Xuất bản thông tin

null Quan điểm của Lênin về những người cộng sản và tư cách người cộng sản

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của Lênin về những người cộng sản và tư cách người cộng sản

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

Đầu thế kỷ XX, trong điều kiện nước Nga đế quốc tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào cách mạng ở nước Nga có những thay đổi to lớn, nhất là việc Đảng Dân chủ xã hội Nga (sau này là Đảng Bônsêvích Nga) thành lập, thống nhất lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động đang diễn ra mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền. Đảng Bônsêvích Nga trở thành đảng cầm quyền và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thực tế. Vì vậy, quan điểm của Mác – Ăngghen về đảng viên đảng cộng sản đã được Lênin tiếp thu và bổ sung trong điều kiện mới.

Về những người cộng sản: Lênin chỉ ra sự khác nhau giữa đảng viên đảng cộng sản trong lực lượng giai cấp công nhân. Người khẳng định đảng không phải toàn bộ giai cấp, “đảng phải là đội tiên phong, là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân” [1] Đảng còn khác giai cấp ở trình độ giác ngộ. Lênin viết: “các tổ chức đảng của chúng ta bao gồm những người dân chủ ‐ xã hội chân chính mà càng mạnh mẽ  bao nhiêu, và trong nội bộ đảng càng ít có tình trạng dao động và không kiên  định bao nhiêu, thì  ảnh hưởng của  đảng  đối với những người trong quần chúng công nhân chung quanh đảng và chịu sự lãnh đạo của đảng, sẽ càng rộng rãi, càng nhiều mặt, càng phong phú, càng hiệu quả  bấy nhiêu. Thật vậy, không được lẫn lộn đảng, tức là  đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”[2]. Người cho rằng, lẫn lộn giữa đảng và giai cấp sẽ dẫn đến hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng.

Lênin yêu cầu đảng cộng sản trước hết phải vươn lên trở thành đảng của giai cấp “phải được sự ủng hộ của chính giai cấp”[3]. Đảng phải có tổ chức chặt chẽ và có mối liên bệ mật thiết với quần chúng lao động. Có như vậy, đảng mới đề ra được đường lối đúng đắn và có đủ khả năng hướng dẫn toàn thể nhân dân lao động đạt được mục tiêu. Người cho rằng khi có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ thì sẽ có đảng viên tốt. Đảng viên thông qua đào tạo, qua huấn luyện trong đường lối đúng và tổ chức chặt chẽ sẽ tham gia xây dựng đảng vững mạnh hơn và làm cho đảng lãnh đạo được toàn thể nhân dân hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Trong đó, sau khi giành được chính quyền, đảng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, quản lý đất nước. Lênin khẳng định đây là nhiệm vụ tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn, “một nhiệm vụ khó khăn nhất, vì vấn đề là phải tổ chức theo phương thức mới những cơ sở sâu xa nhất, những cơ sở kinh tế của đời sống của hàng chục và hàng chục triệu con người”[4]. Vì vậy, Người yêu cầu đảng viên “phải tỏ ra là những người thực hiện được một cách xứng đáng nhiệm vụ rất khó khăn (và rất cao cả) ấy của cách mạng xã hội chủ nghĩa”[5]. Lênin yêu cầu đảng viên cần có tư cách sau:

Thứ nhất, đảng viên đảng cộng sản “… trước hết và trên hết phải xem lý luận là kim chỉ nam cho hành động”[6], phải giác ngộ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có lòng trung thành vô hạn với học thuyết của Mác, với sự nghiệp của giai cấp vô sản, sẵn sàng hy sinh kể cả hiến dân tính mạng của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản và của toàn thể nhân dân lao động.

Trong tác phẩm Làm gì?, Lênin nhấn mạnh vai trò của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Chính vì vậy, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của người đảng viên cộng sản là giác ngộ về lý luận cách mạng, phải không ngừng học tập về lý luận và kinh nghiệm, “làm như thế là giáo dục quần chúng và cùng với quần chúng học tập qua kinh nghiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7].

Thứ hai, đảng viên cộng sản của một đảng cầm quyền phải có năng lực nắm vững đường lối, chính sách và năng lực hoàn thành trách nhiệm được giao.

