Xuất bản thông tin

null Kỳ vọng của cử tri Đất Sen Hồng về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Bài viết Bài viết

Kỳ vọng của cử tri Đất Sen Hồng về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

                                                               Mai Quang Khả - Lê Minh Sơn

 

Ngày 23/5/2021 tới đây, cử tri cả nước sẽ phấn khởi bầu chọn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cử tri tỉnh Đồng Tháp - quê hương đất sen hồng cũng sẽ tích cực, chủ động tham gia hoạt động này, bởi đây không chỉ đơn thuần là thể hiện quyền làm chủ đất nước của công dân, mà mỗi lá phiếu của cử tri đất sen hồng là một kỳ vọng gởi gắm cho các đại biểu để quê hương phát triển nhanh, bền vững theo đà phát triển của cả nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Dân chủ - Phát triển” đã đề ra 5 đột phá chiến lược để phát triển tỉnh nhà là:

(1) Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hoà với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn Tỉnh.

Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có và đầu tư xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

(2) Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục trong Tỉnh, nhất là chất lượng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế.

Liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quan tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân.

(3) Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc lan toả ra toàn Tỉnh. Phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái.

(4) Tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của Tỉnh.

(5) Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của chi bộ đảng.[1]

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã trình bày tham luận, trong đó đề xuất giải pháp phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết đã chỉ ra:

Để thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp thành công, cần sự thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người dân, sao cho phát huy vai trò, nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tiến tới hợp tác, chia sẻ và cùng giúp nhau làm giàu. Với việc áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, như: Gia đình thi đua "Chung tay xây dựng nông thôn mới" với phương thức "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà"; mô hình "Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp đất để tạo mặt bằng và ngày công lao động trong phát triển giao thông nông thôn"; mô hình "Làng mới", "Làng thông minh" và các mô hình xây dựng điểm vui chơi thiếu nhi, "Cụm dân cư xanh, an toàn", "Nhà sạch, đường sạch", "Đồng ruộng sạch", "Dòng sông không rác"... Các mô hình: "Sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch"; "Giảm giá thành", "Bón phân thông minh - bón một lần cho cả vụ", "Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng và quảng bá thương hiệu", "Sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi giá trị" đang tạo ra xu hướng sản xuất mới, hiệu quả, chứng minh quyết tâm thay đổi và sự thích ứng của người nông dân Đồng Tháp trong giai đoạn phát triển mới của ngành nông nghiệp.[2]

Trao đổi với phóng viên cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ: Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ thật sự có ý nghĩa khi nâng cao được đời sống người dân. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.[3]

Năm 2020, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Đồng Tháp đều xếp thứ 2 cả nước, nằm trong nhóm các tỉnh được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao về thái độ phục vụ xã hội của cán bộ toàn tỉnh. Những tiền đề trên là cơ sở để cử tri đất sen hồng vững niềm tin khi bỏ phiếu chọn đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực các cấp, để những đại biểu này hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển tỉnh nhà như kỳ vọng chính đáng của người dân là có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Một khi ý Đảng và lòng Dân hợp nhất thì thắng lợi là tất yếu. Sức mạnh đoàn kết, thống nhất đó không gì có thể ngăn cản được./.

Chú thích:

[1] Đảng CSVN, Văn kiện ĐHĐB Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 12 năm 2020, Lưu hành nội bộ, tr.103, 104.

[2] Báo Nhân Dân điện tử, ngày thứ Hai, 01/02/2021.

[3] Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, https://dongthap.gov.vn/ ngày  11/02/2021.       

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

-   Đảng CSVN, Văn kiện ĐHĐB Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 12 năm 2020, Lưu hành nội bộ.

- Báo Nhân Dân điện tử, ngày thứ Hai, 01/02/2021.

- Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, ngày  11/02/2021.