Xuất bản thông tin

null Pháp luật về hòa giải ở cơ sở - kinh nghiệm từ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Bài viết

Pháp luật về hòa giải ở cơ sở - kinh nghiệm từ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

 

ThS. Nguyễn Quang Thành

Chi hội Luật gia Trường Chính trị

          Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội cao, đòi hỏi tinh thần tự nguyện, tự quản trong cộng đồng dân cư. Đây cũng được xem là một hình thức văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm lưu giữ “tình làng, nghĩa xóm”. Trong những năm qua, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các quan hệ xã hội dưới sự tác động của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở dần khẳng định, phát huy tác dụng thiết thực và ý nghĩa đối với người dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vào ngày 20/6/2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. bao gồm 5 chương, 33 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã ra đời nhằm cụ thể hóa, chi tiết hóa một số quy định như: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã giải thích cụ thể về khái niệm, phạm vi hòa giải cơ sở. Theo đó, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này. Ngoài ra, khái niệm “cơ sở” cũng xác định rõ bao gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Luật quy định phạm vi hoà giải ở cơ sở tại Điều 3 theo hướng loại trừ, hay nói cách khác chỉ quy định các trường hợp không được hòa giải. Cụ thể, quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải.

Song song đó, các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên… trong Luật hiện hành cũng có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 cũng như Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trước đây. Cụ thể, khoản 4 Điều 2 và Điều 7 nêu rõ hòa giải viên là những người trực tiếp thực hiện hoạt động hòa giải và là trung tâm của hoạt động này. Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể các tiêu chuẩn cơ bản của hòa giải viên người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn: có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Ngoài ra, xuất phát từ việc thừa nhận những kết quả từ hoạt động hòa giải cơ sở trong thời gian qua mang lại đối với các tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, Luật hiện hành cũng quy định theo hướng tăng thêm quyền lợi cho hòa giải viên so với những quy định trước đó.

Ngay sau khi Luật Hoà giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, cùng với các địa phương trong Tỉnh, Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đến đội ngũ cán bộ, công chức, các tổ hoà giải ở 6 ấp, các tổ chức chính trị - xã hội và phổ biến rộng rãi đến các chi, tổ hội và Nhân dân trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức. Hội đồng hoà giải tại xã có 07 thành viên, 06 tổ hoà giải ở 06 ấp và Câu lạc bộ hoà giải có 38 thành viên hiện đang hoạt động ổn định và hiệu quả.

Ngay từ đầu, các hòa giải viên của xã đã xác định mục đích của công tác hoà giải là góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi đến người dân. Chính vì vậy, các hoà giải viên đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này, hàng năm đều tổ chức tuyên truyền ra dân hơn 20 cuộc, có trên 400 lượt người dự, từ đó hình thành ý thức về thực hiện pháp luật, tự giác chấp hành, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, giảm số vụ việc mâu thuẫn lớn xảy ra. Qua đó tiếp nhận và hoà giải thành 193/193 đơn yêu cầu hoà giải, đạt tỷ lệ 100%.

Bên cạnh đó, để thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nâng cao hoạt động trong công tác hoà giải ở cơ sở, xã Vĩnh Thạnh đã thành lập mô hình “Câu lạc bộ hòa giải xã Vĩnh Thạnh”. Câu lạc bộ được thành lập có 38 thành viên, trong đó, Ban chủ nhiệm cơ cấu gồm 04 người (01 Chủ nhiệm, 02 Phó chủ nhiệm và 01 Thư ký). Các thành viên câu lạc bộ được vận động từ các thành viên trong các tổ hòa giải của các ấp. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt theo định kỳ 02 tháng một lần xoay vòng tại các ấp trong toàn xã, nội dung sinh hoạt theo quy chế đã đề ra.

Trong các kỳ sinh hoạt, Ban chủ nhiệm đều lồng ghép triển khai các văn bản luật mới ban hành và tuyên truyền pháp luật liên quan đến các vấn đề cấp thiết tại địa phương, chú trọng những thông tin pháp luật mới nhất để các thành viên kịp thời vận dụng vào công tác hoà giải tại địa phương. Những vụ việc mà câu lạc bộ tiếp nhận hòa giải thường liên quan đến các mâu thuẫn về tranh chấp ranh đất, mâu thuẫn chuyện gia đình giữa vợ - chồng, cha - con, anh em với nhau, chơi hụi,… Phương pháp hòa giải chủ yếu của câu lạc bộ là vận động, thuyết phục kết hợp với những quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Song song đó, còn dựa vào uy tín, “tiếng nói” của những người thành viên cao tuổi trong câu lạc bộ, giúp cho các bên tranh chấp hiểu rõ bản chất vấn đề một cách thấu tình đạt lý, từ đó tự nguyện hòa giải và đi đến đồng thuận cao.

Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở tại xã Vĩnh Thạnh đã từng bước phát huy được hiệu quả dựa trên những nền tảng pháp lý sẵn có. Qua đó, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng bình yên. Đồng thời, việc thực hiện tốt công tác hòa giải ở cở sở còn giúp xã hoàn thành tiêu chí về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, góp phần nâng cao dân chủ, tinh thần chấp hành pháp luật của Nhân dân trên địa bàn dân cư./.

Tài liệu tham khảo

  1. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998
  2. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
  3. Tài liệu bồi dưỡng bồi dưỡng tập huấn viên hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp
  4. Báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thạnh về kết quả hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải