null Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội”

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội”

Các diễn giả trong phiên thảo luận.

Ngày 26-4, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Sheraton, Hà Nội...

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 có sự tham dự của các đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, đại diện, lãnh đạo của 63 tỉnh thành phố; các đại sứ, đại biện các quốc gia tại Việt Nam; đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn còn có đại diện của các đơn vị đồng chủ trì tổ chức: các ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times.

Đây được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam trải qua 33 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang đứng trước cơ hội đón làn sóng thu hút FDI lần thứ 4.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những thành tựu nổi bật trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua, đồng thời cũng đề cập tới một số hạn chế cần khắc phục và giải pháp của Chính phủ thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước; và số thu nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Như mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: "Những tồn tại, hạn chế này đã được nhận diện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này”. Phó Thủ tướng cũng đề cập đến bốn vấn đề mà Chính phủ sẽ tập trung giải quyết để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nhiều năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành Ngoại giao là hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp. Phát huy mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngoại giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng và toàn diện, ngành ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong trong kết nối các địa phương và doanh nghiệp với các xu thế phát triển lớn của thế giới, cùng quý vị nắm bắt các thời cơ và vận hội để thực hiện khát vọng vươn lên của đất nước. 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, Diễn đàn năm nay với sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp tiêu biểu cho hợp tác đầu tư FDI ở Việt Nam trong những năm qua, sẽ là hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” -0

Đông đảo các doanh nghiệp, địa phương tham dự Diễn đàn. 

Phiên thảo luận Diễn đàn do PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam) và TS Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) điều hành, có sự tham gia của các diễn giả gồm ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy  Hải Dương; ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội; ông Christopher Jeffery, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam; ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; ông John Rockhold, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam.

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” -0

 Trao kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thu hút và thực hiện hiệu quả các nguồn đầu tư FDI.

Phát biểu đề dẫn Phiên thảo luận, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 định hình tương lai của FDI. Làn sóng này không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ đô nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là định hướng rõ ràng trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn tới. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 gây khó khăn nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn được nhà đầu tư FDI đánh giá cao. Mặc dù khu vực FDI thận trọng hơn với thời gian tới do dịch Covid vẫn còn phức tạp nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc nâng cao vị thế của mình, trở thành lựa chọn hàng đầu với doanh nghiệp FDI, đa dạng hoá địa điểm đầu tư ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, tích cực chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và môi trường là điều mà nhiều diễn giả nhấn mạnh tại buổi thảo luận về thu hút vốn FDI.

Ông John Rockhold, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chú ý đến việc Việt Nam đang xem xét phi carbon hóa cùng các dự án hạ tầng lớn. Ông đánh giá, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ cần tới số vốn khoảng 150 tỷ USD. Ông cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam mong muốn hỗ trợ Việt Nam điều nghiên và khảo sát để giải quyết các vấn đề đặt ra. Phi Carbon hóa sẽ cần phải làm nhiều điều nhưng cũng tạo ra cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho Việt Nam.

Chung ý kiến như vậy, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của EuroCham là nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn châu âu cho từng địa phương, cho từng doanh nghiệp. Về vốn đầu tư, vốn từ châu Âu là nguồn vốn có chất lượng, tiên tiến và hướng tới bảo vệ môi trường. Các chỉ số đầu tư tại địa phương và nguồn lực nhân lực cao sẽ là những yếu tố có lợi thế thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. 

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương đồng tình với những ý kiến này và chia sẻ thêm về cách tiếp cận về thu hút FDI tại địa phương mình. Ông cho rằng, cần cách tiếp cận mới theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng. “Chúng ta tiếp cận phù hợp với lợi thế của địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và với điều kiện hạ tầng tốt, nên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn” - ông Phạm Xuân Thăng khẳng định.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về ba yếu tố để Vĩnh Phúc thu hút vốn đầu tư FDI là nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ. “Chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để thu hút FDI như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp để tạo môi trường thu trường thu hút đầu tư; chuẩn bị cả hệ sinh thái công nghệ. Chúng tôi đã ý thức rất rõ vấn đề này, bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, nhằm tạo ra cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư đến”.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, dành quỹ đất sạch, đầu tư về điện, nước, hệ thống cây xanh… cũng là những giải pháp thu hút đầu tư FDI mà nhiều địa phương chia sẻ tại Diễn đàn. 

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” -0

 Trao giải thưởng cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, còn có Gala 20 năm chương trình Rồng Vàng, trao kỷ niệm chương Rồng Vàng của Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vietnam Economic Times tới các địa phương tiêu biểu về thu hút và thực thi FDI và các đại sứ quán, đại diện các quốc gia có dòng vốn đầu tư FDI hiệu quả tại Việt Nam, vinh danh Top 10 Doanh nghiệp FDI phát triển bền vững; Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu 2020. 
 

TUYẾT LOAN. Ảnh: BTC

nhandan.com.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn