Xuất bản thông tin

null Trường Chính trị Đồng Tháp góp phần bồi dưỡng, truyền bá Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường

Bài viết Bài viết

Trường Chính trị Đồng Tháp góp phần bồi dưỡng, truyền bá Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường

Nguyễn Phước Tài, Khoa Lý luận cơ sở

Tống Hoàng Huân, Khoa Xây dựng Đảng

Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Điều đó đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cho tương lai, tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan mang tính cấp thiết. Do đó, hệ thống tổ chức nghiên cứu tư tưởng của Người càng được mở rộng, đi sâu làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học đã đầu tư công sức và trí tuệ nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, hàng trăm đầu sách, tài liệu được nghiên cứu biên soạn và phát hành, nhằm góp phần không nhỏ cho công tác nghiên cứu khoa, học tập và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh.

Qua nhiều năm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 3 bộ phận, lý luận và tư tưởng, đạo đức và nhân văn, phương pháp và phong cách. Mỗi bộ phận có nội dung tương đối độc lập, nhưng lại có mối liên hệ hữu cơ, biện chứng. Những bộ phận đó là sự phát triển sáng tạo, là sự bổ sung cần thiết đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự cống hiến và là di sản quý báu đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất khoa học và cách mạng. Là một hệ thống những quan điểm về chiến lược, sách lược không những đối với cách mạng Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế và thời đại về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, về đại đoàn kết toàn dân, về kinh tế về văn hóa, về quân sự, về đạo đức-nhân cách, về Đảng cộng sản, nhà nước pháp quyền...Vì vậy, việc nghiên cứu học tập, truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mang tính khách quan vừa mang tính cấp thiết đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí MInh cũng rất cần được phổ biến rộng khắp trong quần chúng nhân dân, nhất là trong công nhân, nhân dân lao động để biến thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, 5 năm qua, Ban lãnh đạo Trường Chính trị Đồng Tháp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường và hàng năm Đảng ủy Nhà trường còn tiến hành tổ chức sinh hoạt và báo cáo chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên toàn trường và cho các lớp đang theo học tại trường. Bên cạnh đó, các giảng viên của Nhà trường trong quá trình giảng dạy cũng đã lồng ghép công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh vào bài giảng của mình để truyền đạt cho học viên. Qua học tập, quán triệt nhận thức, trách nhiệm học tập và làm theo Bác của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Nhà trường được nâng lên, từ đó gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong giảng dạy, tác phong làm việc, đã tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Với việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban lãnh đạo Nhà trường, việc lồng ghép công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh của các giảng viên tham gia công tác giảng dạy tại trường cho các lớp đang theo học tại trường trong thời gian qua là hết sức cần thiết đối với từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, trong từng học viên, qua đó làm cho công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cơ quan ngày càng hiệu quả; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành tự giác, thường xuyên của toàn Đảng bộ, của mỗi đảng viên, viên chức, của mỗi học viên.

Để việc học tập, truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Chính trị Đồng Tháp ngày càng tốt hơn nữa, tác giả đề ra một số kiến nghị sau:

Một là, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần gấp rút biên soạn bộ giáo trình chuẩn quốc gia về tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm sách giáo khoa, phim giáo khoa, tài liệu tham khảo chính thức.

Hai là, các cơ sở giáo dục cần khuyến khích đưa bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh thành môn học chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ba là, hàng năm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần tổ chức bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm, đi về nguồn cho các giảng viên giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhằm giúp họ cập nhật thêm kiến thức, có cái nhìn bao quát hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, các giảng viên phụ trách giảng dạy bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh không nên xem đây là môn học đơn giản, dễ dàng, mà ngược lại, giảng viên phải đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Có như vậy mới nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, giúp học viên, sinh viên không “buồn ngủ” khi học môn học này.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản quý báu của Đảng, của dân tộc, là kim chỉ nam dẫn đến thành công của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người là một khoa học. Vì vậy, chúng ta - các Đảng viên, mọi người dân cần phải chung tay bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin phải đi đôi với bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn thực hiện được việc bảo vệ di sản thiêng liêng đó, trường Chính trị Đồng Tháp nói riêng và hệ thống giáo dục quốc dân nói chung cần phải thực hiện tốt, thực hiện nghiêm túc việc truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng hơn, đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, để mọi người hiểu đúng và vận dụng đúng vào lĩnh vực công tác của bản thân mình./.