Xuất bản thông tin

null Một số giải pháp thực hiện xây dựng xã nông thôn mới năm 2020 ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Một số giải pháp thực hiện xây dựng xã nông thôn mới năm 2020 ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

ThS. Trần Thị Thu Trang

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương hợp lòng dân nên sớm đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đối với tỉnh Đồng Tháp, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa lớn. Xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm làm thế nào để phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư và giám sát, phản biện xã hội trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Một là, Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội  liên hiệp Phụ nữ… tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động phải kết hợp nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn chặt tuyên truyền với vận động, lấy kết quả vận động để tuyên truyền. Đặc biệt, phát huy vai trò người có uy tín, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, tự ý thức, tự giác, tự nguyện hiến đất, đóng góp trí tuệ, tài lực, công sức, tiền của và cùng chung tay xây dựng nông thôn mới để chương trình sớm đi vào đời sống của người dân. Đồng thời, phải khơi dậy các tiềm năng, sức mạnh nội lực từ dòng họ, người dân địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò của những hộ gia đình có tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác xã kinh doanh giỏi trở thành đầu tàu lôi kéo và động lực thúc đẩy người dân ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Hai là, nâng cao nhận thức của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội  liên hiệp Phụ nữ… để phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới. Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội  liên hiệp Phụ nữ …. phải nhận thức nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị xã cần thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện phương châm “nói phải đi đôi với làm”, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, có trình độ chính trị, chuyên môn cao. Theo đó, đào tạo một cách bài bản, đúng chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng nông thôn mới cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã, Ban phát triển ấp; tổ chức học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở trong và ngoài tỉnh. 

Ba là, đổi mới và chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội  liên hiệp Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc cấp xã là tổ chức quần chúng rộng lớn, đại điện và thực hiện sự ủy quyền của mọi tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc xã, Đoàn Thanh niên, Hội  liên hiệp Phụ nữ cần hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân thực hiện quyền giám sát, giám sát phải được tiến hành thường xuyên liên tục, không né tránh, nể nang, giám sát phải được thực hiện một cách trung thực, khánh quan và đúng luật. Chủ động góp ý hoặc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng.

Giám sát phải chỉ ra được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó. Từ đó, kiến nghị biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nội dung kiến nghị phải cụ thể, thiết thực, phù hợp và có tính khả thi khi thực hiện. 

Bốn là, gắn kết Chương xây dựng nông thôn mới với các phong trào của địa phương trong toàn xã Tân Khánh Trung. Xác định xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của chủ thể nhân dân. Để thực hiện tốt các phong trào: Toàn xã chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới; Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; Đoàn kết phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển thể dục thể thao và chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường,... bằng các mô hình cụ thể, đòi hỏi sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị cấp xã. Cần xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo diện mạo mới trong nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, giảm khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, nhận thức trong lao động sản xuất thay đổi, tích cực lao động, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt chuẩn là một yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp sẽ không ngừng cải tiến cách thức vận động, tuyên truyền, có sự đột phá trong suy nghĩ và cách làm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.