Xuất bản thông tin

null Sự thành lập các chi bộ Đảng ở tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Sự thành lập các chi bộ Đảng ở tỉnh Đồng Tháp

Lê Thị Thanh Kiều – Khoa Lý luận cơ sở

Trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh chống Pháp, nhân dân Đồng Tháp đã tham gia những hoạt động đấu tranh cùng nhân dân cả nước theo xu hướng phong kiến mà tiêu biểu là phong trào của Thiên hộ Võ Duy Dương cũng các đồng sự tại căn cứ Tháp Mười và theo khuynh hướng tư sản, tiêu biểu có cụ Nguyễn Quang Diêu ở Cao Lãnh, cụ Đinh Hữu Thuật ở Mỹ Xương,… Những cuộc đấu tranh này thất bại nhưng đó là sự kiểm nghiệm của lịch sử để khi hệ tư tưởng vô sản được truyền bá vào trong nước, nhân dân Đồng Tháp đã nhanh chóng tiếp nhận và sớm hình thành nên các tiểu tổ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Những tiểu tổ này chính là những chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở Tỉnh.

Vào đầu năm 1927, trước hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, 04 thanh niên ở tỉnh Đồng Tháp gồm: Nguyễn Thuật, Nguyễn Văn Phát, Lưu Kim Phong, Võ Bửu Bính đã được đồng chí Đỗ Đình Thọ (phái viên của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) vận động và cử tham gia lớp huấn luyện cán bộ của Hội. Ngày 07/11/1927, đồng chí Hồ Tùng Mậu sau khi thẩm định lý lịch đã kết nạp 04 đồng chí vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Cuối năm 1927, sau khi trở về nước, đồng chí Nguyễn Thuật được cử hoạt động tại Sài Gòn, các đồng chí còn lại được ghép thành tiểu tổ do đồng chí Nguyễn Văn Phát làm tổ trưởng, phụ trách phát triển phong trào cách mạng, thành lập các Tổ hội tại quê hương của mình. Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Phát phụ trách vùng Hội An và Hội An Đông, đồng chí Võ Bửu Bính phụ trách Mỹ An Hưng, đồng chí Lưu Kim Phong phụ trách Cao Lãnh.

Qua gần 01 năm hoạt động, cuối năm 1928 tổ chức của Hội phát triển, trên địa bàn của tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được Tổ Cao Lãnh gồm 07 hội viên, Tổ Cái Tàu Thượng có 04 hội viên, Tổ Lấp Vò có 03 hội viên, Tổ Sa Đéc có 01 hội viên, Tổ Bình Thành có 03 hội viên, Tổ Tân Dương có 02 hội viên,..[1]. Hội viên là những đồng chí đã kinh qua thử thách và rất tích cực trong các phong trào vì vậy thúc đẩy hoạt động của các Hội phát triển khá cao. Do đó, khoảng tháng 2/1929 Tỉnh bộ lâm thời Sa Đéc được Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội quyết định thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Phát làm Bí thư.

Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng chính thức thành lập, đồng chí Phạm Hữu Lầu, Tổ trưởng Tổ Thanh niên cách mạng ở xã Hòa An được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó, tháng 11/1929, Tổ Thanh niên cách mạng xã Hòa An được công nhận là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, lúc này gồm 06 đồng chí, đến tháng 2/1930 Chi bộ còn được gọi là Chi bộ Cao Lãnh, gồm 08 đồng chí [2].

Tiếp sau Chi bộ đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp được thành lập, trong Tỉnh, các Chi bộ khác cũng lần lượt thành lập như: Chi bộ Phong Hòa thành lập vào cuối tháng 11/1929 gồm 07 đồng chí do đồng chí Nguyễn Duy Hanh làm Bí thư, tháng 01/ 1930 do đồng chí Nguyễn Thị Lựu làm Bí thư, sau đó đồng chí Đặng Văn Thân thay đồng chí Lựu chuyển công tác; Chi bộ Lấp Vò thành lập vào tháng 11/1929 gồm 06 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Cưng làm Bí thư; Chi bộ Long Thuận (quận Hồng Ngự) thành lập vào tháng 02/1930 gồm 07 đảng viên, sau kết nạp thêm 04 đảng viên;… Cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, có thêm một số chi bộ thành lập tại quận Cao Lãnh và tổng Phong Thạnh Thượng. Khi thành lập, các chi bộ này đặt dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Cao Lãnh.

Tóm lại, trong giai đoạn từ tháng 11/1929 đến tháng 2/1930, các Chi bộ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã được thành lập. Ngay khi thành lập, nhất là sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các Chi bộ đã tổ chức quán triệt Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng trong đảng viên để đảng viên nắm vững đường lối của Đảng; bản thân mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở đảng luôn tích cực tập hợp, vận động, đoàn kết quần chúng vào Nông hội, Công hội, đồng thời luôn một lòng đấu tranh vì lợi ích của quần chúng. Bên cạnh đó, nhân dân Đồng Tháp luôn một lòng nồng nàn yêu nước, yêu quê hương; đoàn kết; có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; tình nghĩa, thủy chung…luôn tin tưởng và hăng hái thực hiện theo chủ trương của Đảng. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu để lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp từ khi ra đời cho đến nay đã lãnh đạo nhân dân Đồng Tháp làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà. Hiện nay, với những chủ trương đúng đắn, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân Đồng Tháp vượt qua những khó khăn của một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng đã đạt được nhiều thành công về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng cả nước vững bước trong công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (2020), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp (2020), Thông báo kết quả Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, ngày 27/10/2020.
  3. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (2016), Tập bài giảng Tình hình và nhiệm vụ của tỉnh Đồng Tháp (Thuộc Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính), Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.

    [1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (2020), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, tập 1, tr.91.

    [2] Sau đó, cấp trên điều về đồng chí Nguyễn Văn Tây (phụ trách Bí Thư), đồng chí Nguyễn Văn Thiệt và đồng chí Nguyễn Thị Quyền; đồng chí Nguyễn Thị Lựu được điều lên công tác và kết nạp đảng tại Sài Gòn; đồng chí Ba Mảng cũng được điều đi làm kinh tế cho Đảng.