Sau khi trở thành đảng cầm quyền, Lênin yêu cầu: “Chúng ta phải suy nghĩ kỹ rằng muốn quản lý được tốt, thì ngoài cái tài biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến, còn cần phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn”[8]. Người quan tâm đến việc tìm những cán bộ thực sự có tài tổ chức, có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn thông qua quá trình thử thách một cách hết sức nhẫn nại, hết sức thận trọng hàng chục lần bằng cách cho họ đảm nhận từ những nhiệm vụ đơn giản nhất đến những nhiệm vụ khó khăn nhất. Tóm lại, đó là lực lượng phải tiên phong nắm vững đường lối của đảng và có khả năng hiện thực đường lối trên thực tế.

Thứ ba, người đảng viên phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao, bởi vì sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức và sự cứu tinh của họ cũng là ở đó. Lênin khẳng định: Tính tổ chức là sự thống nhất hành động, là sự thống nhất của những hành động thực tiễn. Người đặc biệt chú ý đến việc giáo dục đảng viên khắc phục tính tự do tiểu tư sản, vô kỷ luật, vô tổ chức dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật. Theo Lênin, đảng có kỷ luật nghiêm minh chặt chẽ mới thực hiện được sự lãnh đạo tập trung thống nhất, mới xây dựng được khối đoàn kết trong nội bộ đảng. Lênin coi kỷ luật là một trong những điều kiện căn bản để đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng. Người khẳng định: “Những người Bônsêvích sẽ không giữ được chính quyền, tôi không nói được hai năm rưỡi, mà ngay cả đến hai tháng rưỡi cũng không được nữa, nếu Đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thật sự”[9]

Lênin cho rằng, sức mạnh, ảnh hưởng và uy tín của đảng đối với quần chúng tỷ lệ thuận với ý thức tổ chức kỷ luật của đảng. Do đó, ý thức tổ chức kỷ luật của đảng cần phải phát huy hiệu quả trên thực tế.  Vì vậy, nó không chỉ thể hiện trong cương lĩnh và sách lược mà còn phải  thể hiện ở sự thống nhất chặt chẽ về tổ chức của đảng.

Thứ tư, người cộng sản phải gắn bó với quần chúng và có quan hệ mật thiết với quần chúng. Lênin chỉ rõ: đảng chỉ là một giọt nước trong đại dương nhân dân, vì vậy đảng chỉ có thể lãnh đạo nhân dân đi theo con đường của mình nếu đảng vạch ra con đường đúng đắn. Người chỉ ra 03 điều kiện tạo nên sức mạnh của đảng, giúp đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, trong đó điều kiện thứ hai là: “biết liên hệ, gần gũi và có thế nói là hòa mình tới một mức độ nào đó với quần chúng lao động rộng rãi nhất, trước hết là với quần chúng vô sản, nhưng cũng cả  với quần chúng lao động không phải là vô sản”[10]. Theo Người, đảng muốn gắn bó mật thiết với quần chúng thì không thể thực hiện ngay được mà phải qua qua thực tiễn khi quần chúng nhận thức về tính tiên phong gương mẫu của đảng viên trong công tác thì mới có được.

Để xây dựng người đảng viên với đầy đủ tư cách, Lênin yêu cầu: 1, Đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện xứng đảng với trách nhiệm vẻ vang và nặng nề. Người yêu cầu: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta; 2, Đảng phải có trách nhiệm đối với mọi đảng viên, các tổ chức đảng và thực hiện tốt công tác đảng viên.

Quan điểm của Lênin về đảng viên và tư cách đảng viên đảng cộng sản là cơ sở quan trọng để trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, xây dựng đội ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng ở nước ta./

Tài liệu tham khảo:

1. V.I. Lênin (2005): Toàn tập, tập 7, 8, 31, 41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. V.I. Lênin (2006): Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.


[1] V.I. Lênin (2005): Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 352.

[2] V.I. Lênin (2005): Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 288-289.

[3]V.I. Lênin (2005): Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 293.

[4] V.I. Lênin (2006): Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 210.

[5] V.I. Lênin (2006): Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 210.

[6] V.I. Lênin (2005): Toàn tập, tập 31, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 58.

[7] V.I. Lênin (2006): Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 219.

[8] V.I. Lênin (2006): Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 210.

[9] V.I.Lênin (2005): Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 6.

[10] V.I.Lênin (2005): Toàn tập, tập 41, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 7 -8.