null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2022

Đối thoại Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2022

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ bảy, ngày 17 tháng 9 năm 2022Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự phát kỳ thứ 4 năm 2022 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Công tác tuyển quân; Giáo dục; Phòng chống thiên tai, lụt bão”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thành phố, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố.

- Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

- Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề

Công tác tuyển quân; Giáo dục; Phòng chống thiên tai, lụt bão”

CÂU HỎI 1:

Trong những năm qua, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ có những thuận lợi – khó khăn gì? Đặc biệt là sự chấp hành của công dân như thế nào?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

* Về thuận lợi:

- Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ luôn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc điều hành và triển khai các văn bản kịp thời trong suốt quá trình tổ chức thực hiện.

- Hội đồng NVQS các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn đúng, đủ thành phần theo quy định, luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành từ khâu nắm nguồn, đăng ký nghĩa vụ quân sự, xét duyệt, khám sức khỏe, bình nghị, trao lệnh gọi nhập ngũ, đúng quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và các văn bản quy định.

- Hội đồng NVQS Thành phố và xã, phường phân công các thành viên trong hội đồng trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tuyên truyền giáo dục, chính sách, pháp luật Nhà nước, Luật NVQS năm 2015. Qua đó, đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm cho công dân và gia đình, chấp hành tốt và thực hiện đúng luật NVQS.

- Chính sách hậu phương quân đội luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo thực hiện chu đáo, đạo điều kiện cho gia đình và công dân ổn định cuộc sống, công dân an tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

* Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện:

- Công tác phối hợp tuyên truyền các văn bản, hướng dẫn liên quan đến công tác tuyển quân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được thường xuyên và mang tín thời điểm.

- Công tác phối hợp trong việc quản lý công dân, nhất là công dân thay đổi chổ ở, di chuyển đi, chuyển đến, gây không ít khó khăn trong công tác nắm thực lực xét duyệt nghĩa vụ quân sự của địa phương.  

- Ý thức chấp hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là trách nhiệm và nghĩa vụ của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

- Đời sống còn khó khăn nên một số gia đình và công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ phải đi làm ăn xa, không có ở địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hàng năm.

Kính thưa quý thính giả!

* Trong quy trình tuyển chọn và gọi công quân nhập ngũ, có 03 bước mà gia đình và công dân tham gia và thực hiện cùng, đó là: bước 1 “ Điều tra, phúc tra nắm thực lực công dân sẵn sàng nhập ngũ trong năm”, bước 6 “Bình nghị tuyển chọn công dân nhập ngũ”, và bước 8 “Trao lệnh gọi nhập ngũ”, đã được Hội đồng NVQS Thành phố, xã, phường tổ chức chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, cụ thể rõ ràng, được sự đồng thuận và nhất trí cao của gia đình và công dân, vì vậy trong những năm qua đa số công dân của Thành phố đều chấp hành tốt Luật nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ đủ chỉ tiêu được giao.

CÂU HỎI 2:

Để phục vụ tốt cho năm học mới, Ngành giáo dục & Đào tạo Thành phố đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ gì? Trong năm học mới này, về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị có đảm bảo phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục Thành phố sẽ tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm an toàn trường học, triển khai tất cả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành (Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngành học mầm non, cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở); chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học, chủ động, linh hoạt nhiều biện pháp để ứng phó với dịch Covid-19 và các tình huống bất thường khác để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Về đội ngũ giáo viên, Phòng GDĐT phối hợp với Sở GDĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND Thành phố tổ chức tuyển dụng bổ sung viên chức cho ngành để đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và các hoạt động chuyên môn khác.

Về cơ sở vật chất, để chuẩn bị năm học mới, UBND thành phố rất quan tâm và chỉ đạo phòng GDĐT kiểm tra, rà soát để thực hiện tu sửa trường lớp… Hiện nay, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy của tất cả các đơn vị trường.

Về thiết bị dạy học theo chương trình 2006 thì cơ bản đảm bảo, tuy nhiên thiết bị dạy học theo quy định chương trình GDPT mới thì hiện nay trang biết bị còn thiếu. Đây là khó khăn chung cả ngành giáo dục cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Trước thực tế này, Phòng GDĐT chỉ đạo các trường rà soát, sửa chữa bổ sung những trang thiết bị đã hỏng và khai thác, sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có của trường để giảng dạy trong thời gian chờ đầu tư bổ sung các thiết bị mới.

CÂU HỎI 3:

Thời điểm này đang bước vào mùa mưa lũ, Ngành mình đã có những giải pháp gì, để chủ động trong việc phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân. Bên cạnh đó, ngành mình có xây dựng được mô hình gì, giúp người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập trong mùa lũ.

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ hàng năm gây ra, ngay từ đầu năm ngành chuyên môn tham mưu BCH Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; trước mùa mưa, bão, lũ tham mưu văn bản về chủ động ứng phó với mùa mưa lũ, dông lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm; thường xuyên, cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử Thành phố về tình hình mưa, bão, lũ, ấp thấp nhiệt đới để người dân và các cơ quan, đơn vị chủ động phòng, chống; phối hợp xã, phường cho rà soát, xây dựng, duy tu sữa chữa các công trình xây dựng nội đồng, nạo vét các kênh rạch bị bồi lắng để tạo lưu thông dòng chảy; gia cố các đê bao xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai có thể gây ra.

Để giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập trong mùa lũ. Thành phố đang thực hiện các mô hình sinh kế trong mùa lũ như: MH lúa mùa nổi – cá đồng, MH lúa mùa nổi-tôm càng xanh; nhử cá tự nhiên; mô hình trồng sen, súng,.... Mặc dù, MH mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng khẳng định đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng tốt với mùa lũ và sẽ được các ngành chuyên môn tiếp tục được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Xin chương trình cho tôi hỏi, thu học phí cấp mầm non thực hiện theo Nghị định nào? Và số tiền là bao nhiêu 01 tháng?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc thu học phí cấp mầm non thực hiện theo Nghị quyết số 334 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về quy định mức thu học phí đối với cấp mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Năm học 2022-2023, Tỉnh chưa ban hành văn bản quy định cụ thể mức thu học phí. Tuy nhiên cơ bản cũng tương tương mức học phí năm học 2020-2021 với số tiền thu được quy định như sau:

- Trẻ thuộc địa bàn phường (An Thạnh, An Lộc, An Lạc, An Bình A, An Bình B) thu 70.000 đồng/tháng.

- Trẻ thuộc địa bàn xã (Bình Thạnh, Tân Hội) thu 35.000 đồng/tháng.

Khi nào Tỉnh có văn bản ban hành cụ thể quy định mức thu học phí năm học 2022-2023, các đơn vị trường học sẽ thông tin cho học sinh và phụ huynh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Tôi mới tốt nghiệp Đại học xong và đang làm việc cho cơ quan nhà nước, nhưng chỉ mới ký hợp đồng lao động. Vậy bản thân có phải thi hành nghĩa vụ quân sự không?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ gồm các trường hợp sau:

Trường hợp 1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

1) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe.

2) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận.

3) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

4) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.

5) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong ba năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.

6) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

7) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Trường hợp 2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

1) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

2) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

3) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

4) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân.

5) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

- Theo như anh vừa trình bày thì trường hợp của anh không nằm trong các trường hợp tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ, bởi vì anh đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian bạn đang học đại học. Nếu anh còn trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì anh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật NVQS năm 2015.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Mùa mưa đến thường có hiện tượng sấm sét và đã có trường hợp thương vong do sét gây ra. Xin diễn giả cho biết các khuyến cáo để hạn chế xảy ra thiệt hại?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Giông, sét thường xuất hiện chủ yếu vào thời kỳ chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, giông sét kể cả lốc xoáy thường xuất hiện vào buổi chiều và tối. Phòng chống sét tuyệt đối là điều không thể đối với chúng ta hiện nay. Không chỉ ở nước ta mà ngay cả trên thế giới cũng chỉ có thể nghiên cứu để giảm thiểu tác hại của loại hình thiên tai này. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi tránh sét có thể giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Do đó mỗi người dân cần có biện pháp phòng chống sét để tự bảo vệ chính mình.

Những khuyến cáo nên làm và không nên làm trong phòng, chống sét:

1. Những điều không nên làm trong phòng chống sét:

Khi sấm sét xảy ra cần phải. Một là: Không đứng gần vật cao, gần nước, gần cây, gần xe cộ, gần nhà; Hai là: Không ở tại các nơi cánh đồng trống trải, đứng gần anten, cột cao, những đường dây dẫn điện, đi ra ngoài trời; Ba là: Không sử dụng điện thoại, tắm khi trời có sấm sét.

2. Những điều cần làm trong phòng chống sét đánh.

Nhìn giấu hiệu báo giông như mây đen, gió lạnh,…; Nghe dự báo thời tiết khi có ý điện đi ra ngoài; Khi sấm sét xẩy ra cần hạ thấp vị trí để hai chân chụm, không nằm trên đất; Khi mưa giông xảy ra cần đi vào nhà lớn hay vào xe cộ có mái kim loại (nhớ là không được động tay lên võ kim loại; Biết trước nơi an toàn gấn nhất và thời gian đi đến đó; Rút hết phích cắm của các đồ điện trong gia đình ra khỏi ổ điện.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Hiện tôi đang ở Khóm 2, phường An Thạnh muốn gửi con ở trường Mầm non Hướng Dương, nhưng trường không nhận xin cho tôi biết lý do vì sao?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nhà trường thực hiện theo Thông báo số 606 của UBND phường An Thạnh về việc phân luồng tuyển sinh năm học 2022-2023 trên địa bàn phường An Thạnh, trẻ có hộ khẩu ở Khóm 1, 3, 4, 5 thì đăng ký học tại trường Mầm non Hướng Dương; trẻ có hộ khẩu ở các khóm còn lại của phường An Thạnh thì đăng ký học ở trường Mầm non An Thạnh. Con anh chị thuộc Khóm 2 thì chỉ được đăng ký vào trường Mầm non An Thạnh để đảm bảo phân luồng tuyển sinh theo quy định để cân đối số trẻ/số lớp/trường. Hiện nay, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ của 02 trường như nhau nên chị an tâm đăng ký cho con em mình học trường Mầm non An Thạnh theo phân luồng tuyển sinh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Công dân có những quyền lợi gì khi đi nghĩa vụ quân sự và khi xuất ngũ trở về gia đình?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 có quy định những chế độ, chính sách khi công dân phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân (gọi theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 là : Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân), được quy định như sau:

Trường hợp 1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:

1) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;

2) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng quy định;

3) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng;

4) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;

5 Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;

6 Được ưu đãi về bưu phí;

7) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật;

8) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;

9) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;

10) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;

1l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.

Trường hợp 2. Đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:

1) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;

2) Co đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;

3) Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ:

1 Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;

2) Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc sơ sở giáo dục nghề nghiệp, cở sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;

3) Được trợ cấp tạo việc làm;

4) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;

5) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật;

6) Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

7) Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Thiên tai thất thường, vậy lũ lớn và lũ nhỏ có những thuận lợi và bất lợi gì cho sản xuất nông nghiệp?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo khái niệm về lũ: Lũ phân thành 5 loại: Lũ nhỏ, Lũ lớn; Lũ đặc biệt lớn; Lũ lịch sử. Ví dụ: lũ năm 2000 được phân loại là lịch sử, lũ năm 2011 là lũ đặc biệt lớn, gần đây nhất là năm 2021 với đỉnh lũ 2,87 m phân loại là lũ nhỏ.

Lũ lớn sẽ mang lại phù sa cho đồng ruộng, diệt trừ mầm bệnh, rửa phèn cho đồng ruộng, tăng độ màu mỡ cho đất giúp sản xuất thuận lợi hơn và giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mang lại nhiều nguồn lợi thủy sản (đánh bắt, nuôi trồng...). Đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nhờ nguồn thủy sản dồi dào, triển khai các mô hình sinh kế để đem lại hiệu quả kinh tế như: lúa tôm, lúa cá, nhử cá tự nhiên.. Tuy nhiên lũ lớn có thể gây ngập lụt diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, nhà cửa, mùa vụ sản xuất của bà con; có thể gây ra dịch bệnh do ô nhiễm môi trường sau khi lũ rút.

Ngược lại, lũ nhỏ hoặc mực nước thấp bà con phải tốn rất nhiều chi phí cho việc vệ sinh đồng ruộng, từ khâu làm cỏ cho đến tiêu diệt mầm bệnh, sâu bọ sẽ làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp gia tăng nhiều hơn vì phải gia tăng lượng phân bón, thuốc trừ sâu; nguồn lợi thủy sản giảm sút ảnh hưởng đến sinh kế nhiều hộ dân hành nghề câu lưới.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Con tôi năm nay vừa tròn 17 tuổi theo luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 phải đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Phường có gửi Lệnh gọi đăng ký nhưng con tôi đi làm Công ty ở  thành phố Hồ Chí Minh không về đăng ký được. Vậy trong trường hợp này con tôi có bị xử phạt không?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Tại Nghị định số 37 của Chính phủ quy định như sau:

+ Khoản 2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

c) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;

đ) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

+ Khoản 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này; đăng ký tạm vắng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.”.

- Theo trường hợp của anh Giang vừa trình bày thì con của anh phải thi hành theo Nghị định số 37/2022 của Chính phủ như đã nêu trên.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Thủy sản tự nhiên là nguồn lợi phong phú của bà con trong thời gian lũ về. Tuy nhiên, có một số phương tiện khai thác hủy diệt, làm hư hại ngư cụ đánh bắt của bà con. Xin cho biết ngành chức năng cần có biện pháp gì để ngăn chặn, bảo vệ tài sản của người dân?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trong thời gian qua ngành thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, lắp 25 pano, bản tái tạo nguồn lợi, cấm khai thác thủy sản,..Thành lập đoàn kiểm tra bảo vệ nguồn lợi nguồn thủy, đã ra quân kiểm tra, nhắc nhở nhiều đối tượng khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ đánh bắt thủy sản trái quy định trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra, các đối tượng đánh bắt thủy sản không đúng quy định thường hoạt động trên các sông rạch nhỏ và khu vực nội đồng, thời gian đánh bắt chủ yếu vào chiều tối đến rạng sáng. Lực lượng chức năng ở các xã, phường vẫn còn thiếu các phương tiện để kiểm tra thường xuyên trên địa bàn.

Trong thời gian tới, trọng tâm là từ nay cho đến khi lũ rút:

1. Tiếp tục tuyên truyền liên tục trên các phương tiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức người dân về mức độ tác hại của khai thác bằng công cụ hủy diệt, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái của các loài thủy sản. Phát huy tốt vai trò của từng Chi bộ cơ sở (khóm, ấp) tuyên truyền đến từng hộ dân sống bằng nghề khai thác hiểu biết các quy định pháp luật về khai thác thủy sản, giúp họ nâng cao nhận thức chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp.

2. Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản để kịp thời phát hiện hành vi đánh bắt thủy sản không đúng quy định, xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm theo Nghị định 42 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Đối tượng nào được hỗ trợ chi phí học tập? Hiện nay có một số thông tin từ báo, đài là sẽ miễn học phí cho học sinh cấp THCS, vậy xin hỏi năm học 2022-2023 học sinh THCS có được miễn tiền học phí hay không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đối tượng hỗ trợ chi phí học tập được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021) như sau:

1. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ.

2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật.

3. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá.

Việc thu học phí ở các địa phương do HĐND tỉnh quy định. Trên cơ sở đó, hàng năm Sở GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu. Đến thời điểm này, Sở GDĐT chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu cho năm học 2022-2023. Nên việc học sinh THCS có được miễn tiền học phí hay không còn chờ hướng dẫn của cấp trên. Khi nào Tỉnh có văn bản ban hành cụ thể quy định mức thu học phí năm học 2022-2023, các đơn vị trường học sẽ thông tin cho học sinh và phụ huynh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Các bệnh thường xảy ra ở gia súc, gia cầm, thủy sản trước, trong và sau lũ và biện pháp phòng, trị?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

a) Đối với gia súc, gia cầm:

Trong mùa lũ và sau lũ, một số bệnh thường xuất hiện như: Lỡ mồm lông móng, tiêu chảy, chướng hơi,… thường xảy ra trên gia súc; bệnh tụ huyết trùng thường xuất hiện trên gia cầm.

