Xuất bản thông tin

null Giá trị của hòa bình trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Giá trị của hòa bình trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Nguyễn Thị Duyên

Cách đây 75 năm, trước hành động tái xâm lược của thực dân Pháp ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021) hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên đồng lòng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện lịch sử này đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã dẫn đến sự thay đổi của dân tộc Việt Nam. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập tự do, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của nước nhà, Đảng Cộng sản Việt Nam từ hoạt động bí mật, không hợp pháp trở thành đảng cầm quyền…Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi mang tính lịch sử, những thuận lợi về mặt tinh thần thì chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và sự chống phá điên cuồng của những tổ chức phản động người Việt đang núp bóng quân đội nước ngoài. Nguy hiểm hơn hết, khi thực dân Pháp – nước đã cai trị Việt Nam hơn 80 năm vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm quay trở lại Đông Dương. Và ngày 23/9/1945 đúng như dự đoán của Đảng ta thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương và mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam và Đông Dương lần thứ hai với hành động nổ súng tấn công Sài Gòn – Gia Định.

Trong hoàn cảnh phải đối đầu cùng lúc với nhiều đối tượng là thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “không nên cùng lúc đánh tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước. Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh”. Vì vậy, Đảng ta và Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã sáng suốt vạch ra đường lối đấu tranh bảo vệ chính quyền và nền tự do độc lập vừa mới giành được.

Ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình của ta, âm mưu của địch và quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Hội nghị đã thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời đáp trả đầy khí phách của dân tộc Việt Nam trước sức mạnh của cường quyền và bạo ngược. Hưởng ứng Lời kêu gọi, nhân dân ta đã đoàn kết chung sức đồng lòng, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bước vào cuộc trường chinh đầy gian khổ nhưng hết sức vinh quang.

Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”

Lời hiệu triệu mạnh mẽ đã thể hiện dân tộc Việt Nam luôn khát khao hòa bình, nhưng đó phải là hòa bình trong độc lập tự do, hòa bình trong nhân phẩm và bình đẳng. Một nền hòa bình như vậy không thể cầu xin mà có được. Hiểu dân và tin dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập của dân tộc – giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam và vì giá trị ấy, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh quyền được sống của mình. Sau này, khi cuộc kháng chiến đã bước sang năm thứ tư, Hồ Chí Minh thêm một lần nữa đanh thép tuyên bố: "Vì quân đội thực dân Pháp xâm lược Việt Nam mà có cuộc chiến tranh này. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hòa bình cộng tác với nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ, quyết không chịu mất nước. Hễ còn một tên lính thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam, thì Việt Nam cứ đánh, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thật sự”.

Khi một dân tộc sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hi sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thì đương nhiên nền độc lập ấy sẽ mãi mãi trường tồn.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt và tổ chức nhân dân ta đấu tranh giành thắng lợi trong những năm kháng chiến lâu dài, gian khổ anh dũng, rực rỡ chiến công. Và năm tháng trôi qua, nhưng các thế hệ người Việt đều tìm thấy trong âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến một trang sử oai hùng của dân tộc cũng như những kinh nghiệm quý báu để xây dựng và bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.6.
  2. Hoàng Chí Bảo, Trần Thị Minh Tuyết, 5 tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội – 2017.
  3. Viện Quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, H.1990.