Xuất bản thông tin

null Một số điểm nổi bật trong học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Một số điểm nổi bật trong học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

Phong cách được hiểu cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Khái niệm phong cách thường đi đôi với khái niệm tác phong nhưng so với khái niệm tác phong thì phong cách mang nghĩa rộng hơn.

Năm 2021, thực hiện Kế hoạch số 13-KH/ĐUK ngày 04/01/2021 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đồng Tháp với chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, bản thân Người là lãnh tụ của Đảng, của Nhà nước, vì vậy cán bộ chủ chốt, đảng viên học tập chủ yếu theo phong cách, tác phong làm việc Hồ Chí Minh.Phong cách làm việc của Người gồm phong cách dân chủ, phong cách khoa học và nổi bật là phong cách nêu gương vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng trong thực hiện phong cách dân chủ và phong cách khoa học.

Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm một số điểm nổi bật:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh là lãnh tụ đặc biệt nhấn mạnh nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.

Trước hết, theo Hồ Chí Minhthực hiện phong cách nêu gương là trách nhiệm của đảng viên vì, nêu gương là nét đẹp của văn hóa truyền thống phương Đông và của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1]. Do đó, Người yêu cầu đảng viên: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[2]. Bản thân Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương. Người kêu gọi nhân dân tập thể dục để có sức khỏe, giữ gìn đất nước “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”, bản thân Người “ngày nào tôi cũng tập”[3], Người kêu gọi và phát động phong trào học tập thì bản thân Người cũng là tấm gương tự học suốt đời.

Vì vậy, phong cách nêu gương phải luôn được người đứng đầu, đảng viên xem là trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”[4].

Thứ hai, nêu gương đối với cán bộ, chủ chốt, đảng viên phải gắn với yêu cầu thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Cần, Kiệm, Liêm, Chínhlà những phẩm chất quý giá cần có của con người, là thể hiện của “một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[5]. Đối với cán bộ chủ chốt, đảng viên cần phải gương mẫu thực hiện Cần Kiệm, Liêm, Chính vì “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[6].

Cần, Kiệm, Liêm, Chínhtheo Hồ Chí Minh còn thể hiện với vai trò nền tảng của đời sống mới. Là điểm then chốt trong thực hiện phong cách nêu gương đối với cán bộ chủ chốt, đảng viên.Trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Thứ ba, nêu gương là một nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; vì vậy học tập phong cách nêu gương đồng thời phải đặt trong mối quan hệ với các nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới

Thực hiện phong cách nêu gương theo Hồ Chí Minh phải toàn diện trong mối quan hệ của một người. Trong mối quan hệ với mình, bản thân cán bộ chủ chốt, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời“cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[7].Trong mối quan hệ với người phải “đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ”[8].Trong mối quan hệ với công việc phải luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”[9].

Ngoài ra, theo Hồ Chí Minh, cán bộ chủ chốt, đảng viên thực hiện phong cách nêu gương phải gắn nóivới đi đôi với làm và phải xây đi đôi với chống. Trong đó, đặc biệt phải chống chủ nghĩa cá nhân, vì đây là kẻ thù nguy hiểm, là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cá nhân, Người yêu cầu cần phân biệt chủ nghĩa cá nhân (kẻ thù cần phải chống) với lợi ích cá nhân (cần được tôn trọng, bảo vệ), vì đó là động lực giúp cán bộ, đảng viên thực thi tốt vai trò của mình.

Thứ tư, biện pháp hữu hiệu để thực hiện nêu gương đạt hiệu quả là thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện biểu dương, khen thưởng kịp thời

Theo Hồ Chí Minh, thực hiện phong cách nêu gương mang lại hiệu quả cao vì tạo được uy tín và niềm tin của cán bộ chủ chốt, đảng viên trước quyền chúng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, thực hiện nêu gương phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát mà trước hết, bản thân người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình.

Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu phải sâu sát trong thực hiện nêu gương, phải có biện pháp biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt vì “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[10]. Bản thân Người đã chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” vào tháng 6/1968 để ghi nhận, nhân rộng gương người tốt, việc tốt nhằm giúp mọi người học tập, làm theo hiệu quả; nhằm lan tỏa cái tốt, cái đẹp trong xã hội và thực hiện có hiệu quả yêu cầu thực hiện phong cách nêu gương./


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  284.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  16.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  241.

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  171.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  128.

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  122.

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  612.

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  48.

[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  603.

[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang  672.