Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp hợp tác đầu tư để tạo sức bật cho nông nghiệp

Trang chủ Chi tiết bài viết

Đồng Tháp hợp tác đầu tư để tạo sức bật cho nông nghiệp

Được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Đồng Tháp đang trở thành điểm đến của nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

Được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Đồng Tháp đang trở thành điểm đến của nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Tiềm năng phát triển nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nông nghiệp đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với chuỗi giá trị ngành hàng.

Đối với cây lúa, việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và nhân rộng các mô hình trình diễn đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân. Sản lượng lúa của tỉnh luôn đứng trong top đầu cả nước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2019 tăng 12% so với năm 2018, tương đương 1.268 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 29.220 ha trồng cây ăn trái, trong đó, có nhiều vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung…; hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc, đạt chứng nhận VietGAP, cấp mã số vùng trồng. Nhiều loại trái cây đặc sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nổi bật là trái xoài được xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, New Zealand...

Đặc biệt, người nông dân trong tỉnh đã bắt đầu thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”.

Để có được sự thay đổi này, không thể không nhắc đến mô hình Hội quán do ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 85 hội quán, thu hút hơn 4.000 thành viên tham gia, trong đó đa số là nông dân. Nhiều hội quán đã phát triển thành hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác, đầu tư

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng tốc độ phát triển nông nghiệp hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Đồng Tháp.

Do đó, hợp tác, đầu tư với các nước, nhất là các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản, là một trong những chiến lược quan trọng mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Những năm gần đây, Đồng Tháp là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với 14 dự án của nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Trong đó, có 2 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là: Dự án Trạm chứa hàng và tiêu thụ sản phẩm - thành lập Chi nhánh Công ty Ajinomoto Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất bánh gạo tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (huyện Tháp Mười).

Đặc biệt, Đồng Tháp là một trong hai tỉnh của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký thỏa thuận với chính quyền tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Ibaraki đã liên kết, trao đổi các đoàn cán bộ, chuyên viên, chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp tham gia các chương trình nghiên cứu, các khóa huấn luyện kỹ năng và công tác nghiên cứu, trao đổi, đánh giá, giới thiệu nông nghiệp giữa hai bên.

Trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào ngày 18/9/2019 vừa qua, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã gặp gỡ ông Eikei Suzuki, Thống đốc tỉnh Mie, và các công ty, tập đoàn lớn tại Nhật Bản chuyên nghiên cứu, chế biến thực phẩm đóng gói phục vụ bữa ăn trên toàn đất nước Nhật Bản.

Ông Eikei Suzuki đánh giá, chuyến công tác của tỉnh Đồng Tháp mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên trong việc phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, trao đổi mua bán hàng hóa, hợp tác về lao động.

Sau chuyến khảo sát 9 ngày, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Takahashi Nobuto, Chủ tịch Nghiệp đoàn Business Frontier dẫn đầu đã đến Đồng Tháp tìm hiểu để kết nối nhập khẩu một số nông sản chủ lực của tỉnh sang Nhật Bản. Đồng Tháp đã giới thiệu đến các doanh nghiệp các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo và sản phẩm sau gạo, cá tra, trái cây, sen, khoai lang, khoai môn, củ ấu... Với tinh thần cầu thị, tỉnh Đồng Tháp mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn về bao bì, cách bảo quản nông sản để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Mới đây, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND Đồng Tháp để ghi nhận các thông tin về kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm chuyển tải đến các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp.

Trong buổi chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Kawaue Jun-Ichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho hay, sẽ tiếp tục quan tâm, làm cầu nối xúc tiến các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu đầu tư tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác đưa lao động Đồng Tháp đi làm việc tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Dương mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn tại Đồng Tháp trong các lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi đầu tư, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến rau, củ, quả; đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy móc phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Để thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI, ông Nguyễn Văn Dương cho biết, Đồng Tháp đang tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nhất quán chủ trương “Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp”; hỗ trợ tối đa, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.