Xuất bản thông tin

null Một số đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Một số đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Nguyễn Thanh Tuấn

Trong các khâu của công tác cán bộ từ việc tuyển dụng, bố trí, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm, cho tới quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đánh giá… thì khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữ vai trò rất quan trọng nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng để nâng cao hiệu quả công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, tri thức của loài người không ngừng được nâng lên. Vì vậy, để phục vụ tốt cho nhu cầu của xã hội, kiến thức và kỹ năng của người cán bộ, công chức phải không ngừng được nâng lên. Ngoài kiến thức về khoa học, chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công chức còn phải có cả kiến thức về xã hội.

Một trong những nguyên nhân được đề cập tới việc hiệu quả việc học tập của đội ngũ cán bộ, công chức chưa thực sự hiệu quả. Đó là: Một phần do nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, dàn trải, thiếu sự liên thông, kế thừa, trùng lặp về nội dung, thiếu thực tiễn, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, công chức. Do vậy, dù đã được đào tạo, bồi dưỡng, một số cán bộ, công chức vẫn còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành giải quyết công việc, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời gian tới, bản thân xin được đề xuất, kiến nghị một số giải pháp sau:

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác học tập.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đối với các cơ quan quản lý, thủ trưởng cácđơn vị và ý thức tự giác học tập trong bản thân mỗi cán bộ, công chức. Họ phải nhận thức được vai trò của mình trong thời đại ngày nay, là phải luôn nhớ rằng chừng nào họ là cán bộ, công chức thì chừng đó là phục vụ nhân dân. Xu hướng ngày càng phát triển, bên cạnh thuận lợi luôn tiềm ẩn vô vàn thách thức, đòi hỏi cán bộ, công chức phải theo kịp và có thể là phải đi trước một bước. Nhân dân ngày nay muốn trao đổi trực tiếp nhanh chóng với công chức ở Trung ương hay địa phương không chỉ bằng thư điện tử mà kèm theo đó là xu hướng chất vấn, trao đổi trực tiếp ngày càng phổ biến hơn.

- Thay đổi về nội dung, và chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tiên tiến, hiện đại.

Chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng cơ bản hiện nay sang đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện về kỹ năng quản lý về phương pháp làm việc xuất phát từ nhu cầu của người học và hướng đến mỗi đối tượng người học, lý luận gắn liền với thực tiễn tại cơ sở của người học.

          Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, không chỉ thời gian dài ngàymà cần chú trọng hơn việc đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày dưới hình thức các lớp tập huấn, hội thảo, huy động sự tham gia chủ động, tích cực của người học.

Phát triển sâu sắc hơn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh quản lý trong bộ máy hành chính Nhà nước.

- Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ.

Xây dựng quy trình về những tiêu chuẩn cụ thể cho giảng viên, giảng viên kiêm chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Giảng viên cần được “đào tạo lại” để đạt các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đào tạo cập nhật kiến thức mới về quản lý Nhà nước, những phương pháp sư phạm dành cho “Người lớn”, sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có trình độ ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới, từng bước loại bỏ tình trạng giảng viên giảng về quản lý Nhà nước lại không được đào tạo kiến thức cơ bản về quản lý Nhà nước, giảng về soạn thảo văn bản quản lý mà thầy lại chưa hề soạn thảo một văn bản nào về quản lý hành chính Nhà nước hoặc cập nhật kiến thức mới về sửa đổi, bổ sung về soạn thảo văn bản quản lý Nhà nước.

- Đổi mới hệ thống, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng.

          Tổ chức lại hệ thống cơ sở đào tạo cán bộ, công chức hiện nay, chỉ nên để lại từ 10 – 15 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở ba miền Bắc, Trung, Nam thay vì hàng trăm cơ sở hiện nay để chúng ta tập trung nguồn lực vào xây dựng các cơ sở này đủ mạnh, hiện đại.

          Phân công, phân cấp đào tạo giữa các cơ cở đào tạo: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, các trường đào tạo cán bộ các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Hình thành hệ thống đào tạo, bồi dưỡng thống nhất, để văn bằng, chứng chỉ trong một số nội dung có thể thay thế được cho nhau, giảm bớt sự chồng chéo trong đào tạo, bồi dưỡng.

          Kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp với từng đối tượng công chức. Tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước; huấn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý hành chính và sử dụng hệ thống thông tin hiện đại theo các chương trình ngắn hạn.

          Cán bộ, công chức là nhân tố quan trọng đảm bảo thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và đào tạo, bồi dưỡng phải “tạo ra một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, coi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

          Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thời gian qua đã thu được những thành tựu, đáp ứng được phần nào yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Với các giải pháp đưa ra, hy vọng rằng sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời gian tới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu CNH, HĐH đất nước./.