null Tháp Mười đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Tháp Mười đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tháp Mười đã chú trọng đặc biệt đến cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc sạ lúa bằng tay ở Tháp Mười dần được thay thế bằng máy

Với hơn 70% dân số có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, để nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm, thời gian qua, huyện Tháp Mười triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đó, mở rộng sản xuất, tạo vùng sản xuất ổn định, góp phần tăng năng suất cây trồng, từng bước cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2020 của huyện trên 110.000ha, sản lượng đạt trên 700.000 tấn, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 4.946 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn huyện đa dạng về chủng loại với 503 máy cày, 360 máy xới các loại, 222 máy gặt đập liên hợp, 1.110 máy sạ hàng – phun xịt, 103 trạm bơm điện, 50 máy cấy, 8 thiết bị bay không người lái, 7.700 máy phun phân và 10.608 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ... đáp ứng hầu hết yêu cầu các khâu trước, trong và sau thu hoạch. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp của huyện cũng từng bước được nâng lên.

Theo ông Lê Văn Ngọt – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, việc canh tác theo kiểu truyền thống ở Tháp Mười hiện nay hầu như không còn. Người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, khâu thu hoạch trên lúa chiếm 100%, khâu chăm sóc (phun thuốc bằng máy) tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 95% đối với lúa và trên 85% đối với rau, màu, cây ăn trái; khâu làm đất chiếm khoảng 65% đối với rau, màu và khoảng 50% đối với cây ăn trái. Việc đưa các loại máy móc vào sản xuất góp phần đảm bảo gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân.

Mô hình canh tác lúa lý tưởng, mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến,
tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0

Đặc biệt, để khuyến khích người dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ nguồn vốn Chương trình khuyến nông tỉnh, huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện xây dựng thành công nhiều mô hình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như: mô hình canh tác lúa lý tưởng, mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0, mô hình hệ thống giám sát sâu rầy thông minh tại xã Mỹ Đông, mô hình vườn cây ăn trái ứng dụng cơ giới hóa tại xã Đốc Binh Kiều, mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi heo an toàn sinh học tại xã Tân Kiều... Các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, tạo tiền đề mạnh mẽ để ngành nông nghiệp huyện tăng tốc trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị.

“Cùng với cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch, cơ giới hóa các khâu sản xuất và chế biến nông sản cũng đang được huyện tập trung đẩy mạnh. Huyện đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến. Qua đó, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của huyện đã vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh như: trà hoa sen, hồng sen tửu, sữa sen, hạt sen sấy bơ...”, ông Lê Văn Ngọt – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chia sẻ.

Báo Đồng Tháp

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn