Tin tức

null Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

           ThS. Nguyễn Văn Hổ

                                                                        Phòng QLĐT và NCKH

          Trong giới hạn bài viết trình bày, trao đổi một số nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ được đề cập đến trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

          Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17 tháng 11 năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng đưa đất nước ta bước vào giai đoạn mới, giai đoạn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, khát vọng phát triển đất nước của toàn thể dân tộc Việt Nam để tiến kịp với xu hướng phát triển của thời đại, “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á”(1).  Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang chứng kiến diễn ra mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), vừa là thời cơ thuận lợi cũng đầy thách thức phát triển đối với tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

          Cách mạng công nghiệp 4.0 với hướng phát triển chính là các ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền công nghệ kỹ thuật số mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), dịch vụ đám mây (Cloud Computing), công nghệ thực tại ảo (virtual reality), máy in 3D, 4D…đưa nhân loại tiếp tục tiến về phía trước, bước vào kỷ nguyên mới trong lịch sử, kỷ nguyên số. Đối với Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia: “Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải cácbon thấp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”(2), trong chiến lược phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cả nền kinh tế quốc gia, để đất nước ta “đi cùng”, “tiến kịp” xu thế phát triển và vươn lên vượt trước các nước tiên tiến trên thế giới.

          Một là, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường

          Xây dựng  nền kinh tế vững mạnh, độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực, hội nhập quốc, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế “tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng”(3). Phát huy nội lực của nền kinh tế là yếu tố quyết định, kết hợp với ngoại lực và sức mạnh thời đại, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nêu cao tinh thần phát triển trí tuệ và tầm vóc doanh nghiệp Việt Nam thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng thương hiệu “Make in Vietnam 2045”(4). Cùng với khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

          Ưu tiên nguồn lực, chính sách phát triển công nghiệp nền tảng, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia tiến kịp, vượt trước các nước tiên tiến trên thế giới. Ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển những ngành công nghiệp nền tảng như: luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số. Kết hợp với việc phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp, vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa…hiện đại hóa nền công nghiệp đất nước, định hướng và dẫn dắt hướng phát triển của nền kinh tế.

          Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vừa góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Đồng thời, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi sâu vào các công nghệ mũi nhọn (AI, IoT, Big Data, 5G,...) trong nền công nghiệp quốc phòng quốc gia “tăng cường liên kết, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, hình thành một số nền tảng đổi mới sáng tạo chung”(5). Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận hữu cơ, không tách rời của nền công nghiệp quốc gia, là động lực để phát triển công nghệ, đồng thời như một trong những “cầu nối” thúc đẩy sự tương tác giữa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quán triệt sâu sắc quan điểm “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chất chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”(6).

          Nâng cao năng lực ngành xây dựng quốc gia, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Năng lực xây dựng thể hiện tầm vóc và trí tuệ của người Việt Nam so với thế giới “Khuyến khích phát triển một số tập đoàn xây dựng quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế”(7). Không ngừng mở rộng quy mô và trình độ kỹ thuật của ngành công nghiệp xây dựng, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay “Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước”(8). Phát triển ngành công nghiệp xây dựng trong xu thế phát triển hiện nay còn công cụ hữu hiệu, giúp cân bằng sự phát triển và duy trì phát triển kinh tế ổn định thông qua các hoạt động của chính sách đầu tư công.

          Hai là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

          Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân. Chính vì vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn yêu cầu: “ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đôi thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản”(9). Quy hoạch lại không gian phát triển của nền nông nghiệp quốc gia, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để thuận tiện trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho những cây trồng, vật nuôi gắn kết chặt chẽ với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình “tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản”(10).

          Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mạnh dạn chuyên canh để có nông sản hàng hóa nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp chế biến, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản, bao gồm cả lâm, thủy, hải sản. Song song đó, cần “nâng cấp, hiện đại hóa và phát triển sàn giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu”(11), thúc đẩy thương mại hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại góp phần tăng tỷ trọng và tốc độ phát triển của công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn.

          Chuyển đổi số nền nông nghiệp quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 “đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn”(12), “thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025”(13), chuyển nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ sản xuất năng suất cao sang sản xuất công nghệ cao, đây là xu thế phá triển và cũng là đòi hỏi cấp bách nền nông nghiệp Việt Nam, là con đường ngắn nhất để đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay để phát triển sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn.

          Ba là, cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo

          Đối với nền kinh tế quốc dân thì ngành dịch vụ có ý nghĩa góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ trong nền kinh tế và đóng góp to lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Kết quả đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng ngành dịch vụ giữ vai trò quyết định đến sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta.

          Trong giai đoạn hiện nay, tất cả các hoạt động của nền kinh tế đều được phân chia thành hai loại lớn là hàng hóa và dịch vụ. Các ngành công nghiệp và nông nghiệp là sản xuất ra hàng hóa hay sản phẩm hữu hình; còn ngành dịch vụ thì sản xuất và cung ứng sản phẩm vô hình đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống xã hội. Chính vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngành dịch vụ cần “Thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số”(14), đây vừa là yêu cầu và là nhiệm vụ đặt ra đối với sứ mệnh phát triển ngành dịch vụ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

          Đồng thời, thúc đẩy phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, kết hợp thương mại truyền thống với thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam. Chú trọng “...phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao như: dịch vụ, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý(15), chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Phát triển ngành dịch vụ quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, không ngừng mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

          Đối với nước ta, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu phải ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ. Kết hợp chặt chẽ với việc “Xây dựng hệ sinh thái đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, y tế và chăm sóc khỏe, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao, thương mại…”(16), lấy con người làm trung tâm, phát triển dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đột phá lớn phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại, để ngành dịch vụ thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

          Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, thể hiện nỗ lực lãnh đạo của Đảng, ý chí và khát vọng phát triển của toàn thể dân tộc Việt Nam. Song, trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và nền kinh tế của đất nước, rất cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là sự nghiệp vẻ vang của toàn Đảng và của cả dân tộc Việt Nam chúng ta, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc “Kỷ nguyên thịnh vượng Việt Nam”.

          Tài liệu tham khảo

          1. Văn kiện Đại hội, đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tập I, tập II).

          2. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          3. Kế hoạch số 13-KH/TW ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thực hiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          *****

          Chú thích: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin