null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 3 năm 2020

Chi tiết bài viết Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 3 năm 2020

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thị xã, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ 7, ngày 08 tháng 8 năm 2020Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự phát kỳ thứ 3 năm 2020 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Xây dựng đời sống văn hóa - Vệ sinh môi trường - An toàn lao động”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thị xã, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hồng Ngự.

- Bà Trương Thị Bé Sáu – Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Hồng Ngự.

- Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hồng Ngự.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề “Xây dựng đời sống văn hóa - Vệ sinh môi trường - An toàn lao động”

CÂU HỎI:

Xin cho biết những gia đình như thế nào thì mới đạt danh hiệu tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”? Khi được công nhận như thế thì cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm và quyền lợi như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia  đình  văn  hóa”;  “Thôn  văn  hóa”,  “Làng  văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phòng văn hóa”; Quyết  định số  548/QĐ-UBND.HC  ngày  12/6/2019  của  Uỷ  ban  nhân  dân Tỉnh và Quyết định số 20/QĐ-UBND.HC của UBND thị xã Hồng Ngự, ban hành Quy định Tiêu chuẩn và trình tự đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thị xã Hồng Ngự. Các hộ gia đình đạt 03 tiêu chuẩn sau thì sẽ được công nhận là Gia đình văn hóa, Gồm:

 Tiêu chuẩn 1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú.

Tiêu chuẩn 2. Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

Tiêu chuẩn 3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

- Về trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân và hộ gia đình. Khi được công nhận là “Gia đình văn hóa”  thì mỗi cá nhân trong một gia đình không ngừng phát huy hơn nữa kết quả đạt được như: Gương mẫu trong đời sống xã hội, vận động mọi người xung quanh sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, bài trừ những hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng; hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội, làm những việc trong khả năng của mình để giúp ích cho gia đình, cộng đồng xung quanh. Ngoài ra, khi được công nhận GĐVH thì mỗi thành viên trong gia đình có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong mọi hoạt động, thay đổi tư duy và nhận thức để sống tốt hơn và có ích hơn, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, bản sắc văn hóa của làng xóm.

Về quyền lợi, trước tiên là bản thân chúng ta và các thành viên cũng như người thân trong gia đình được sống trong một môi trường xã hội lành mạnh, ANTT ổn địnhvà phát triển, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội nào cũng được tạo nên từ tập hợp nhiều gia đình mà trong đó là các cá nhân. Xây dựng GĐVH với nếp sống lành mạnh sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn, kinh tế địa phương không ngừng phát triển, thu nhập người dân từng bước được nâng lên, tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất được phát huy; thừa hưởng các công trình phúc lợi XH, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững ổn định.

CÂU HỎI:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì để bảo đảm an toàn cho người lao động tại nơi làm việc?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc như sau:

Theo Điều 16 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng; Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy; Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.

CÂU HỎI:

Thuốc bảo vệ thực vật có tác động như thế nào đến môi trường và sức khỏe con người? Vậy thì ngành chuyên môn mình hãy cho biết một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo về thức vật?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc như sau:

Qua tham khảo ý kiến chuyên môn của phòng Kinh tế, nội dung như sau:

Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hại của những sinh vật gây hại như: côn trùng, nhện, tuyến trùng, chuột, chim, thú rừng, nấm, vi khuẩn, rong rêu, cỏ dại… thuốc không chỉ tiêu diệt dịch hại mà còn gây tác hại cho người, sinh vật có ích và môi trường sống.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng hoặc danh mục hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.

Nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc bị cấm sử dụng ở Việt Nam; các loại thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng; ngoài danh mục hạn chế sử dụng, các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; các loại thuốc có nhãn chỉ ghi bằng tiếng nước ngoài.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và phải tuân thủ thời gian cách ly đã được ghi trên nhãn của từng loại thuốc.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Tôi xem trên báo đài thấy ở một số địa phương còn xảy ra tai nạn lao động làm nhiều người chết và bị thương. Để chủ động phòng ngừa những vụ tai nạn tương tự xảy ra. Vậy những Công ty doanh nghiệp nào phải tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Điều 133 Bộ luật Lao động nằm 2012 Quy định về Tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động: Mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Việc xây dựng đời sống văn hóa theo tôi biết thì có rất nhiều tiêu chí, trong đó có việc tổ chức đám tiệc, nhiều nhà có tổ chức tiệc tang, tiệc cưới không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam, vậy thì ngành chuyên môn có thể can thiệp xử lý các vụ, việc này như thế nào không?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

"Thuần phong mỹ tục" là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa khái quát: phong tục, tập quán, lối sống văn minh, tốt đẹp, lành mạnh, trong đó bao gồm hai khái niệm tương đồng là Thuần phong (phong tục thuần hậu, chất phác) và Mỹ tục (tục lệ tốt đẹp); đó là những thói quen tốt đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.

Có thể thấy giữ gìn và phát huy giá trị tTuần phong mỹ tục là điều hoàn toàn đúng đắn. Chỉ thị 27-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội,...

Hay Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có những qui định về những chuẩn mực cụ thể. Qua đó Việc cưới tại nhiều gia đình, địa phương được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp. Đã hình thành một số mô hình tổ chức cưới mới tiết kiệm, lịch sự, văn minh, ứng xử nhân văn…Đối với Việc tang đã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu; hạn chế việc tổ chức linh đình, ồn ào, không bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự công cộng; nhiều địa phương sử dụng vòng hoa luân chuyển, câu lạc bộ trợ táng; an táng phù hợp với điều kiện địa phương, theo hướng văn minh, gắn với quy hoạch nghĩa địa nhân dân; khuyến khích thực hiện hỏa táng; sử dụng âm thanh theo thời gian và âm lượng không ảnh hưởng đến người xung quanh…

Về góc độ chuyên môn của Ngành văn hóa, chúng tôi cho rằng: Đây là một quy định rất đúng đắn, đang áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đi đến đâu lại tùy thuộc vào ý thức người dân. Như chúng ta đã biết, việc ma chay, cưới hỏi, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Ai cũng nghĩ rằng, cả đời chỉ có một lần nên phải tổ chức thật “hoành tráng” để thể hiện “đẳng cấp” gia đình. Nhiều người biết phạt nhưng cứ làm. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, những biện pháp chế tài của pháp luật, cần có những tác động từ dư luận xã hội mới có thể đạt kết quả mong muốn.

Tinh thần chính của quy định trên là vận động, tuyên truyền, nghiêng về khuyến khích, chứ không đến mức cấm đoán. Còn những hoạt động quá nặng về mê tín dị đoan ảnh hưởng xấu trực tiếp đến cuộc sống người dân thì nên cấm hẳn. Các địa phương vẫn có thể thực hiện một cách linh động dựa trên điều kiện cụ thể từng vùng cũng như phù hợp với tập quán tốt đẹp của mỗi địa phương.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Hiện nay có một số hộ dân nuôi cá trê trên ao hầm (nhỏ lẽ) gây mùi hôi thối một số hộ dân sống xung quanh, vậy ngành chức năng có biện pháp xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trên địa bàn Thị xã có nhiều hộ nuôi cá tự phát (cá tra, cá lóc, cá trê, …) với quy mô nhỏ lẽ. Do diện tích nhỏ và tự phát nên hầu hết các hộ nuôi không có biện pháp xử lý nước thải, bùn thải. Hoạt động này vi phạm về quy định chăn nuôi và quy định bảo vệ môi trường. Hiện nay, có một số quy định xử phạt vi phạm như sau:

- Nghị định số 42 ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hành vi không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật theo quy định. Mức xử phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

