Xuất bản thông tin

null Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – ngọn cờ đoàn kết chống Mỹ cứu nước

Bài viết Bài viết

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – ngọn cờ đoàn kết chống Mỹ cứu nước

 

Nguyễn Hoài Vinh
Khoa NN&PL

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, miền Bắc chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến đến thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Mỹ – Diệm đã từ chối thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp, dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã đề ra đường lối, hoạch định chiến lược cho cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9/1960) khẳng định, ở miền Nam phải “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công - nông làm cơ sở”. Đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội, quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch.

Trong lời kêu gọi nhân dịp tuyên bố thành lập, Mặt trận nên rõ: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. Một số công tác quan trọng được Đại hội thông qua là: làm thất bại quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thực hiện công tác quản lý nông thôn; đẩy mạnh phòng trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; công tác địch vận, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm đoàn kết rộng rãi toàn dân, tận dụng mọi khả năng chống Mỹ và tay sai; ra sức cải thiện đời sống nhân dân, đẩy mạnh công tác tài chính và công tác văn hóa xã hội; xúc tiến hơn nữa công tác tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế.

Ảnh: Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (nguồn: Báo điện tử Dangcongsan.vn)

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã viết: “Ngay khi vừa thành lập, Mặt trận đã thực sự làm nhiệm vụ quản lý chính quyền với hệ thống từ xã ấp, buôn làng lên huyện, tỉnh và Trung ương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng thực sự là một chính phủ ở miền Nam, song song tồn tại với chính quyền Sài Gòn”. Như vậy, Mặt trận vừa thực hiện chức năng của một mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết mọi tầng lớp yêu nước, dân chủ ở miền Nam, vừa thực hiện chức năng của một chính quyền cách mạng và hoạt động ngoại giao cho đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời năm 1969.

Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả tất yếu của cao trào đồng khởi, vừa là sự mở đầu cho giai đoạn mới của cách mạng miền Nam, vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân ta. Mặt trận còn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước ở miền Nam đấu tranh vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của đất nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 02/1977, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến ngày toàn thắng 30/4/1975 là một chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận đã đã kế thừa kinh nghiệm của quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam và vận dụng một cách sáng tạo vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, Tập 12: Từ năm 1954 đến năm 1965, Nxb Khoa học xã hội.

2. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Bộ Quốc phòng, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-175, Tập II Chuyển chiến lược, Nxb Chính trị quốc gia.