null 2 năm thực thi CPTPP: Lợi ích còn khiêm tốn!

2 năm thực thi CPTPP: Lợi ích còn khiêm tốn!

 Là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có thời gian đàm phán lâu nhất và cũng là FTA được đánh giá đỉnh cao hội nhập, thế nhưng sau 2 năm thực thi CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp mới có 1 đơn vị hưởng “trái ngọt” và tập trung chủ yếu ở khu vực FDI… 

Thủy sản là ngành hưởng lợi từ CPTPP

Đó là thông tin đáng chú ý tại báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp” Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.

“Trái ngọt” ban đầu…

Chính thức có hiệu lực từ 14/1/2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang các đối tác CPTPP trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu tăng nhẹ ở mức 0,7%. XK sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (từ 26%-36%). 

Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực. Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa XK Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).

“Tuy nhiên, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP được đánh giá là còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch XK đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch XK đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng XK giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình XK đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này...” - bà Nguyễn Cẩm Trang, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công Thương phân tích.

Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa XK Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Theo bà Trang, đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích XK trực tiếp từ CPTPP của Việt Nam còn hạn chế...

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, XK của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 này đã được cải thiện, đạt 4% trong trung bình, riêng với các thị trường mới là Canada và Mexico là 17%.

Từ góc độ thu hút FDI, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan khi chỉ thu hút khoảng 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Mặc dù có một số lý do kỹ thuật khiến tốc độ tăng trưởng trong thu hút FDI từ CPTPP bị kéo mạnh, trong tổng thể chung đây vẫn là kết quả ít nhiều gây thất vọng, đặc biệt khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này. Năm 2020, tình hình được cải thiện hơn, khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong bối cảnh tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.

Tác động chưa đồng đều

Khảo sát của VCCI cho thấy, có 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về CPTPP, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% DN có hiểu biết nhất định về Hiệp định này. Tuy nhiên, cứ 20 DN mới có 1 DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

“Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho DN trong thời gian tới…” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI lưu ý.

Về các tác động tổng thể, CPTPP nằm trong top 3 FTA được DN tham gia khảo sát đánh giá cao nhất, với 51% DN cho rằng CPTPP có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của DN (chỉ thấp hơn các FTA với Nhật Bản, gần như tương đương với các FTA với Hàn Quốc). 

Theo đại diện Cục XNK, với một FTA mới chỉ có hiệu lực hơn một năm rưỡi, lộ trình thuế quan hầu như chưa có lợi thế so với các FTA đã có, đây là kết quả “lạc quan một cách bất ngờ”. Tuy nhiên, một thực tế bất ngờ khác nhưng không mấy lạc quan cũng được hé lộ từ đánh giá của DN về tác động chung của CPTPP. Trong khi các DN FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51-52% DN của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực) thì khối DN 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% DN nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì – với các FTA khác cũng như vậy). “Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực DN này…” - Đại diện Cục XNK bình luận.

Về các tác động cụ thể của CPTPP, kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 DN thì mới có 1 DN đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này. Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 các DN này cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các FTA. “Điều này cho thấy những hứng khởi của DN đối với quá trình hội nhập. Những ví dụ cụ thể như vậy cho thấy 2 năm sau thực hiện khác với dự đoán trước đó…” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

baophapluat.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn