Xuất bản thông tin

null Dạy, học trực tuyến ở trường chính trị tỉnh và một số vấn đề cần quan tâm

Bài viết Bài viết

Dạy, học trực tuyến ở trường chính trị tỉnh và một số vấn đề cần quan tâm

 

Nguyễn Thị Ánh Xuân

Phó Trưởng phòng QLĐT và NCKH

       Dạy học trực tuyến là phương pháp dạy học phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Singapore, Hàn Quốc, Mỹ,... Ở Việt Nam trong những năm gần đây, dạy học trực tuyến ngày càng được các trường học lựa chọn để tạo điều kiện tiếp cận số lượng người học nhiều hơn hoặc khi điều kiện không cho phép tổ chức được lớp học truyền thống; dạy học trực tuyến là sự tiện lợi, đa dạng về hình thức, phù hợp với nhu cầu của phần lớn người học, nhưng áp dụng dạy học trực tuyến tại các trường vẫn còn rất e dè. Năm 2020, dưới sự bùng phát của đại dịch Covid-19, để đảm bảo chương trình các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên cả nước đã chuyển dần sang hình thức dạy học trực tuyến; học sinh ở vùng sâu, vùng xa với tinh thần và nỗ lực đã dựng lán giữa đồi để “bắt sóng” tham gia học trực tuyến, trong khi đó các trường chính trị dạy học trực tuyến mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu làm quen.

       Dạy học trực tuyến là việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin, cho phép quản lý và tổ chức dạy học thông qua môi trường Internet, để hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; giúp trường nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình; mở rộng cơ hội cho người học tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, tạo điều kiện cho người học được học ở mọi lúc, mọi nơi. Để tổ chức và triển khai dạy học trực tuyến trường Chính trị cần lưu ý một số vấn đề sau:

       Thứ nhất, thống nhất chủ trương, mục tiêu, cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến. Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; cùng với sự cho phép các trường chính trị dạy học trực tuyến của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua công văn chỉ đạo số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021, được xem là căn cứ pháp lý làm cơ sở để trường Chính trị lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến trong điều kiện vừa đảm bảo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, để tổ chức dạy học trực tuyến được diễn ra theo đúng mục tiêu cần có sự thống nhất chỉ đạo, quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự phối hợp trách nhiệm của các phòng, khoa, sự đồng thuận của đội ngũ giảng viên trong nhà trường; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; ban hành quy chế quy định trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động dạy học trực tuyến đảm bảo trật tự theo mục tiêu được xác định.

       Thứ hai, lựa chọn phương pháp và nền tảng triển khai. Hiện nay có rất nhiều loại ứng dụng hỗ trợ cho việc dạy học trực tuyến. Khi lựa chọn nền tảng để sử dụng, trường cần căn cứ vào yếu tố đặc thù của các trường chính trị (như đối tượng học, tính chất của bài học, phương pháp truyền đạt, số lượng học viên; mức độ tương tác, tính năng lưu trữ; giá thành…) để cân nhắc, lựa chọn phần mềm phù hợp.

       Nếu lựa chọn một phần mềm dạy học trực tuyến để giải quyết tình thế trong giai đoạn nhất định, trường có thể xem xét lựa chọn các nền tảng miễn phí và hoặc dùng thử (trong thời gian 01 đến 03 tháng) như: Skype, Zoom Cloud Meeting; TrueConf, Google Classroom, Google Meet, Microsoft Teams, Vsee, Zalo, Facebook, Youtube ... Nếu không có sự trải nghiệm, tìm hiểu rõ sẽ khó xác định được phần mềm nào phù hợp với đơn vị mình, vì các nền tảng miễn phí sẽ thường đi kèm với những điều kiện nhất định như: giới hạn số lượng người dùng, điều khoản sử dụng miễn phí, chạy kèm quảng cáo, giới hạn thời gian trực tuyến, giới hạn số lần trực tuyến, bảo mật, hạn chế share slide PowerPoint... Đối với các trường chính trị phần mềm miễn phí phù hợp có thể lựa chọn Google Classroom kết hợp Google Meet hoặc Zoom Cloud Meeting và sử dụng thời gian 3 tháng trở lại có thể sử dụng Microsoft Teams để được hỗ trợ nhiều hơn.

       Sử dụng các phần mềm có thu phí (theo gói dịch vụ hoặc thu phí theo người dùng), trường sẽ đạt được nhiều hơn những tính năng thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay có nhiều nền tảng do các công ty trong và ngoài nước ngoài phát triển, cung cấp dịch vụ, trường có thể lựa chọn các gói có thu phí để được hỗ trợ nhiều hơn như: Microsoft Teams, TrueConf, ViettelStudy; Unica, Kyn... với tính bảo mật cao, tính năng đa dạng, áp dụng được nhiều phương pháp dạy học trực tuyến.

       Thứ ba, trang bị hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, không gian phòng dạy học trực tuyến.

