null Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp

Hội nghị trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp diễn ra ngày 20/9/2021 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, Hội nghị nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để bảo đảm phục hồi sản xuất nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là vấn đề khó trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn, một nhà máy, có thể bố trí nhiều xưởng ở nhiều tỉnh, nhiều địa bàn. Do đó, việc phối hợp giữa các địa phương, khu vực là rất quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin về tình hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, trên phạm vi cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha trong đó 397 khu công nghiệp đã được thành lập (trong đó có 04 khu chế xuất) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 122,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 82,6 nghìn ha (chiếm 67,2% diện tích đất tự nhiên); số khu công nghiệp đi vào hoạt động là 291 và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên tự nhiên lần lượt là 87,1 nghìn ha và 35,7 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%; nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD (tăng 7,3% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020). Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào NSNN khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng là 8%, 2,9% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020.

Về các kết quả đạt được, Thứ trưởng cho biết, có các phương án kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid - 19 tới hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại các khu khu, cụm này nhìn chung chấp hành quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh .

Nhiều sáng kiến đã được triển khai tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ với Chính phủ, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã thể hiện vai trò là lực lượng quan trọng, chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, có 07 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư; các doanh nghiệp trong các khu, cụm này (kể cả các doanh nghiệp FDI) chủ yếu thuộc các ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra và bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số khu công nghiệp gây khó khăn trong kiểm soát dịch, bệnh; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động); chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ của doanh nghiệp; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị, đại diện Công ty Nidec Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam, đại diện Samsung Thái Nguyên, Công ty hóa chất Hyosung Vina (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Far Eastern (Bình Dương), C.E.O (Kiên Giang)… đã có những đề xuất, kiến nghị và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải và các địa phương giải đáp, làm rõ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, cho ổn định xã hội. Đồng thời khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.

Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể và quyết liệt phòng chống dịch; nhiều nghị quyết, chính sách chỉ đạo các ngành, địa phương vừa tập trung dập dịch, vừa sản xuất kinh doanh đã được ban hành. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30 phân cấp mạnh mẽ cho Chính phủ trong phòng chống dịch và Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác này, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống Nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động "là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần". Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.

Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất. Lãnh đạo các địa phương trên cả nước cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương, tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn. Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=51532&idcm=188

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn