Xuất bản thông tin

null Một số quy định pháp luật về giải quyết các vấn đề phát sinh từ hậu di cư lao động

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Một số quy định pháp luật về giải quyết các vấn đề phát sinh từ hậu di cư lao động

 

Nguyễn Quang Thành

Chi hội Luật gia Trường Chính trị

          Hòa cùng xu thế hội nhập và phát triển, làn sóng di cư lao động diễn ra ngày càng đa dạng với nhiều chiều hướng khác nhau. Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ước tính trong 02 năm (từ năm 2017 đến năm 2019), số lượng người lao động di cư ra nước ngoài đã tăng khoảng 5 triệu người, từ 164 triệu lên 169 triệu người[1]. Trong tiến trình di cư đó, người lao động đi làm việc tại nước ngoài sau khi trở về có thể tự cải thiện thu nhập và sinh kế, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm lao động trong môi trường lao động quốc tế. Tuy nhiên, việc đối mặt với những chướng ngại từ hậu di cư không phải không có. Điều này đặt ra đòi hỏi cần có những quy định cần thiết nhằm hỗ trợ tốt hơn cho vấn đề hậu di cư lao động tại Việt Nam.

          Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di cư lao động với mục đích tìm kiếm việc làm chủ yếu được điều chỉnh thông qua một số văn bản sau đây:

          1. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006

          2. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

          3. Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

          4. Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020

          5. Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11/7/2007 của Bộ LĐTB&XH và Bộ Tư Pháp hướng dẫn nội dung hợp đồng bảo lãnh và thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

          6. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2007 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

          7. Thông tư liên tịch số 31/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09/9/2009 của Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020”

  Chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động trở về nước được quy định tập trung tại Mục 4, Chương III Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo cho người lao động về nước nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong nước; hướng dẫn, giới thiệu người lao động đăng ký tìm việc làm phù hợp. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận và tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc hoặc đưa đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.

Song song đó, đối với người lao động gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn so với hợp đồng lao động do những nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hoặc từ nguồn hợp pháp khác. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg đã quy định trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nếu như người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật mà không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn thì mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, Nhà nước còn thông qua Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài và cung cấp hỗ trợ pháp lý khác cho những người lao động phải trở về nước vì những trường hợp khẩn cấp, đối với người lao động ở các huyện nghèo từ nước ngoài trở về. Chẳng hạn, quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi và tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài[2].

          Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong vấn đề này, kể từ ngày 01/01/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13/11/2020 chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, văn bản luật mới này có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến chính sách hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về khi hết hạn hợp đồng. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạo việc làm và khởi nghiệp; kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Cơ sở dữ liệu thị trường lao động để người sử dụng lao động, người lao động tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, quy định mới còn khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện nhằm hòa nhập xã hội.

          Có thể thấy rằng, di cư lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh là những vấn đề cần thiết đặt ra trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trong đó, cần chú trọng đến việc giải quyết bài toán an sinh xã hội, đảm bảo quyền của người lao động di cư cũng như tổ chức tốt các hoạt động tư vấn nhằm tạo điều kiện hòa nhập xã hội cho người lao động sau khi trở về nước.

Tài liệu tham khảo

DOLAB & IOM, Returning Vietnamese migrant workers: Policy and Practice, Ha Noi, 2012

IOM, World Migration 2005 - Costs and Benefits of International Migration, France, 2005, p. 13

IOM, “Migration and migrants: A global overview”, in IOM, World Migration Report 2018, IOM: Geneva, 2017, p. 1

Piyasiri Wickramasekara, Effective return and reintegration of migrant workers with special focus on ASEAN Member States, ILO, 2019

Rashid, S.R.; Ashraf, A.A., A framework of services for reintegration and remigration of international labour migrants from Bangladesh (Dhaka, IOM and ILO), 2018

UN General Assembly, Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration, 2018. Available at: https://refugeesmigrants.un.org/sites/default/files/180711_final_draft_0.pdf, truy cập ngày 21/8/2020


[1] ILO, Thông cáo báo chí, https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_808937/lang--vi/index.htm

[2] Mục 3b, Phần III, Điều 1 Quyết định số 71/2009/QĐ-TTG ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.