Vì vậy, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

- Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa lũ. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… Đối với đàn gia cầm, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm. Vịt cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…

- Sau lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

b) Đối với thủy sản:

 Một số bệnh như xuất huyết, gan thận mủ, thối đuôi, phù đầu-phù mắt, lở loét,...thường xuất hiện nhiều nhất trong mùa lũ cũng như sau lũ.

Để hạn chế tình trạng bệnh xảy ra cần thực hiện các biện pháp như sau:

Trước khi lũ về cần bổ sung khoáng, vitamin, remix,...để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi; định kỳ bón vôi, xử lý nước diệt khuẩn.

Khi lũ về, trước khi cấp nước vào ao nuôi cần xử lý lắng lọc trước khi cấp để hạn chế mầm bệnh lây lan trong môi trường nước. Đối với thủy sản nuôi lồng bè, nước chảy mạnh cần neo đậu nơi an toàn, đảm bảo dòng chảy không ảnh hưởng đến thủy sản nuôi; định kỳ bổ sung khoáng, vitamin để tăng cường sức đề kháng; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đáy bè không để rác, bùn bả đeo bám,…gây ô nhiễm nền đáy.

Sau khi lũ rút cần xử lý vôi, diệt khuẩn đối với ao nuôi; nước cấp vào cần xử lý nước kỷ trước khi cấp, vì đây là thời điểm chuẩn bị xạ lúa vụ Đông xuân nên nhiều mùn bả, rơm rạ phân hủy được xả ra môi trường bên ngoài thường mang theo nhiều mầm bệnh nên cần đề phòng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Công dân không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ nghĩa vụ quân sự sẽ xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Biện pháp xử lý thanh niên không chấp hành lệnh khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ nghĩa vụ quân sự như sau:

Trường hợp 1. Xử phạt vi phạm hành chính

- Tại Nghị định số 37 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

- Tại Nghị định số 37/2022 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

- Biện pháp khặc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Trường hợp 2. Xử lý hình sự

Nếu trường hợp công dân đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

 Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Hiện nay tình hình sách giáo khoa, có đảm bảo đủ cho học sinh hay không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Ngay từ tháng 6 năm 2022, Phòng GDĐT có văn bản yêu cầu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn chủ động đăng ký nhu cầu cung ứng SGK cho năm học 2022-2023 đồng thời phối hợp với công ty Sách và Thiết bị Đồng Tháp cung ứng đủ theo số lượng đăng ký của các trường. Do đó, phụ huynh có thể yên tâm.

Để tránh mua phải sách in lậu, sách giả, giáo viên, phụ huynh và học sinh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty sách - Thiết bị trường học Đồng Tháp, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Mùa mưa lũ thường có hiện tượng xói lỡ bờ sông diễn ra mạnh và nguy hiểm. Xin diễn giả khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Thành phố Hồng Ngự có 3 địa phương nằm trong vành đai sạt lỡ: (1) phường An Lạc (thuộc Khóm Sở Thượng, khóm Trà Đư); (2) phường An Bình A (đoạn sạt lở dọc theo sông Tiền thuộc Khóm An Thịnh); (3) xã Tân Hội (đoạn sạt lỡ  dọc theo sông Sở Thượng thuộc ấp Tân Hòa Thuận).

Để phòng, tránh nguy cơ sạt lở tại những khu vực nguy hiểm ngành chuyên môn đề nghị người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Không xây dựng nhà, neo đậu tàu, bè tại vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở.

- Thường xuyên theo dõi đài khí tượng thủy văn để nắm bắt tình hình thời tiết, diễn biến mực nước lũ hàng ngày.

