null Sa Đéc - từ làng hoa đến thành phố hoa

Sa Đéc - từ làng hoa đến thành phố hoa

Mùa xuân, Sa Đéc và hoa từ lâu đã gắn liền với nhau trong tâm thức của bao người. Nép mình bên dòng Sa Giang hiền hoà, Làng hoa Sa Đéc không chỉ nổi tiếng với lịch sử thăng trầm gắn với sự đổi thay của quê hương mà còn được biết đến với sự kế tục, làm rạng danh hoa kiểng của biết bao thế hệ cha ông.

Từ Làng hoa Tân Quy Đông ngày nào đến thành phố hoa Sa Đéc hôm nay, đó là một chặng đường dài, ghi dấu biết bao sự đổi thay và những công lao của các bậc tiền nhân mở nghiệp với nghề trồng hoa kiểng, để góp thêm hương sắc cho đời, sự giàu có cho người và phồn thịnh cho quê hương xứ sở.

Dấu xưa Vườn hồng

Ông Nguyễn Nhất Thống - Chủ tịch Hội Sử học thành phố Sa Đéc cho biết, theo lời kể của các bậc cao niên trong nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc, thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho nghề xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1930. Trong giai đoạn khai mở này, hoa kiểng được trồng với số lượng ít, chỉ đáp ứng nhu cầu nhỏ lẻ, chưa có điều kiện để đi bán ở nhiều nơi.

Bước sang giai đoạn thứ hai, khoảng từ năm 1930 - 1945, giao thương hàng hóa có nhiều thuận lợi, hoa kiểng Sa Đéc có điều kiện phát triển, sánh vai với hoa kiểng xứ Cái Mơn (Bến Tre), Gò Vấp (Sài Gòn) và Đà Lạt (Lâm Đồng) mỗi dịp xuân về. Cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp vận chuyển những giỏ hoa, chậu kiểng đi khắp Nam kỳ lục tỉnh đã làm say lòng biết bao tao nhân mặc khách.

Đến giai đoạn 1945 - 1975, khi đất nước chìm trong chiến tranh, một trong những người kiên trung bám trụ với ruộng hoa vườn kiểng phải kể đến ông Dương Hữu Tài (thường gọi là Tư Tôn). Ông tìm mọi cách để duy trì vườn hoa và sưu tầm những giống hoa mới, đặc biệt là hoa hồng và nổi danh với tên tuổi Vườn hồng Tư Tôn. Nơi đây trở thành vườn ươm những giống hoa hồng mới cho Sa Đéc, khu vực Nam bộ và cả nước. Từ đây, Sa Đéc trở thành xứ sở của các loài hoa vang danh khắp nơi.

Từ sau năm 1975 - 1990, sau ngày thống nhất đất nước, hoa kiểng cũng hòa chung niềm vui, nhưng sau đó kinh tế khó khăn, thiên tai lũ lụt, chiến tranh biên giới xảy ra, đất nước đứng trước nhiều thử thách, lo toan, hoa kiểng bị xem như một thú vui xa xỉ, diện tích bị thu hẹp dần. Những người trồng hoa kiểng giai đoạn này gặp nhiều gian nan để tạo dựng lại làng nghề trong giai đoạn đổi mới.

Từ năm 1990 - 2015, những thế hệ thứ năm của nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh, tiềm năng, ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, ghép cây, chiết cành v.v...

Ảnh lưu niệm bút ký của các du khách trong và ngoài nước tại Vườn hồng Tư Tôn

Để hiểu rõ hơn về lịch sử làng hoa trăm tuổi, theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hội sử học thành phố Sa Đéc, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp tìm về Vườn hồng Tư Tôn ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông - cái nôi của Làng hoa Sa Đéc ngày nay. Bà Dương Thị Mỹ Như - cháu nội của ông Tư Tôn - cho biết, đầu năm 2020, Vườn hồng Tư Tôn ngày xưa đã được gia đình khôi phục lại, để tiếp nối truyền thống trồng hoa từ bao đời nay và là điểm tham quan tìm hiểu về nơi khai sinh hoa hồng Sa Đéc.

Bà Như kể, theo lịch sử ghi chép của gia đình, vào những năm 1949 - 1950, gia đình ông Tư Tôn là tá điền cho một địa chủ họ Hồ. Vốn là người yêu thích hoa hồng, ông chủ họ Hồ đã đem vài giống hồng đẹp lạ từ Pháp về để thưởng thức. Do thấy ông Tư yêu nghề trồng hoa nên ông đã tặng ông Tư những giống hồng này.

Sau thời gian được ông Tư chăm sóc, những giống hồng đầu tiên đã phát triển tốt nên ông Tư nhờ nhập thêm cho ông 100 giống hoa hồng từ Pháp về (100 giống hoa hồng này đều có dán nhãn tên trong catalogue hoa hồng của Pháp thời bây giờ). Trong số 100 cây hoa hồng ban đầu, nghệ nhân Tư Tôn đã giữ gìn, phát triển được 50 giống hồng thích nghi với môi trường, khí hậu Sa Đéc.

