Tin tức

null Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đoàn tàu Không số là biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Trang chủ Bài viết

Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đoàn tàu Không số là biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam

               

                                                                    Mai Quang Khả

Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam và nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, một quyết định chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông, được thành lập ngày 23/10/1961, trong Chiến tranh Việt Nam, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc Việt Nam vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”, một “kỳ tích” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, đã góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Từ cuối năm 1963, đơn vị được bổ sung thêm các phương tiện vận chuyển vỏ sắt với trọng tải 50-100 tấn; kết hợp sử dụng nhiều loại tàu vỏ sắt, vỏ gỗ, trọng tải 20- 100 tấn làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường.

Sau sự kiện tàu C143 bị lộ và tổn thất tại Vũng Rô tháng 2-1965, địch tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, phong tỏa gắt gao và đánh phá ác liệt các tuyến vận tải chi viện của ta. Chúng theo dõi, giám sát, khống chế các tàu của ta trong suốt hành trình khi còn đang ở vùng biển quốc tế, thậm chí từ khi xuất phát ở Hải Nam, Trung Quốc. Nhiều chuyến tàu ra đi phải quay về hoặc gặp địch phải chiến đấu và hy sinh; có chuyến bị địch thu được cả tàu và vũ khí (Tàu C187 chở hàng vào Trà Vinh tháng 6-1966; Tàu C198 chở hàng vào Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 7-1967). Có năm, do địch ngăn chặn đánh phá ác liệt nên 100% chuyến đi không đến được bến giao hàng, một số phải quay lại, một số bị tổn thất, có năm tổn thất tới 50% (1967, 1968) … Song những khó khăn thử thách ác liệt ấy không thể ngăn cản được những chuyến đi của các con tàu và cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số vận tải chi viện chiến trường.

Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và các cấp ủy, chỉ huy của Đoàn tàu Không số đã cùng với cán bộ, chiến sĩ của đoàn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, kiên cường đấu trí với các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kiên trì tìm ra các phương án, tuyến đi mới, cải dạng tàu thuyền, sẵn sàng đương đầu với những thử thách khốc liệt, vô cùng hiểm nguy đang rình rập ở phía trước, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại. Tiêu biểu như các tập thể Tàu 41 (sau là 641 và nay là 671), 42 (sau là 643), C235, C69, C161, C154, C43, C54, C55, C56 và các đồng chí liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (Thuyền trưởng tàu C235), liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Chính trị viên tàu C645), liệt sĩ Lê Văn Một (Thuyền trưởng tàu 41), liệt sĩ Nguyễn Chánh Tâm (Thuyền trưởng Tàu 165), liệt sĩ Đinh Đạt (Thuyền trưởng Tàu C54), Đặng Văn Thanh (Chính trị viên Tàu 41), Nguyễn Đắc Thắng (Thuyền trưởng Tàu C43), Bông Văn Dĩa (Chính trị viên Tàu Phương Đông 1), Huỳnh Văn Sao (máy trưởng Tàu C41)…

Từ năm 1962-1972, Đoàn tàu Không số đã thực hiện gần 170 lần chuyến tàu, thành công 65,06% số chuyến, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Các tàu đã vận tải hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 vận chuyển vào chiến trường; vận chuyển phục vụ chuyển tải bí mật gần 700 tấn hàng hóa vũ khí cho các tàu của Đoàn 371, Quân khu 9 ở trên biển.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 các tàu của Đoàn 125 đã thực hiện 173 lần chuyến, gần 18 nghìn lượt người và gần 9.000 tấn vũ khí, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam và chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về phía địch, theo tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hoà (VNCH), các cấp chính quyền, quân đội, tình báo VNCH đã phát hiện đường Hồ Chí Minh trên biển từ cuối năm 1960, thể hiện qua 4 văn bản: Huấn thị tư mật số 000493/TTM/NCKH/1/M, ngày 24.12.1960 của Tổng tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng, thiết lập một kế hoạch chống xâm nhập của V.C (Việt cộng) bằng đường biển; Lệnh chiến dịch số 14149/TTM/KQ/I/TM, 28.12.1960 của Bộ Tư lệnh khối hành quân; Biên bản phiên họp tại Phủ Tổng thống ngày thứ 6, 8.9.1961 để “Thảo luận về kế hoạch đối phó với âm mưu vượt tuyến bằng đường biển của V.C”; Tin tức xâm nhập đường biển với mục tiêu đầu tiên phát hiện vào ngày 25.10.1961.

Như vậy, sự hình thành con đường vận tải quân sự trên biển của ta đã bị phát hiện từ những ngày đầu dò dẫm tìm đường trước khi thành lập chính thức. Điều này chứng tỏ sự lo lắng và cảnh giác cao độ của chính quyền, quân đội VNCH trước nguy cơ con đường này sẽ có tác động lớn vào cục diện chiến trường ở miền Nam.

Do vị trí chiến lược quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học - công nghệ quân sự để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của ta trên biển. Những con đường, bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Và vượt lên tất cả là chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh.

Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và thành công của công cuộc chi viện chiến trường bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển bằng Đoàn tàu không số nói riêng thực sự là biểu tượng sinh động cho giá trị, phẩm chất và hào khí bất khuất của con người Việt Nam. Đây chính là nhân tố trung tâm, quyết định tạo nên sức mạnh phi thường để nhân dân Việt Nam đương đầu và đánh thắng quân xâm lược Mỹ và bất cứ kể thù xâm lược nào để giành thống nhất cho đất nước, độc lập cho dân tộc Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  • Báo điện tử Thanh niên online, ngày 23/10/2011.
  • Báo điện tử Hải quân Online - https://www.baohaiquanvietnam.vn/, ngày 28/04/2020.
  • Tạp chí Tuyên giáo điện tử tuyengiao.vn, ngày 29/4/2020. 

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin