Xuất bản thông tin

null Công tác dân vận góp phần thực hiện tốt mô hình hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Công tác dân vận góp phần thực hiện tốt mô hình hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp

Ths. Lê Minh Sơn

Khoa Xây dựng Đảng

      Công tác dân vận là hoạt động nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm dân là gốc, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tinh hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân”. Công tác dân vận của Đảng trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt trong công tác xây dựng nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Đồng Tháp thực hiện đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nổi bật là công tác vận động nhân dân thực hiện mô hình hộ gia đình “chung sức xây dựng nông thôn mới”.

      Trong năm 2021, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan theo dõi việc thực hiện Công văn số 846-CV/TU, ngày 24/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục lãnh đạo việc nhân rộng mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hướng dẫn số 17-HD/BDVTU, ngày 26/6/2019 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ nhân rộng và thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch số 116-KH/BDVTU, ngày 15/10/2019 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ phối hợp phát động phong trào hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2020 - 2025 đối với các huyện, thành phố; tiếp tục duy trì tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả 15 nội dung phiếu đăng ký hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các xã trong toàn Tỉnh thông qua nhiều hình thức đa dạng, thích hợp.

      Để công tác tham mưu cho cấp ủy và việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về công tác xây dựng nông thôn mới thời gian tới đạt chất lượng; duy trì chất lượng hiệu quả của mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Thường trực Huyện uỷ Tháp Mười tổ chức hội nghị chuyên đề về “kinh nghiệm trong công tác dân vận góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” có 70 đại biểu tham dự [1], đây là hội nghị điểm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong công tác vận động người dân tham gia thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, nâng cao về nhận thức và vai trò của công tác dân vận trong tham gia xây dựng nông thôn mới; ban hành Công văn số 192-CV/BDVTU, ngày 18/6/2021 kèm theo các biểu mẫu thống kê số liệu kết quả công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới và mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” để triển khai thực hiện thống nhất giữa các địa phương trong Tỉnh.

      Ban dân vận Tỉnh cũng đã chọn xã Phương Thịnh, Tân Hội Trung huyện Cao Lãnh làm xã điểm hưởng ứng thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ và lồng ghép nâng cao hiệu quả mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Tết Quân - Dân”, qua đó trồng mới 1.546 cây Giáng Hương, góp phần tạo cảnh quan môi trường.

      Đến nay, qua đánh giá sơ bộ của cấp huyện, thành phố về duy trì thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” sau khi triển khai thực hiện 15 tiêu chí, đạt từ 86% trở lên. Kết quả thực hiện từng tiêu chí (trong 15 tiêu chí) của các hộ gia đình trên địa bàn Tỉnh đạt tỷ lệ từ 72% trở lên (tuỳ vào các tiêu chí); phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền bằng băng đĩa và pano đối với 15 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới liên quan đến trách nhiệm của người dân để người dân thông hiểu và tự giác thực hiện (huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành và 01 số xã của huyện Tân Hồng). 

      Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - Tái cơ cấu nông nghiệp Tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham gia đóng góp ý dự thảo kết luận của Tỉnh ủy khóa XI và kế hoạch thực hiện của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới – Tái cơ cấu nông nghiệp Tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; đóng góp Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Tỉnh sau khi được kiện toàn; tham gia ý kiến và biểu quyết đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cao Lãnh đạt tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2021,... Ngoài ra, để tiếp tục có kinh phí hỗ trợ các đơn vị tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả chất lượng mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và các công trình, phần việc hỗ trợ các đơn vị huyện chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã đăng ký vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 với số tiền 937.800.000 đồng.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện mô hình ở một số xã còn hạn chế, tình trạng các phiếu đăng ký thực hiện mô hình ở các hộ gia đình một số địa phương bị hư hỏng nhiều, vì thiếu nguồn kinh phí nên chưa in ấn bổ sung kịp thời; việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện một số tiêu chí còn thấp (đạt khoảng 53%) ở một số địa phương là tiêu chí số 8 (tham gia vào hội quán, hợp tác xã theo điều kiện sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình) và tiêu chí số 13 (tham dự đầy đủ các cuộc họp do xã, ấp, tổ nhân dân tự quản tổ chức).

      Nguyên nhân, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh còn diễn biến rất phức tạp, Tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, nên việc khảo sát kết quả thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc trồng cây xanh, hỗ trợ một số công trình, phần việc đối với một số địa phương dự kiến đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2021 còn chậm và bị động, chưa theo kế hoạch đề ra. 

      Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhân rộng mô hình hộ gia đình “chung tay xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới cần tập trung tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thành một số tiêu chí liên quan đến công tác vận động nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và phát huy vai trò chủ thể của mình cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương chuẩn bị đạt chuẩn huyện nông thôn mới; tiếp tục khai thác và theo dõi việc bảo quản pano tuyên truyền 15 nội dung về thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong tham gia thực hiện; tham gia ý kiến đề nghị công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo thẩm quyền. Cần thực hiện tổng hợp kết quả thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Khảo sát kết quả thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc trồng cây xanh đối với một số xã, huyện để nắm tình hình và hỗ trợ những đơn vị còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Công tác dân vận có vai trò to lớn và quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.  Những kết quả trong công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có sự đóng góp vô cùng quan trọng của công tác dân vận. Thời gian tới, cần tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận, khơi gợi và định hướng mạnh mẽ tinh thần chăm chỉ - tự lực - hợp tác trong nhân dân, nhất là các mô hình tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của công tác dân vận trong vận động nhân dân thực hiện mô hình hộ gia đình “chung sức xây dựng nông thôn mới”, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, góp phần to lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021.

      2. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

      3. Báo cáo số 84-BC/BDVTU ngày 17/9/2021 của Ban dân vận tỉnh ủy Đồng Tháp về kết quả thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua  “Chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tỉnh Đồng Tháp.


      [1] Thành phần cấp Tỉnh đại diện lãnh đạo: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - tái cơ cấu nông nghiệp Tỉnh; đồng chí phụ trách công tác dân vận các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; lãnh đạo Ban, trưởng, phó phòng Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Thành phần cấp huyện đại diện Thường trực Huyện uỷ Tháp Mười; Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban Dân vận các huyện uỷ, thành uỷ; đại diện lãnh đạo: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bí thư đảng uỷ các xã, thị trấn trong huyện (nơi đăng cai).