Xuất bản thông tin

null Đường Hồ Chí Minh trên biển là một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta

Bài viết Bài viết

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta

 

Lưu Thúy Hiền

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại của dân tộc, con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững. Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện trên biển đánh dấu mốc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay.

Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương với tiền tuyến chính thức đi vào hoạt động. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: Tất cả cho tiền tuyến miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Giai đoạn 1962 - 1965, Đoàn 125 vượt qua khó khăn gian khổ, với lòng quả cảm và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số”  đã tổ chức được 89 chuyến tàu, vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Những đóng góp của các bộ, chiến sĩ và những con tàu của đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam, cùng với quân và dân ta ở miền Nam đánh bại các kế hoạch chiến tranh của kẻ thù.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các đội tàu của Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển hàng hóa, lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam. Đoàn 125 đã thực hiện thành công 143 chuyến tàu, vận chuyển 8.741 tấn vũ khí hạng nặng (50 xe tăng và pháo cỡ lớn), đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tài thao lược, sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Ðảng, một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta.

- Tiêu biểu là nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, lấy thô sơ đánh hiện đại, giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng dân tộc ở miền Nam.

- Từ những con tàu gỗ đánh cá nhỏ, thô sơ trong những ngày đầu thành lập, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, ta sử dụng tàu giả dạng, trà trộn với tàu thuyền dân sự đã bí mật, bất ngờ, dũng cảm vượt qua bão táp của biển cả, sự ngăn chặn, bao vây của hải quân, không quân địch để chi viện cho tiền tuyến.

- Đến đầu năm 1964, quân ta đã có trên 20 tàu trọng tải từ 50- 150 tấn, những đội tàu tương đối hiện đại, trọng tải lớn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài tiên tiến, đảm đương nhiệm vụ vận tải chi viện cho nhiều hướng chiến trường, chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa vươn tới.

- Thông qua đường Hồ Chí Minh trên biển, những con tàu không số bên cạnh vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, chi viện kịp thời, hiệu quả cho tiền tuyến, còn đảm đương sứ mệnh đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia quân sự vào miền Nam và ngược lại, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm nhưng lại có ưu thế về tốc độ, hiệu quả, rút ngắn thời gian vận chuyển, chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển ít hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ.

Đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số và biết bao chiến công hiển hách của những anh hùng liệt sĩ, của quân và dân ta vẫn mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại - một trong những đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường và sức sáng tạo; phản ánh khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Với những thành tích xuất sắc, Lữ đoàn 125 được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ngày 23/10/2021, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển diễn ra tại TP. Hải Phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh tại khẳng định “năm tháng sẽ đi qua nhưng “Đường Hồ Chí Minh trên biển” mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do thống nhất đất nước của quân và dân ta”.

Con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay. Đảng, Nhà nước ta đã sớm xác định và có quan điểm rõ ràng về chiến lược biển, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - an ninh, ngoại giao nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc. Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021) củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực tự cường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,  Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.

2. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/duong-ho-chi-minh-tren-bien-ky-tich-lich-su-va-bai-hoc-doi-voi-su-nghiep-xd-va-bao-ve-to-quoc-594806.html

4. http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Duong-Ho-Chi-Minh-tren-bien-mai-mai-la-niem-tu-hao-cua-quan-doi-va-nhan-dan-ta/450446.vgp