Xuất bản thông tin

null HIỀN TÀI VỚI TƯƠNG LAI DÂN TỘC

Tin tức Tin tức - Sự kiện

HIỀN TÀI VỚI TƯƠNG LAI DÂN TỘC

            

             Nguyễn Văn Định, Phó Bí thư Đảng ủy

 

Năm 1442, Thân Nhân Trung đã viết vào văn bia tại Văn miếu - Quốc Tử giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Với ý nghĩa lịch sử và giá trị khuyến học đặc biệt, câu nói vượt thời đại của bậc tiền nhân đã nhắc nhở hậu thế hãy luôn trân trọng hiền tài bởi người có đức, có tài là hồng phúc của nhân dân, là tương lai của dân tộc.

Khi tìm hiểu nghệ thuật dùng người thời xưa, chúng ta thấy rằng các nhà tư tưởng lớn hay các đấng minh quân rất coi trọng giáo dục hiền tài và luôn xem trí thức là nhân tố quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Cách đây hơn 25 thế kỷ, Khổng Tử đã cho rằng: “Dựng nước, gìn dân lấy học làm đầu”. Chiếu Cầu hiền (năm 1434) của Vua Lê Thánh Tông khẳng định: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học”. Hoàng đế Quang Trung với tài năng quân sự kiệt xuất vẫn luôn coi trọng giáo dục và đề cao việc đào tạo nhân tài. Tư tưởng tiến bộ đó được ghi trong Chiếu Lập học (năm 1788): “Dựng nước lấy dạy học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Câu chuyện lịch sử dưới thời Nhà Lý viết về Tô Hiến Thành (vị quan nổi tiếng là công minh, chính trực) đã cương quyết tiến cử Trần Trung Tá là người có tài năng, đức độ gánh việc nước thay mình trước lúc lâm chung, nhất định không chọn Vũ Tán Đường là người ngày đêm giúp đỡ ông chuyện cơm nước, thuốc thang …Đó chính là những bài học quí về công tác nhân sự, về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, về trọng dụng nhân tài… không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và trọng dụng hiền tài. Với thiên tài dùng người, Bác đã phát hiện và đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo kiệt xuất để cùng dẫn dắt dân tộc đến với độc lập, tự do. Vào chuyến thăm tỉnh Thanh Hóa năm 1947, Bác đã nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Còn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về bồi dưỡng cán bộ, về trọng dụng người tài mãi mãi còn nguyên giá trị.

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu quan điểm chỉ đạo liên quan công tác cán bộ và trọng dụng người có đức, có tài: “…gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài”. Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, chúng ta lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được tiến hành; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển; xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động và mạnh mẽ. Đó là các nhiệm vụ hết sức nặng nề của toàn Đảng, toàn dân và rất cần một thế hệ cán bộ lãnh đạo có đức, có tài để  đủ sức điều hành.

Chúng ta đều biết rằng không phải ai cũng có thể làm cán bộ và không phải người nào cũng trở thành lãnh đạo giỏi. Trong bất kỳ thời đại lịch sử nào và với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào; nhân tài vẫn luôn là tài sản vô giá. Câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” thật sự là cẩm nang mẫu mực, là chân lý trường tồn về công tác cán bộ. Vì vậy, coi trọng hiền tài, có chiến lược đặc biệt để phát hiện đúng, bồi dưỡng phù hợp, phát huy tốt năng lực người tài … luôn là trách nhiệm quan trọng của các thế hệ lãnh đạo. Nhân dân luôn tin tưởng và kỳ vọng Đảng ta không ngừng đào tạo nhiều thế hệ cán bộ giỏi về lý luận, giàu thực tiễn, có đạo đức, nhiều tâm huyết, hết lòng vì nước vì dân, suốt đời phấn đấu vì sự giàu mạnh của quê hương, đất nước./.