null “Tích tiểu thành đại” - bí quyết giúp nông dân Tháp Mười làm giàu

“Tích tiểu thành đại” - bí quyết giúp nông dân Tháp Mười làm giàu

Thời gian gần đây, đi liền với việc giá lúa đang ở mức cao, giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng bắt đầu tăng mạnh khiến cho không ít nông dân lo lắng. Song trước cơn biến động mới của giá vật tư nông nghiệp, nhiều nông dân trồng lúa ở huyện Tháp Mười đã có giải pháp ứng phó hiệu quả...

Mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa đang được nhân rộng tại huyện Tháp Mười

Giải pháp mới giúp nông dân Tháp Mười tiết giảm được chi phí đáng kể và cũng là phương pháp sản xuất lúa giúp hạn chế phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sau hơn 5 năm có dịp quay lại khu vực ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, khung cảnh làng quê nơi đây có nhiều đổi khác. Thay cho những căn nhà lợp tôn trong ký ức chúng tôi trước đây là cảnh nhiều ngôi nhà cấp 4, những khu nhà biệt thự được xây dựng khang trang, hiện đại.

Chạy trên tuyến đường quanh co nối liền từ trung tâm huyện đến khu vực ấp 1, xã Mỹ Hòa, chúng tôi tìm về Hợp tác xã (HTX) đa dịch vụ nông nghiệp An Phong. Nơi đây nhiều năm trước từng có nhóm nông dân bị xem là “dị biệt” khi áp dụng mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa. Trong mô hình này, nông dân được hướng dẫn áp dụng nhiều phương pháp sản xuất lúa hiện đại như: áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa theo mô hình “1 phải 5 giảm”, sử dụng phương pháp cày vùi phân bón trước khi gieo sạ, ứng dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ...

Đến thăm ruộng lúa của ông Huỳnh Văn Kham ở ấp 1, xã Mỹ Hòa, ông là một trong những nông dân đầu tiên dám thử nghiệm mô hình bón phân vùi trong đất trước khi gieo sạ lúa theo hướng dẫn của GS.TS Võ Tòng Xuân từ năm 2016. Nhìn ruộng lúa non tơ hơn 15 ngày tuổi của ông Kham, chúng tôi thắc mắc sao có thể phân biệt đâu là lúa áp dụng phương pháp bón phân vùi và đâu là lúa trồng theo kỹ thuật bình thường. Ông Kham vui vẻ lý giải: “Nhìn bằng mắt thường thì khó phân biệt đâu là lúa sản xuất bình thường, đâu là lúa áp dụng kỹ thuật bón phân vùi, bởi bề ngoài cây lúa không có gì khác, nếu có khác chăng là bộ rễ của cây lúa mà thôi”. Nói xong, ông Kham nhanh chân lội xuống ruộng nhổ bụi lúa ở ruộng mình và nhổ thêm mấy bụi lúa ruộng bên cạnh không áp dụng kỹ thuật bón phân vùi để đối chiếu.

Ông Kham cho chúng tôi biết, vì trước đó đã bón sẵn một lượng phân DAP và kali trong đất nên khi cây lúa bắt đầu bén rễ, rễ non của cây sẽ vươn mình mạnh mẽ tìm đến những nơi có dinh dưỡng sẵn trong đất để hút dinh dưỡng. Nhờ đó mà bộ rễ cây lúa ngay từ những ngày đầu sẽ phát triển mạnh, giúp cây bám chặt vào đất.

Nhờ có bộ rễ khỏe, thân lúa chắc nên những ruộng lúa trong mô hình áp dụng kỹ thuật bón phân vùi, cây sẽ khỏe hơn và tránh được tình trạng đổ ngã do mưa bão tốt hơn những ruộng lúa ngoài mô hình. “Điểm nổi bật mà nông dân chúng tôi thích áp dụng và duy trì mô hình bón phân vùi của thầy Xuân hướng dẫn là vì từ ngày áp dụng phương pháp này, nền đất ruộng được cải tạo rất nhiều, không còn tình trạng xì phèn làm chết lúa như trước kia, lượng phân bón mỗi mùa cho lúa cũng giảm đi rất nhiều. Đây là khoản lợi nhuận vô hình nhưng rất thiết thực. Nếu sản xuất trên diện tích lớn chính là những khoản lợi nhuận lớn mà nông dân chúng tôi có thể cầm chắc trong tay. Chúng tôi cũng không cần phải quá lo lắng về chuyện giá cả thị trường hay băn khoăn chuyện năng suất cao thấp” - ông Kham hồ hởi.

Bên cạnh việc áp dụng phương pháp bón vùi phân trước khi gieo sạ, khi tham gia mô hình này, nông dân còn được ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn một số phương pháp sản xuất lúa hiện đại như áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm”, áp dụng kỹ thuật tưới lúa ngập, khô xen kẽ... Với việc tích hợp nhiều giải pháp trên đồng ruộng, nhiều năm qua kỹ thuật sản xuất lúa của bà con xã viên ở HTX đa dịch vụ nông nghiệp An Phong, xã Mỹ Hòa có nhiều thay đổi, từng bước giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, từ đó sản phẩm lúa của HTX nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Áp dụng kỹ thuật bón phân vùi đầu vụ giúp bộ rễ của cây lúa phát triển tốt,
từ đó giúp giảm thiểu tỉ lệ đổ ngã

Chia sẻ về những hiệu quả tích cực mà mô hình giảm giá thành mang lại cho nông dân ở địa phương, ông Dương Văn Hải - Giám đốc HTX đa dịch vụ nông nghiệp An Phong chobiết: “Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình sản xuất lúa giảm giá thành, nông dân chúng tôi thường có thói quen sạ lúa rất dày, một công ít nhất trên 18kg giống. Từ ngày được thầy Xuân và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, chúng tôi bắt đầu sạ hàng thưa, một công chỉ còn khoảng 8 - 10 kg giống. Vì sạ thưa cây lúa không phải cạnh tranh dinh dưỡng nhiều nên lượng phân bón cũng giảm hẳn. Cây lúa khỏe, ít sâu bệnh nên số lần phun xịt thuốc sẽ giảm nhiều so với trước đây.

Nhờ mỗi khâu sản xuất đều giảm chi phí nên cuối vụ nông dân có thể tiết kiệm trên 1 triệu đồng/công so với trước đây. Với những hiệu quả thiết thực từ mô hình giảm giá thành mang lại, hiện nay có gần 90% diện tích sản xuất lúa của HTX đều được nông dân ứng dụng mô hình này. Không những được nông dân ở địa phương áp dụng, mô hình giảm giá thành trong đó có kỹ thuật bón phân vùi còn được nông dân nhiều huyện thị, thành trong tỉnh nhân rộng.

Mặc dù, ban đầu nhiều nông dân vẫn còn e dè với tính hiệu quả của mô hình sản xuất lúa giảm giá thành, nhưng sau hơn 5 năm triển khai, mô hình sản xuất này được đông đảo nông dân làm theo và nhân rộng trên khắp địa bàn huyện Tháp Mười. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười, với những hiệu quả thiết thực mô hình giảm giá thành mang lại, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện cũng tuyên truyền khuyến khích nông dân mở rộng quy mô áp dụng mô hình này. Năm 2015 toàn huyện chỉ có 20ha áp dụng mô hình giảm giá thành, đến năm 2020, toàn huyện đã có 15.067ha sản xuất lúa áp dụng mô hình này. Mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa dần dần được người dân tin tưởng áp dụng và xem đây là giải pháp hữu hiệu để tăng lợi nhuận.

Báo Đồng Tháp

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn