Xuất bản thông tin

null Điểm sáng ở thành phố Sa Đéc về xã hội cộng đồng học tập và cộng đồng khởi nghiệp

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Điểm sáng ở thành phố Sa Đéc về xã hội cộng đồng học tập và cộng đồng khởi nghiệp

 

   Mai Quang Khả - Lê Minh Sơn

Là một đô thị ở phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp, với bề dày lịch sử trên 300 năm, từ lâu Sa Đéc được mệnh danh là vùng đất học làm rạng danh giáo dục tỉnh nhà. Tháng 9/2020, TP.Sa Đéc vinh dự được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”. Đây không chỉ là vinh dự của người dân “thành phố hoa” mà còn là niềm tự hào của cả quê hương Đất Sen hồng. Trở thành Thành phố học tập sẽ giúp TP.Sa Đéc có cơ hội học hỏi kiến thức từ các thành viên trong mạng lưới, mở rộng cơ hội học tập cho người dân, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển...

Từ thành phố học tập toàn cầu, cộng đồng học tập

Để tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, tháng 8/2019, UBND thành phố Sa Đéc đã phân công các ngành tiến hành khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập toàn cầu theo 12 tiêu chuẩn và 34 tiêu chí. Ngành giáo dục – đào tạo đã tham mưu, tổng hợp các tiêu chí của các ngành, đoàn thể, qua tổng hợp các tiêu chí thành phố để đạt và vượt các tiêu chuẩn tiêu chí theo quy định. Kết quả, thành phố đạt và vượt nhiều tiêu chí như tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt tỉ lệ 99,2%, vượt 4,2%, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở các bậc học, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ 3,39%, 100% đường phố đạt yêu cầu xanh, sạch, đẹp; Tỷ lệ người lao động được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề đạt trên 95%, vượt 15% so với quy định, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động và internet cũng vượt xa chuẩn quy định… Từ đó tham mưu UBND thành phố trình đơn lên UNESCO và UNESCO đã công nhận thành phố là thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu vào ngày 21/9/2020. Đến ngày 23/9, UNESCO công bố các thành viên tham gia thành phố học tập toàn cầu của VN và các nước trên thế giới.

Nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập, thời gian qua, Sa Đéc đã có nhiều gia đình, dòng họ, đơn vị học tập. Mới đây thư viện cộng đồng đầu tiên mang tên Ba Tấn ở xã Tân Quy Tây đã chính thức mở cửa phục vụ bạn đọc miễn phí. Thư viện do dòng họ học tập của ông Lê Văn Tấn tài trợ, trang bị trên 700 đầu sách, máy vi tính để truy cập Internet. Nhờ sự lan tỏa của mô hình nhiều người dân trong vùng đã tiếp cận kiến thức từ sách báo, tìm hiểu thông tin, kiến thức bổ ích.

Đến năm 2020, toàn thành phố có 35 trường phổ thông các cấp học, trong đó có 20 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn... Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với các cấp, ngành, UBND các xã, phường trong thành phố vận động các gia đình có con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, không tham gia các tệ nạn xã hội. Khuyến khích mọi người tự giác học tập bằng nhiều hình thức như: đọc sách, báo, xem tivi, truy cập Internet. Đồng thời phát động các cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng Chi hội khuyến học, mỗi cán bộ, công chức hưởng ứng bằng việc tận tụy với công việc, phát huy tinh thần tự học, tự sáng tạo...

Và cộng đồng khởi nghiệp, Làng khởi nghiệp đầu tiên của tỉnh

Làng khởi nghiệp TP.Sa Đéc (tại ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây), làng khởi nghiệp đàu tiên của tỉnh chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2019. Đây là nơi để các cơ sở, doanh nghiệp (DN) có nhiều ý tưởng, mô hình hay giới thiệu hình ảnh và sản phẩm đến người tiêu dùng.

Làng khởi nghiệp được xây dựng có tổng diện tích trên 1.200m2, tổng mức đầu tư trên 1,6 tỷ đồng với quy mô 10 gian nhà. Đến nay, đã xét bố trí cho 5 cơ sở, DN và 1 Văn phòng vườn ươm khởi nghiệp.

Việc khai trương mô hình làng khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các đơn vị khởi nghiệp, hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển.

Nói tới làng khởi nghiệp ở Sa Đéc, mọi người lại nhớ tới các bạn trẻ đã nhận thức đúng để làm giàu trên quê hương mình bằng sản phẩm quê mình góp phần nâng cao chất lượng chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) ở Đồng Tháp.

Đó là cô giáo Lương Thị Diễm Trinh (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc) đã chọn hoa để khởi nghiệp.

Năm 2014, Diễm Trinh tốt nghiệp Cao đẳng ngành Sư phạm Sinh – Hóa, sau đó được nhận vào giảng dạy tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP Sa Đéc), phụ trách giảng dạy môn Sinh học và là tổng phụ trách Đội.

