Xuất bản thông tin

null Suy nghĩ về vai trò người thầy giáo Việt Nam và giảng viên Trường Đảng trong sự nghiệp giáo dục hiện nay

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Suy nghĩ về vai trò người thầy giáo Việt Nam và giảng viên Trường Đảng trong sự nghiệp giáo dục hiện nay

ThS Tống Hoàng Huân

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện và tồn tại của xã hội loại người. Ngay từ thời cổ đại, khoảng 4000-3000 năm trước Công nguyên, tại Ai Cập, Babilon (Irắc) người ta đã mở trường đào tạo tăng lữ; Ấn Độ đã có nền giáo dục tu sĩ Ba-La-Mon.

Còn ở Việt Nam từ rất sớm, cha ông ta đã chú ý đến việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Năm 1070 “Lý Thánh Tông” (1054-1072) cho dựng Văn Miếu và năm sau (1075) nhà Lý cho mở khoa thi Minh Kinh bác học để tuyển chọn nhân tài. Năm 1076 “Quốc Tử Giám” - Một kiểu trường quốc lập đầu tiên ở nước ta được thành lập để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đến đời nhà Trần, năm 1253, vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường. Đây là một trường võ bị cao cấp, chuyên đào tạo các tướng lĩnh không chỉ về mặt kỹ thuật chiến đấu, mà quan trọng hơn, còn là kỹ năng chỉ huy, tham mưu [Trần Thái Bình: Thăng Long đời Trần, Báo điện tử Chính phủ, ngày 14/12/2009]. Như vậy, ông cha ta đã chú ý đến việc đào tạo con người trên cả hai phương diện “văn” lẫn “võ”, cả “đức” và “tài” một cách có hệ thống.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục của dân, do dân, vì dân, được xây dựng trên nguyên tắc: hiện đại, khoa học, và đại chúng. Nền giáo dục ấy đã đào tạo nên những nhân cách đáp ứng yêu cầu cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là trang bị cho thế hệ trẻ có thể lĩnh hội và phát triển những tri thức, kinh nghiệm mà nhân loại đã đúc kết được, phục vụ cho cuộc sống, phục vụ cho sự phát triển đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: đối với thế hệ trẻ cần “chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, lý tưởng, đào tạo đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp...”[1] hay tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ ra rằng: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)"[2].

Qua đây chúng ta thấy rằng, người “Thầy” gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng đó là đào tạo cho xã hội một lớp người “vừa hồng vừa chuyên”. Với chức năng “trồng người”, nghề thầy giáo là nghề mà đối tượng quan hệ trực tiếp là con người, là thế hệ trẻ đang trưởng thành, là một nghề có ý nghĩa xã hội rất thiêng liêng và cao quý, và vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tập thơ Nhật ký trong tù:

“…Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên…”

Nghề thầy giáo được xã hội giao cho trọng trách giáo dục thế hệ trẻ, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cho đời sau như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[3].

Trong giáo dục, người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ mà còn giáo dục học sinh bằng nhân cách của chính mình. Nhân cách của người thầy giáo có ý nghĩa cực kỳ to lớn, nhiều khi có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[4]. Xã hội Việt Nam hiện đang có những biến đổi sâu sắc do nền kinh tế thị trường chi phối. Trong khi đó, nhân cách của chính những người làm giáo dục - những người thầy mà lao động nghề nghiệp tưởng chừng ít liên quan đến thị trường – nhưng cũng đang bị ảnh hưởng theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã đánh thức tính năng động, tính tích cực sáng tạo của người học, vì thế đòi hỏi người làm thầy giáo cũng phải năng động, sáng tạo theo để phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Có thể nói, kiên định trong công cuộc đổi mới, có nhận thức đúng đắn về sự nghiệp giáo dục, sống mẫu mực, có văn hóa, tôn trọng pháp luật, năng động sáng tạo thích nghi với những biến đổi xã hội là những đặc điểm cơ bản của đội ngũ giáo viên với sự nghiệp trồng người.

Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cũng như xu thế biến đổi của xã hội Việt Nam hiện nay, đòi hỏi ngành giáo dục nước nhà nói chung và vai trò của người Thầy nói riêng cùng nhau chuẩn bị hành trang tri thức cho con người vững bước vào thế kỷ 21; điều đó lại càng đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực của người Thầy giáo.

Đối với người Thầy, người giảng viên đang công tác tại Trường Chính trị tỉnh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường giai cấp công nhân kiên định; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng. Đây là yêu cầu hàng đầu của giảng viên chính trị hiện nay. Hơn ai hết đội ngũ giảng viên phải là người nắm vững và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, chống đối của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà bằng cả tri thức truyền đạt và nhân cách gương mẫu trong hành động.

Bên cạnh đó, người giảng viên ở các trường chính trị phải có sự hiểu biết tình hình thực tiễn, ngoài việc đi thực tế ở cơ sở nhằm rút ra những điều bổ ích từ các nguồn tư liệu đó không những có ích cho bài giảng mà còn có ích cho cuộc sống của mỗi giảng viên.

Dù xã hội luôn vận động và phát triển, nhưng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một người Thầy - người đưa đò đúng nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”[5]. Để được tôn vinh, những giảng viên Trường Chính trị tỉnh, nhất là giảng viên trẻ phải luôn luôn học tập, tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối những thế hệ Thầy/Cô đi trước, hoàn thành tốt vai trò thiêng liêng đối với xã hội, nhằm tạo ra những “sản phẩm” tốt, đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế của tỉnh nhà hiện nay./.

            Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG H, 2001

2. Hồ Chí Minh - Tuyển tập, tập II, NXB Sự Thật, Hà Nội- 1980

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H.2001

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H.2021.

5. Trần Thái Bình: Thăng Long đời Trần, Báo điện tử Chính phủ, ngày 14/12/2009


[1] Đảng cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1, tr.126.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H.2021, tr.232-233.

[3]  Hồ Chí Minh - Tuyển tập, tập II, NXB Sự Thật, Hà Nội- 1980, trang 93.

[4] Đảng cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2001, tr.112.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG H, 2001, tr.329-330