- Nghị định số 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường. Tùy theo lưu lượng và mức độ vi phạm mà mức xử phạt từ Phạt cảnh cáo đến mức phạt tối đa là 100.000.000 đồng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Hiện nay trên địa bàn Thị xã Hồng Ngự có vài trường hợp, khi xây dựng dùng máy phun bê tông để đổ tấm trần nhà, người lao động làm công việc này rất nguy hiểm. Xin chương trình tư vấn cho tôi làm cách nào để được an toàn trong sử dụng máy phun bê tông?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Khi người lao động sử dụng máy phun bê tông thì các yếu tố nguy hiểm như ngã cao, vòi phun văng, dập vào người hay bê tông áp lực cao văng bắn; sập đổ vùi lấp. Vì vậy để an toàn khi phun bê tông anh phải kiểm tra trạng thái phần nối của ống phun bê tông; Sử dụng thắt lưng an toàn khi ráp ống đứng; Khi lắp đường ông bơm, kiểm tra xung quanh, thắt dây an toàn trước khi làm việc sau đó thống nhất tín hiệu giữa người điều khiển máy và người đứng đầu ống bơm và chỉ có lái xe mới được điều khiển tay chỉnh bơm.

Khi phun bê tông, phải làm giảm áp suất chập bằng cách mở miệng để xả bê tông một cách từ từ. Phải chú ý đến hiện tượng kẹt ở phần ống bị cuốn cong khi phun, không để phần đầu ống bơm văng qua lại. Công nhân điều khiển máy phun vừa phải có ủng, găng tay, kính bảo hộ lao động. Khi phun bê tông ở các gốc, mép công trình phải mang dây an toàn và móc vào kết cấu chắc chắn.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Thực trạng ở địa phương một số công trình xây dựng nhà 2 tầng trở lên mà không che chắn gì cả, thấy nguy hiểm cho công nhân và người dân qua lại? Vậy trong trường hợp này, nếu đơn vị thi công vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Và lỡ nếu gây ra tay nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không??

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Luật ATVSLĐ năm 2016 quy định: Người nào vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Vậy trường hợp trên là đơn vị thi công vi phạm về ATVSLĐ nên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo tính chất vụ việc vi phạm mà cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Tôi là người dân sống ở tuyến dân cư kênh Cả Chanh, xã Tân Hội. Bên sông là khu nhà máy xay xát thường xuyên bơm trấu thải bụi khói bay sang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân.Vậy nhà nước có biện pháp gì để xử lý các nhà máy không?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân xã Tân Hội thực hiện nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu các cơ sở xay xát lúa gạo ở phía bờ Bắc kênh Cả Chanh. Qua đó, các cơ sở có thực hiện một số biện pháp khắc phục như: Che chắn băng tải, gắn thêm cyclon hút bụi, … và gắn ống phun nước vào ống hút bơm trấu để giảm bụi khi xuống trấu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có trường hợp do sợ làm ẩm trấu nên một số chủ ghe đã rút ống nước ra khỏi ống bơm trấu làm phát tán nhiều bụi gây phản ánh của người dân. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Ủy ban nhân dân xã làm việc trực tiếp với từng chủ cơ sở, yêu cầu phải giám sát thường xuyên việc bơm trấu xuống ghe, không để chủ ghe rút ống nước gây bụi ảnh hưởng đến người dân phía bờ Nam tuyến kênh Cả Chanh. Đồng thời Ủy ban nhân dân Thị xã đã ban hành Công văn số 420 ngày 10/4/2018 chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các cơsở xay xát, sấy lúa trên địa bàn.

Tiếp thu ý kiến trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp, đề nghịỦy ban nhân dân xã Tân Hội tăng cường giám sát hoạt động bơm trấu của các nhà máy xay xát lúa gạo để kịp thời xử lý và yêu cầu khắc phục không để ảnh hưởng đến người dân phía bờ Nam tuyến kênh Cả Chanh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Trước khi hỏi, tôi xin được phép giấu tên người liên quan nội dung này. Theo đó, thì gia đình ông A cư ngụ tại phường An Thạnh, được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm liền, từ năm 2019 đến nay, ông có đứa cháu ngoại 17 tuổi (do cha mẹ ly hôn nên về sống chung cùng gia đình ông) thường xuyên vi phạm pháp luật hiện tại đưa vào viện quản lý giáo dục tại nơi cư trú, như vậy năm 2020 gia đình ông A có được công nhận gia đình văn hóa không?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Gia đình văn hóa là một tiêu chí, một chuẩn mực được áp dụng để đánh giá, công nhận GĐVH và khuyến khích các gia đình đạt các tiêu chuẩn này. Những gia đình được chính quyền cấp xã công nhận là đã đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng nhận hoặc giấy khen Gia đình văn hóa. 

Theo đó hộ gia đình có thành viên là cháu ngoại “thường xuyên vi phạm pháp luật hiện tại đưa vào viện quản lý giáo dục tại nơi cư trú...” từ năm 2019 cho đến nay (tháng 7/2020). Như vậy đối chiếu với Quy định Tiêu chuẩn và trình tự đánh giá, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ban hành kèm theo Quyết định số 548/QĐ-UBND.HC ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thì hộ gia đình đó đã vi phạm : Những trường hợp không xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, cụ thể tại Mục II, khoản 3 đã nêu:

- Hộ gia đình có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1.000.000đ (Một triệu đồng) trở lên; có người gây thương tích cho người khác đã bị xử lý theo pháp luật.

Như vậy hộ gia đình nêu trên sẽ không được xét công nhận gia đình văn hóa năm 2020.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Hàng ngày tôi làm khuân vác phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho Cty phải làm việc với băng chuyền. Vậy có cách nào hướng dẫn giúp tôi được an toàn khi làm việc với băng chuyền?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để an toàn khi làm việc với băng chuyền trước khi vận hành máy, anh phải kiểm tra sự đầy đủ, chắc chắn của máy và các thiết bị bảo vệ an toàn ví dụ như thiết bị che chắn an toàn  ở các trục quay, bộ phận truyền động, hệ thống nối đất, nối không và các thiết bị an toàn điện., phải lắp đặt cơ cấu ngừng khẩn cấp dọc theo băng chuyền, kiểm tra chất lượng hệ thống rót tải, lưới ngăn hoặc bộ phận che chắn băng chuyền đề phòng hàng bị rơi.

Sử dụng trang phục gọn gàng, mủ bao tóc, tránh bị máy cuốn, không được tự ý chỉnh tốc độ tải, chất hàng nghiên một bên hay nhảy, chui, trèo qua băng chuyền. Thường xuyên quét dọn, sắp xếp khu vực làm việc. Khi sửa chữa bảo trì máy phải cắt điện khóa cơ cấu điều khiển máy và treo biển “Cấm đóng điện, đang sửa chữa” để để phòng người khác điều khiển. Đặc biệt là người vận hành máy phải được tập huấn về chuyên môn kỷ thuật, an toàn vệ sinh lao động sát hạch đạt yêu cầu mới vận hành máy xin chia sẻ cùng anh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Hiện nay, trong các đám tiệc có một số người hát những bài hát sửa lời, rất khó nghe, như vậy có vi phạm gì không, nếu vi phạm thì cơ quan nào xử lý?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc sửa lời bài hát là vi phạm luật Sở hữu trí tuệ 2005; Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và khoản 2, Điều 13 Nghị định 158/2013 đối với hành vi tự ý thêm, bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép biểu diễn. Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật.

b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Công an các cấp; Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch và thanh tra chuyên ngành khác.

Ngoài ra, việc sữa lời bài hát để xuyên tạc chế độ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm và gây ảnh hưởng xấu đến tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xúc phạm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, nhà nước…Là những hành vi bị cấm theo qui định của Luật quảng cáo 2012. Tùy theo mức độ, hành vi vi phạm để xử lý, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Có một số phương tiện chở heo, bò không có che chắn lưu thông qua nội ô Thị xã gây ảnh hưởng đến người đi đường vậy những trường hợp này bị xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Nghị định số 155 ngày18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

- Hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thôngbị xử phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

- Hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trườngbị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Nếu như người lao động bị tai nạn khi làm nhiệm vụ tại công trình thì người lao động có được hưởng quyền lợi gì hay không?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nếu người lao động bị tai nạn lao động khi làm nhiệm vụ tại công trình thì người lao động được hưởng các quyền lợi như sau:

Theo điều 145 của Bộ Luật lao động quy định:

1.Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật BHXH.

2.Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền lương tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật BHXH.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3.Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lổi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức:

- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

-Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khà năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lổi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Tôi là người rất đam mê loại hình đờn ca tài tử, nhà tôi ở xã An Bình B, vậy cho tôi hỏi là địa phương mình có CLB nào liên quan loại hình này để tôi được tham gia hay không?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam.

Hiện nay, trên toàn địa bàn thị xã Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp đều có thành lập và hình thành các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, nằm rải rác ở các xã phường do UBND địa phương quản lý, nếu chị yêu thích và muốn tham gia thì liên hệ Ban Chủ nhiệm CLB hoặc Công chức Văn hóa – xã hội nơi chị cư ngụ để được hướng dẫn tham gia sinh hoạt, giao lưu.

Ngoài ra cũng xin thông tin thêm với chị là : Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh hàng năm đều tổ chức Chương trình Giao lưu văn nghệ Đờn ca tài tử với nhiều chủ đề, mỗi lần thu hút trên 30 nghệ nhân đến từ các Câu lạc bộ đờn ca tài tử của các huyện, thị lân cận và đông đảo người dân đến xem. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử của quê hương Hồng Ngự, tạo điều kiện cho những người đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Hiện nay các loại hình loa kẹo kéo, loa karaoke di động vi phạm về tiếng ồn có bị xử lý gì không? Trước nay đã có xử lý hay chưa?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay, các loại hình hoạt động nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn phát triển đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó cũng gây không ít bức xúc trong cuộc sống người dân trên từng địa bàn dân cư, như các tổ chức, cá nhân cho âm thanh di động đến phuc vụ đám, tiệc sử dụng âm thanh quá lớn, hoạt động bất kể giờ giấc... hoặc hoạt động quảng cáo, rao bán hàng bằng loa có công suất lớn gây tiếng ồn, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, ngoài các văn bản pháp luật qui định của Trung ương, của Tỉnh, UBND Thị xã đã ban hành Công văn số 163/UBND.VX ngày 31 tháng 01 năm 2019 về việc quản lý các loại hình văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí có thưởng trên địa bàn Thị xã và giao trách nhiệm cho thủ trưởng các  ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thị xã, các tổ chức đoàn thể…tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và nơi công cộng.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường, quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm; điều chỉnh, bổ sung đưa vào quy ước khóm, ấp để làm căn cứ bình xét GĐVH cuối năm để người dân thực hiện và cảnh báo những loại hình văn hóa độc hại, phản văn hóa để phòng ngừa.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Xin cho biết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn vệ sinh lao động và Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại

Việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo nguyên tắc sau đây:

a) Giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể;

b) Bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm;

c) Thực hiện trong ca, ngày làm việc, trừ trường hợp đặc biệt do tổ chức lao động không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ.

NgườMức bồi dưỡng:

a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

- Mức 1: 10.000 đồng;

- Mức 2: 15.000 đồng;

- Mức 3: 20.000 đồng;

- Mức 4: 25.000 đồng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Hiện dọc theo các tuyến kênh trên địa bàn xã diễn ra các hộ dân dùng phương tiện cào ốc, hến làm ô nhiễm môi trường nước trên các kênh, cac trường hợp này có bị xử lý hay không?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc sử dụng phương tiện ghe đặt máy nổ cào ốc, hến trên các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung, và thị xã Hồng ngự nói riêng bị cấm theo Quyết định số 55 ngày 11/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ban hành qui định việc quản lý các hoạt động khai thác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.

Hành vi vi phạm sử dụng ngư cụ cấm này (cào hến) để khai thác thủy sản, bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng; tịch thu bộ ngư cụ cào hến. Được điều chỉnh tại khoản 5, Điều 27, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, Qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Tôi muốn phân loại rác sinh hoạt tại nhà, cho Tôi hỏi rác sinh hoạt phân ra làm mấy loại, loại rác nào để chung với loại rác nào được?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc phân loại rác thải tại nguồn có thể thực hiện như sau:

- Rác hữu cơ: Gồm các loại rác thải có khả năng tự phân hủy trong môi trường tự nhiên sau một thời gian ngắn, như: Lá cây, rau quả, vỏ trái cây, xác động vật, phân động vật, thức ăn thừa...

- Rác thải vô cơ: Gồm các loại rác thải có khả năng tồn lưu trong môi trường tự nhiên rất lâu, như: Vải vụn, chai nhựa, túi nilon, bóng đèn, lốp xe, giấy kẹo, giày da, hộp xốp, kính bể, sắt vụn, .... Loại rác này gồm 2 loại:

+ Rác tái chế: Là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp, chế biến lại, hoặc bán phế liệu như: Giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy hư,...), các loại nhựa,...

+ Rác không tái chế: Là phần thải bỏ.

Nếu có đất vườn, người dân có thể ủ, chôn lấp rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Cty tôi làm việc sử dụng rất nhiều vật dụng bằng điện, văn mắc bề bộn, nguy cơ cháy nổ rất cao, để an toàn tôi phải làm gì??

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Cty chị làm việc sử dụng rất nhiều vật dụng bằng điện, văn mắc bề bộn, nguy cơ cháy nổ rất cao, để an toàn chị phải làm những việc như sau:

1.Đề phòng hỏa hoạn:

- Tránh chạm chập điện, ma sát điện, tránh nguồn lửa; Có đường thoát hiểm thông thoán, không có chướng ngại vật; Có dụng cụ cứu hỏa như bình chữa cháy, bao cát..

2. Đề phòng điện giật:

- Việc sửa chữa và bảo dưỡng máy chỉ được thực hiện khi máy móc đã ngừng hoạt động và đã được tách ra khỏi nguồn điện. Chìa khóa mở máy phải do người sử dụng máy giữ.

- Cần tuân thủ các quy định sau:

Dây điện phải được bọc kín, không nên tiếp xúc với dây điện khi không cần thiết. Mạng điện phải có cầu chì bảo vệ; Các dụng cụ, thiết bị điện cầm tay phải nối dây đất; Thiết bị ngắt điện để nơi dễ thấy, dễ sử dụng

- Khi sự cố xãy ra phải cấp cứu người bị điện giật.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 18:

Vào năm 2019 gần nhà tôi có 01 gia đình đã vi phạm chính sách KHHGĐ (sinh con thứ 3) Ban vận động ấp xét không đạt tiêu chuẩn gia đình vắn hóa năm 2019. Như vậy cách tính được coi như là thời hiệu để xét đối với hộ gia đình vào các năm nào tiếp theo?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Tại khoản 3, mục II Quy định Ban hành kèm theo Quyết định số 548/QĐ-UBND.HC ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Những trường hợp không xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”:

1. Hộ gia đình có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1.000.000đ (Một triệu đồng) trở lên; có người gây thương tích cho người khác đã bị xử lý theo pháp luật.

2. Không chấp hành nghĩa vụ thuế, phí, nghĩa vụ quân sự tại địa phương (tính đến thời điểm bình xét).

3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

4. Hộ thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột và vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (có sự can thiệp của các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm, CLB hoặc cơ quan chức năng).

5. Hộ có người tham gia vào các tệ nạn xã hội (buôn bán ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc...) có biên bản xử lý của cơ quan chức năng.

6. Hộ có người gây mâu thuẫn với hàng xóm kéo dài (đã được địa phương nhắc nhở hoặc hòa giải nhưng không sửa chữa); tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự địa phương và an toàn xã hội.