Ngoài công tác chuyên môn được phân công, vận dụng kiến thức đã học và học hỏi từ nhiều nơi, cô Diễm Trinh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê sưu tầm và chế biến ra các sản phẩm trà hoa. Ban đầu, chỉ là trà hoa hồng, sau đó là hoa đậu biếc rồi đến trà hoa nguyệt quế, đinh lăng, trà vỏ bưởi…

Cô Diễm Trinh cho biết lúc đầu chỉ sản xuất dùng trong gia đình, sau đó biếu bạn bè dùng thử và được nhiều người khen ngợi, từ động lực đó, cô quyết định làm ra số lượng nhiều để cung cấp cho người tiêu dùng.

Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, cô giáo Diễm Trinh dành nhiều thời gian nghiên cứu, đọc thêm sách vở để làm trà từ hoa.

Hiện nay, cô Diễm Trinh đã tự tạo ra bộ sưu tập trà hoa cho riêng mình và cung ứng số lượng lớn cho thị trường, doanh thu từ việc bán trà cũng mang lại cho cô thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng.

Đó là anh Đào Hải Triều, 25 tuổi ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp), anh cho biết, mới thuê thêm 2.000m2 nữa để trồng hoa. “Năm nay phục vụ thị trường Tết khoảng 10.000 chậu hoa với hơn chục loại các loại như: Cúc đồng tiền, cát tường, hoa chuông… Đặc biệt là trồng thử nghiệm thêm giống dâu tây từ Đà Lạt mang về”.

Anh Triều học hết lớp 12 rồi nghỉ ở nhà phụ gia đình trồng hoa. Với niềm đam mê, tò mò học hỏi của mình, anh Triều đi nhiều nơi, đến các làng hoa khác và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người trồng hoa lâu năm. Theo anh Triều, thổ nhưỡng cũng như vị trí ở Sa Đéc rất phù hợp để hoa phát triển vì nhiệt độ không chênh lệch quá nhiều giữa ngày và đêm, còn dịp Tết thường không bị mưa, nhiệt độ trung bình dao động khoảng 27 - 32oC nên màu sắc đẹp hơn so nơi khác trong vùng. Nếu nhiệt độ chênh lệch quá cao sẽ dẫn đến hoa không thích ứng nổi. Ngoài ra, anh Triều còn bật mí thêm một yếu tố quan trọng không kém để làm nên thương hiệu làng hoa Sa Đéc chính là nguồn nước sạch và có phù sa nhiều.

Đó là anh Ngô Thanh Tùng, 30 tuổi, chủ cơ sở sản xuất hoa kiểng Sơn Vinh ở ấp Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp).

Anh Tùng trước đây từng có 8 năm là tài xế taxi ở TPHCM. Anh cho biết, trong thời gian đi làm đã ấp ủ ước mơ làm chủ và  phát triển  thương hiệu hoa Sa Đéc. Đầu năm 2016, anh Tùng cùng vợ quay về quê và bắt đầu khởi nghiệp với việc chuyên sâu hoa kiểng bằng nguồn vốn hai vợ chồng tích góp gần chục năm trời, khoảng 100 triệu. Tuy nhiên, trên lý thuyết là vậy nhưng đến khi bắt tay vào làm thì khó khăn trăm bề. “Tôi thất bại không dưới chục lần, thua lỗ hết trăm triệu, người thân lo lắng rồi khuyên bỏ nghề, họ bảo cứ làm như ông bà mấy chục năm nay, ai sao mình vậy, vẫn sống khỏe. Tuy nhiên mỗi lần thất bại trong lòng thôi thúc tôi phải càng cố gắng, không được bỏ cuộc”, anh Tùng cho biết.

Anh thuê 4.000m2 đất trồng cỏ để bán cho khách hàng trải thảm trang trí công trình, biệt thự… Tuy nhiên, đầu tư chưa lấy được đồng vốn nào thì ruộng bị nước ngập, coi như mất trắng. Lần thứ hai đầu tư bán sản phẩm phụ trợ nông nghiệp như xơ dừa, tro trấu… để cung cấp cho người dân trồng hoa kiểng nhưng do giá chênh lệch không cao, lại cạnh tranh với nhiều cửa hàng khác cũng dẫn đến thua lỗ… Không nản lòng, trong thời gian này, anh vận dụng các mối quan hệ, khách hàng khi còn là tài xế ở TPHCM để phát triển kinh doanh. Anh Tùng chia sẻ: “Khách hàng bảo ở quê nổi tiếng là hoa thì nên khởi nghiệp từ hoa. Thế là tôi bắt đầu kinh doanh cho đến giờ”.

Làng hoa Sa Đéc hiện đã trở thành một thương hiệu du lịch, một điểm đến khá lý tưởng cho khách du lịch. Mỗi năm, làng hoa kiểng Sa Đéc đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn. Từ những thế mạnh nền tảng là văn hóa và con người, có thể khẳng định thành phố Sa Đéc là điểm sáng về cộng đồng học tập và cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh nhà cần được phát huy, nhân rộng./.

Tổng hợp từ:

 - Báo Đồng Tháp online, http://www.baodongthap.vn/.                   

 -Trang website thành phố Sa Đéc, https://sadec.dongthap.gov.vn/web/tpsd/