       - Trang bị đường truyền kết nối Internet tốc độ cao, đảm bảo đủ khả năng truyền tải tín hiệu; chắc chắn rằng mic, camera, mạng internet ổn định... Lỗi kỹ thuật (mất tính hiệu, không nghe rõ, không thấy thông tin…) có thể làm ngắt mạch cảm xúc của người dạy và người học. Để bài học được liền mạch trường cần trang bị dự phòng thêm máy tính, thiết bị phát wifi 4G (có thể dùng điện thoại), mic, camera và loa ngoài.

       - Trang thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến của giảng viên. Dạy học trực tuyến có thể được thực hiện thông qua máy tính hoặc điện thoại; các hệ điều hành Window trên máy tính hoặc thông qua các trình duyệt Web; thiết bị điện thoại Smartphone chạy hệ điều hành  IOS hoặc Android có đủ camera, mic và loa để có thể sử dụng để dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có một số nền tảng trực tuyến (Microsoft Teams) sẽ có yêu cầu về phiên bản hệ điều hành máy tính (Windows 10) hoặc thiết bị Smartphone phải chạy hệ điều hành IOS hoặc Android (4 phiên bản gần nhất).

       - Buổi dạy học trực tuyến sẽ đạt hiệu quả tối ưu khi có phòng học chuyên dùng với thiết kế âm thanh, ánh sáng, máy quay, không gian phù hợp. Đối với các trường chưa có điều kiện chuẩn bị phòng dạy học trực tuyến chuyên dùng, cần chọn không gian dạy học phù hợp, là nơi không có tạp âm, không có thiết bị gây nhiễu sóng, ít người qua lại.

       Thứ tư, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ cho người dạy và người học. Hình thức dạy học trực tuyến đòi hỏi người dạy và người học phải sử dụng và làm chủ được các thiết bị công nghệ để thực hiện hoạt động của mình tốt hơn. Do đó, đòi hỏi giảng viên trang bị cho mình những kỹ năng sử dụng công nghệ cần thiết để điều khiển được nền tảng trực tuyến, điều chỉnh giáo án điện tử phù hợp với yêu cầu của phần mềm trực tuyến trong quá trình dạy học; đòi hỏi người học nắm được công nghệ, tuân thủ quy trình tương tác, quy định được đặt ra trong môi trường học trực tuyến. Mặc dù vậy, hiện nay các nền tảng trực tuyến luôn hướng đến sự đơn giản và thuận tiện cho người dạy, người học; đa số các phần mềm đều có những nét tương đồng về giao diện; nên việc dạy học trực tuyến không đòi hỏi giảng viên và học viên có trình độ công nghệ thông tin cao mà chỉ cần nắm vững được thao tác, quy trình kỹ thuật để thực hiện đúng và đủ.

       Thứ năm, đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin hỗ trợ. Đặc thù của trường chính trị là giảng dạy các phần học về quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý nhà nước… nên hạn chế về khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin. Trong hoạt động dạy học trực tuyến cần có đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin hỗ trợ về kỹ thuật cho giảng viên, để xử lý sự cố phát sinh trong quá trình dạy học trực tuyến, quản lý và kiểm soát hệ thống dạy học trực tuyến. Mặc dù vậy, với nguồn nhân lực này các trường có thể sử dụng nguồn lực tại chỗ theo hình thức chuyển giao công nghệ (đào tạo, tập huấn) hoặc thuê nguồn lực vận hành hệ thống trong thời gian tổ chức học trực tuyến, giải pháp này trường sẽ gặp bất lợi vì thiếu tính chủ động, không kiểm soát được hệ thống...

       Thứ sáu, chuẩn bị về tâm lý. Nhiều giảng viên đã quen với hình thức dạy học truyền thống, có sự tương tác qua lại học viên – giảng viên; người dạy, người học thể hiện được ngôn ngữ hình thể; người dạy quan sát được thái độ của người học qua nét mặt, hành vi của người học. Khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến sẽ gặp không ít trở ngại cùng với khó khăn khi sử dụng công nghệ của những giảng viên ít tiếp cận công nghệ là tâm lý khi lo lắng: thất bại trên đường truyền, người học không nghe, không thấy nội dung; nặng tâm lý khi không sử dụng được nhiều phương pháp… Vì vậy, cần được ổn định tâm lý, trong quá trình dạy có thể hỏi, trao đổi với học viên để lôi kéo sự quan tâm của học viên tránh nhàm chán; chuẩn bị trước các nội dung, trình tự thực hiện thao tác; cần có đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin kịp thời khắc phục sự cố nếu có.

       Tóm lại, tất cả những lợi ích mà phương pháp dạy trực tuyến mang lại chính là hướng đến sự chủ động trong học tập. Người học phát huy tính chủ động trong học tập, tận dụng mọi thời gian và không gian; người dạy phát huy tính chủ động trong việc kết nối với nhiều học viên hơn; nhất là trong giai đoạn cả nước ta đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch thì việc áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến sẽ rất phù hợp giúp cho các trường chính trị vừa chủ động đảm bảo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo được chương trình theo quy định vừa thực hiện tốt những yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh./.