Dịp Tết Nguyên Đán năm 1959, các giỏ hồng của ông Tư Tôn có mặt ở Sài Gòn tại các vựa bông đường Nguyễn Trãi, chợ An Đông, bến xe Pétrus Ký. Từ đây, những người sành điệu chơi hoa, quý tộc ở đất Sài Thành ngạc nhiên trước các giống bông hồng đẹp, lạ. Chính vì thế, nhiều người đã lần dò xuất xứ nơi trồng và người trồng, nhiều người đã tìm về tận vườn của ông Tư Tôn để chiêm ngưỡng và mua về. Năm 1960, Vườn hồng Tư Tôn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thời bấy giờ. Nơi đây được xem như một vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cho miền Tây Nam Bộ.

Sau giải phóng năm 1975, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và tâm huyết ông Tư vẫn kiên trì gắn bó với nghề trồng hoa.

Từ 1990 - 2005, là thời hoàng kim của Vườn hồng. Vào dịp lễ Tết, mỗi ngày có từ 2.000 - 3.000 người đến thăm vườn; hàng chục cuốn lưu bút ghi lại cảm nhận của du khách trong và ngoài nước đã từng đến Vườn hồng Tư Tôn, trong đó có nhiều vị lãnh đạo, nhà thơ, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, sinh vật cảnh. Đặc biệt vào năm 1997, cố Tổng thống nước Pháp Jacques Chirac lúc còn là Thị trưởng đã đến đây và ký tên vào sổ lưu niệm.

Sau khi ông Tư mất, trải qua nhiều biến cố cùng với quá trình đô thị hoá nên thương hiệu Vườn hồng Tư Tôn bị mai một và được khôi phục lại từ đầu năm 2020.

Tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng

Vườn hồng Tư Tôn - nơi diễn ra Lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng

Sa Đéc mùa này đẹp nhất trong năm. Mùa xuân này, Sa Đéc càng đẹp hơn khi đánh dấu sự hồi sinh của tên tuổi Vườn hồng Tư Tôn nức tiếng xưa kia, nơi lưu dấu thời hoàng kim của Làng hoa Sa Đéc và một minh chứng lịch sử suốt quá trình phát triển đầy thăng trầm của nghề làm hoa nơi đây. Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn mang đậm không gian hoài niệm cùng nhiều không gian đậm chất hồn quê xen lẫn hiện đại.

Nhân sự kiện Tuần lễ Văn hoá Du lịch Đồng Tháp năm 2021, Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc tổ chức Lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng tại Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn. Ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc cho biết, đây là lần đầu tiên, thành phố tổ chức sự kiện này nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống, tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng lâu đời của thành phố Sa Đéc.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happyland Hùng Thy (phường Tân Quy Đông) phấn khởi chia sẻ, sự kiện này rất ý nghĩa, hướng tới đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn các bậc tiền bối đã có công đối với nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc.

Cùng với việc hỗ trợ chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, địa phương còn tổ chức tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng là việc làm hết sức nhân văn - Chủ Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happyland Hùng Thy nhấn mạnh.

Tri ân những tiền nhân đi trước, những người con của Làng hoa Sa Đéc sẽ phấn đấu hết mình để đưa hoa Sa Đéc đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như nước ngoài và kết hợp với du lịch nông nghiệp làm tăng giá trị của cây hoa, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân xứ mình - ông Hùng nói.

Sa Đéc bốn mùa khoe sắc

Làng hoa Sa Đéc rực rỡ sắc hoa vào dịp Tết

 

Theo ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc, từ khi hoa kiểng được chọn là 01 trong 05 ngành hàng chủ lực phát triển theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, diện mạo Làng hoa Sa Đéc mỗi năm có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Quy mô và giá trị sản xuất hoa kiểng Sa Đéc phát triển vượt bậc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân Sa Đéc. Đến nay, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 680 ha với hơn 2.300 hộ dân trồng hoa và trên 2.000 loài hoa kiểng, trở thành một trong những vựa kiểng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động sản xuất, kinh doanh, chăm sóc hoa kiểng cho khắp cả nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước. Nét độc đáo là có hoa quanh năm nên Sa Đéc lúc nào cũng có du khách đến tham quan. 

Nhiều homestay, điểm du lịch cộng đồng, khu vui chơi được hình thành, trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho du khách khi đến thành phố hoa Sa Đéc như: Homestay Ngôi nhà hoa ếch, Phong Le vent, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden, Vườn hồng Tư Tôn, Neverland de Papillons, Du lịch sinh thái Hồng Hải, Cánh đồng hoa hồng v.v.. Trong thời gian tới, thành phố Sa Đéc tiếp tục vận động người dân phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng nhằm phục vụ du khách tham quan ngày càng tốt hơn - ông Hon nhấn mạnh.

Từ năm 2015 – 2019, các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Sa Đéc thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách đến tham quan (trong đó khách quốc tế gần 170.000 người). Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng khách tham quan du lịch giảm hơn so với năm trước đó.

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc trên diện tích khoảng 510ha. Đây là 01 trong 10 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới được chọn thí điểm của cả nước, hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia.

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn