nhất Quốc hội mới có quyền lập hiến và lập pháp.

     Công tác lập pháp chính là nghiên cứu xây dựng và ban hành những qui tắc, tiêu chí ứng xử để làm mực thước điều chỉnh các hành vi quan hệ trong xã hội. Vì vậy, đòi hỏi không chỉ thực hiện với tinh thần trách nhiệm mà còn phải chính xác, kịp thời, khả thi với thực tế, đảm bảo tính ổn định và phát triển của đất nước. Do đó việc đổi mới và nâng cao phương thức hoạt động của Quốc hội nói chung, công tác lập pháp nói riêng là yêu cầu cấp thiết, khách quan trong xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta.

     Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, với hình thức làm việc trực tuyến (từ ngày 20/10 – 27/10/2020) và tập trung tại hội trường (từ ngày 20/11 – 27/11/2020), ngoài những nội dung theo Chương trình nghị sự thường kỳ, Quốc hội đã thông qua 07 Luật và 13 Nghị quyết.

     Thứ nhất, văn bản Luật gồm: Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế.

     Thứ hai, Nghị quyết gồm: Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII;Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc; Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

     Đồng thời Quốc hội còn thảo luận và cho ý kiến về 04 dự án Luật: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó còn tiếp thu ý kiến đóng góp của đa số đại biểu Quốc hội về ba Dự án Luật: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Riêng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tực tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và sẽ trình Quốc hội trong ký họp tới xem xét thông qua.

     Với số lượng văn bản pháp luật được thông qua trong kỳ họp này, đặc biệt là sự tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm đối với ba dự án Luật “Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, thành công trong hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp. Cụ thể:

      Một là, đa số văn bản Luật trình kỳ họp được chuẩn bị khá chu đáo. Từ xây dựng, thẩm định, tổng hợp ý kiến, giải trình … đặc biệt nội dung khá đồng bộ, thống nhất, khả thi, thể hiện được tính thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

      Hai là, chọn lựa hình thức họp và phân lượng thời gian trong kỳ họp hợp lý, khoa học.

      Ba là, tinh thần trách nhiệm, tư duy, trí tuệ của từng đại biểu Quốc hội có sự thay đổi tích cực, thể hiện trong phiên chất vấn, góp ý kiến các dự án luật đó là tinh thần “dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng”.

     Thành công của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thể hiện hoạt động lập pháp của Quốc hội đạt được những kết quả quan trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân. Chứng minh năng lực lập pháp của Quốc hội không ngừng được nâng lên, qui trình lập pháp được cải tiến, số lượng và chất lượng các văn bản qui phạm pháp luật được Quốc hội biểu quyết thông qua đáp ứng kịp thời yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội, mong muốn của toàn dân và quá trình hội nhập với cộng đồng quốc tế. /.