- Thường xuyên kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở; phát hiện kịp thời những nơi dòng chảy bị tắc nghẽn, các dấu hiệu bất thường khác để thông báo cho chính quyền địa phương và người dân xung quanh kịp thời xử lý hoặc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Đối với hộ gia đình khó khăn, học phí có thể đóng với hình thức nhiều lần không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nhà trường tạo mọi điều kiện để phụ huynh đóng học phí cho con em nên phụ huynh có thể đóng học phí bằng nhiều hình thức khác nhau và tùy theo khả năng của mỗi gia đình (đóng hàng tháng, theo từng học kỳ hoặc cả năm đều được).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Đi xuất khẩu lao động thì có được tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự không?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thì đi xuất khẩu lao động không được tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự.

- Tuy nhiên theo công văn số 30 của UBND tỉnh Đồng Tháp tại mục 2 có quy định: Đối với các trường hợp công dân là huấn luyện viên, vận động viên, công dân chuẩn bị đi xuất khẩu lao động xin được xem xét tạm hoãn,;căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự, thì những công dân trên không thuộc đối tượng được miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự. Do đó, phải thực hiện nghiêm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm, bảo đảm đủ chỉ tiêu giao quân, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện, thành phố, căn cứ vào thực lực, số lượng công dân đủ điều kiện nhập ngũ trên địa bàn, nếu bảo đảm giao đủ chỉ tiêu, thì xem xét, tạo điều kiện, tạm thời đưa vào danh sách dự phòng giao quân cho các đơn vị. Nếu chưa đảm bảo đủ chỉ tiêu, thì vẫn tiến hành gọi nhập ngũ và giao quân cho các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Khi bị ảnh hưởng do thiên tai, người dân cần phải liên hệ với cơ quan nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Phan Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Một khi hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai, người dân cần phải khai báo cho chính quyền địa phương biết để huy động lực lượng khắc phục hậu quả, cũng như ghi nhận những thiệt hại do thiên tai gây ra để có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trên địa bàn Thành phố đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố và BCH các xã, phường; thành lập Văn phòng Thường trực BCH Thành phố đặc tại phòng Kinh tế. Khi cần thiết, người dân có thể liên hệ bằng cách gọi trực tiếp VP Thường trực BCH Thành phố số điện thoại: 0277.3563.400 hoặc 02773.837.867

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Trình tự công tác tuyển quân như thế nào?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Phan Văn Long An  - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay Ban CHQS Thành phố đang thực hiện các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo hướng dẫn 2388 của Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, gồm có 10 bước.

- Từng bước được hướng dẫn rất tĩ mĩ các nội dung tiến hành và quy định thời gian thực hiện rất cụ thể:

+ Bước 1: Quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, thời gian thực hiện trong tháng 01 hàng năm.

+ Bước 2: Đăng ký nghĩa vụ quân sự (Đăng ký lần đầu), thời gian thực hiện trong tháng 4 hàng năm.

+ Bước 3: Xét duyệt chính trị, thời gian thực hiện trong tháng 9 hàng năm.

+ Bước 4: Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự, thời gian thực hiện trong tháng 10 hàng năm.

+ Bước 5: Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, thời gian thực hiện trong tháng 11 hàng năm.

+ Bước 6: Bình nghị tuyển chọn công dân nhập ngũ, thời gian thực hiện trong tháng 12 hàng năm.

+ Bước 7: Xét duyệt tuyển chọn công dân nhập ngũ, thời gian thực hiện trong tháng 12 hàng năm.

+ Bước 8: Trao lệnh gọi nhập ngũ, thời gian thực hiện trong tháng 01 năm sau.

+ Bước 9: Tổ chức hội trại tồng quân và lễ giao nhận quân, thời gian thực hiện trong tháng 02 và tháng 3 năm sau.

+ Bước 10: Kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm, thời gian thực hiện cấp xã, phường vào tháng 9, cấp Thành phố tháng 10 năm sau.

- Như vậy, thời gian thực hiện từ bước 1 đến bước cuối cùng là hơn 01 năm.

-- HẾT –

-----------------------------

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362