Xuất bản thông tin

null Đôi điều trao đổi góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế của giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị Đồng Tháp

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Đôi điều trao đổi góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế của giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị Đồng Tháp

Nguyễn Thanh Tuấn

Nghiên cứu thực tế là việc giảng viên lựa chọn chủ đề liên quan đến nội dung chương trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập mà mình tâm đắc hoặc nhận thấy cần phải nghiên cứu để hiểu rõ hơn, nắm bắt kỹ hơn ở một lĩnh vực, một khía cạnh hay một vấn đề cụ thể nào đó tại cơ sở mà người giảng viên sẽ trực tiếp đến tận xã, phường, thị trấn để khảo sát, trao đổi, thu thập, phân tích thông tin, số liệu để hiểu rõ hơn vấn đề đó.

          Theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nghiên cứu thực tế là quy định bắt buộc đối với giảng viên ở Trường Chính trị cấp Tỉnh. Thực hiện quy định đó, hàng năm Trường Chính trị Đồng Tháp đều tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở? Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu ra một vài suy nghĩ của mình nhằm góp nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức nghiên cứu thực tế phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên đối với nhà trường và giảng viên các trường Chính trị cấp tỉnh. Người giảng viên trường chính trị ngoài việc cần có kiến thức chuyên môn tốt, đòi hỏi cần phải am tường, hiểu biết về thực tiễn; thực tiễn sẽ giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác, giảng dạy, giúp gắn kết giữa lý luận với thực tiễn và điều quan trọng là khắc phục được tình trạng “lý luận suông”. Qua nghiên cứu thực tế, giảng viên sẽ phát hiện những chỗ chưa phù hợp trong các chủ trương, đường lối của Đảng để từ đó có những kiến nghị điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung cho phù hợp. Mặt khác, cơ sở còn là môi trường giúp cho giảng viên tự rèn luyện mình, chững chạc hơn, bản lĩnh hơn và tự tin hơn khi đứng lớp.

Nội dung được lựa chọn trong nghiên cứu thực tế của khoa Nhà nước và pháp luật thường tập trung vào các chủ đề: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, công tác tư pháp – hộ tịch, quản lý các hoạt động văn hóa – giáo dục – y tế, thực hiện dân chủ cơ sở, thực hiện pháp luật tại địa phương, công tác giải quyết khiếu nại – tố cáo…

Thời gian qua Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa nói chung và Khoa Nhà nước pháp luật nói riêng đã quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích và nhắc nhở giảng viên đi thực tế tại cơ sở. Khoa Nhà nước và Pháp luật với biên chế hiện có là 05 viên chức. Trong những năm gần đây, giảng viên của Khoa đều chủ động đăng ký và xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của cá nhân trình lãnh đạo Khoa và Trường xem xét quyết định và giới thiệu giảng viên đến địa phương. Hầu hết giảng viên đều nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đi nghiên cứu thực tế, tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của cá nhân, mỗi giảng viên có thể sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện nhiệm vụ khoa học của mình, trong quá trình đó có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: Cùng với tập thể của Khoa, Trường tham gia chuyến đi nghiên cứu thực tế; cá nhân tự chủ động; cùng với việc dẫn đoàn hướng dẫn học viên các lớp đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở; chủ nhiệm các lớp tham gia nghiên cứu thực tế cùng với lớp (Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên viên, chuyên viên chính…)

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: Vẫn còn một số ít giảng viên chưa thực sự xem trọng việc đi nghiên cứu thực tế nên từ đó có trường hợp không đi nghiên cứu thực tế mà thay vào đó là viết các công trình khoa học; có trường hợp giảng viên khi đi nghiên cứu không bảo đảm thời gian theo quy định (chỉ đi một lần, những lần sau chỉ liên hệ qua mail, điện thoại); đối với giảng viên trẻ, mới vào nghề thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với địa phương; một số báo cáo của giảng viên chưa gửi lấy ý kiến phản hồi từ phía địa phương; các báo cáo điển hình, có hiệu quả chưa kịp thời giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong toàn thể giảng viên nghiên cứu, tham khảo và áp dụng…

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong việc tổ chức nghiên cứu thực tế trong thời gian tới. Bản thân xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, giúp giảng viên cần quán triệt rõ hơn về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đi nghiên cứu thực tế. Nhận thức được ý nghĩa đó giảng viên sẽ tích cực chủ động lên kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cả về nội dung lẫn địa điểm, đề tài nghiên cứu của cá nhân.

Thứ hai, thời gian đi nghiên cứu thực tế cần được xây dựng, tính toán kỹ lưỡng, đối chiếu với kế hoạch hoạt động của Trường của Khoa, để tránh được trường hợp bị động thời gian. Kế hoạch nghiên cứu thực tế cần được triển khai sớm, chia ra thành nhiều đợt, bảo đảm đúng, đủ thời gian theo quy định. Lãnh đạo Trường, Khoa cần theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để giảng viên thực hiện nghiên cứu thực tế bảo đảm về mặt thời gian và hiệu quả. Cần xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành nghiêm về quy định đi nghiên cứu thực tế.

Thứ ba, nội dung nghiên cứu cần bám sát với nội dung giảng dạy do khoa phụ trách đảm nhận và gắn với tình huống hành chính cụ thể tại địa phương, cụ thể như: hoạt động của chính quyền địa phương ở cơ sở; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện dân chủ cơ sở; quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, y tế, ngân sách, đất đai; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và cải cách hành chính ở cơ sở...

Thứ tư, cần hạn chế trường hợp chỉ nghe lãnh đạo địa phương báo cáo một chiều, mà kèm theo đó cần chú trọng đến việc trao đổi, thảo luận, khảo sát, phân tích, đánh giá với các công chức chuyên môn cụ thể và thậm chí nên tiếp cận với người dân nơi khảo sát, nghiên cứu.

Việc trao đổi với địa phương về kết quả nghiên cứu giúp tranh thủ thêm được ý kiến đóng góp một cách đầy đủ và xác thực hơn. Mặt khác, thông qua trao đổi với địa phương còn giúp kịp thời cập nhật, bổ sung những vấn đề lý luận mà địa phương còn chưa rõ hoặc thực hiện có sai sót. Cần bảo đảm việc nghiên cứu vừa có ý nghĩa đối với nhà trường, giảng viên mà còn có ý nghĩa ngay cả với địa phương được nghiên cứu. Đối với những công trình nghiên cứu đạt hiệu quả, chất lượng cần được tổng hợp, đưa ra giới thiệu để giảng viên toàn trường tham khảo học tập và vận dụng.

Thứ năm, nghiên cứu thực tế cũng chính là một hình thức học tập, hình thức học tập từ thực tiễn, học tập từ cuộc sống đang diễn ra. Qua đó giúp cho giảng viên có được những kiến thức thực tiễn vô cùng quý báu phục tốt cho giảng dạy và công việc của mình. Do vậy, phải đa dạng hóa hình thức nghiên cứu thực tế khác nhau. Có thể đi thực tế ngay cả ngoài tỉnh. Ngoài việc đi nghiên cứu thực tế theo quy định, trường cần tạo điều kiện cho giảng viên được nghiên cứu thực tế với đa dạng nhiều hình thức khác nhau, như: tham gia từ các buổi hội nghị, hội thảo ở cấp tỉnh cho đến các cuộc họp, hội nghị ở cấp cơ sở.

Từ những phân tích trên, đã cho thấy, việc tổ chức nghiên cứu thực tế đối với giảng viên Khoa trong thời gian qua bên cạnh những thành tựu, vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định. Giải quyết tốt những hạn chế, yếu kém đó sẽ góp phần đưa chất lượng công tác nghiên cứu thực tế ngày càng nâng lên. Với những giải pháp đề ra, hy vọng rằng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức nghiên cứu thực tế của tập thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng và toàn trường nói chung trong thời gian tới./.