7. Hộ có điều kiện thoát nghèo, trong 02 năm liên tục không phấn đấu thoát nghèo.

8. Hộ gia đình có điều kiện tham gia học tập mà không thực hiện.

9. Những hộ không đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”.

10. Những hộ gia đình có tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn quy định dưới 50% số điểm tối đa.

11. Không xét những hộ gia đình vắng họp bình xét mà không có lý do chính đáng.

Như vậy đối với trường hợp của hộ gia đình vừa nêu (sinh con thứ 3), Ban vận động khóm/ấp vẫn tổ chức bình xét, đồng thời công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” nếu đạt các tiêu chuẩn theo quy định, bởi vì hộ gia đình này không thuộc những trường hợp không xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 19:

Hiện tại một số hộ dân trên địa bàn chăn nuôi heo theo hộ gia đình không có xây hầm Bioga, vệ sinh chuồng trại trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân xung quanh, việc xử lý khắc phục thế nào? Và chế tài xử lý ra sao?

TRẢ LỜI:

Ông Lê Hữu Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn Thị xã với quy mộ hộ gia đình nhỏ lẽ. Hoạt động chăn nuôi không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn dịnh bệnh gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Nghị định số 90 ngày  31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như:

Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nghị định số 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường: Tùy theo lưu lượng và mức độ vi phạm mà mức xử phạt từ Phạt cảnh cáo đến mức phạt tối đa là 100.000.000 đồng

Theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt  Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xả rác, chất thải sinh hoạt, chất thải của người và gia súc có khối lượng dưới 01 m3/ngày đêm vào nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và khu vực công cộng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xả rác, chất thải sinh hoạt, chất thải của người và gia súc có khối lượng từ đủ 01 m3/ngày đêm trở lên vào nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và khu vực công cộng.

-Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Về giải pháp trong thời gian tới: Hiện nay Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Quyết định số 07 ngày 20/3/2019 Ban hành quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Quy định “cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải phù hợp với quy hooạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch sản xuất, chăn nuôi của địa phương, trường hợp chưa có quy hoạch thì phải được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cho phép”.

Thời gian tới Trung tâm dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường chủ động rà soát, đối với từng hộ nuôi trên địa bàn, kiên quyết yêu cầu người nuôi không tái đàn và không được xây dựng mới chăn nuôi đối với những vị trí không phù hợp quy định. Trường hợp người nuôi cố tình vi phạm gây phản ánh của hộ dân xung quanh thì xử lý theo Nghị định số 90 ngày 31/7/2017 với hành vi Chăn nuôi gia súc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 20:

Tôi làm việc ở nhà máy xay xát thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi. Có cách nào giúp nhà máy tôi cải thiện môi trường làm việc được tốt hơn không?

TRẢ LỜI:

Bà Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Môi trường làm việc bị ô nhiễm sẽ gây cản trở cho sản xuất, hơn nữa việc tiếp xúc với nhiều chất độc hại có thể gây mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt… dẫn đến suy giảm sức khỏe người lao động, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Việc vệ sinh nhà xưởng cần được làm thường xuyên. Sử dụng máy hút bụi và phun nước sẽ tránh được bụi khi quét. Thông gió cục bộ, sử dụng hệ thống quạt gió. Chú ý không có vật cản giữa  quạt và cửa, không để không khí ô nhiễm thổi qua người lao động, ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Sử dụng dòng không khí tự nhiên để thông gió và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Không ăn uống tại nơi làm việc hoặc đem các chất nguy hiểm về nhà.  Trên đây là một số biện pháp để kiểm soát các chất độc hại tại nhà máy.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 21:

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư là trách nhiệm của người lớn. Còn các em học sinh nhỏ tuổi không thể tham gia vào việc đó. Vậy cho hỏi vấn đề này ngành chuyên môn có những ý kiến gì?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nếp sống văn hóa của cộng đồng là toàn bộ các hoạt động sống và mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể trong một cộng đồng dân cư nhất định. Nếp sống văn hóa, lành mạnh và tiến bộ của các cá nhân trong một cộng đồng tạo nên nét văn hóa đặc thù của nếp sống cộng đồng ấy.

Xây dựng nếp sống văn hóa, chuẩn mực và lành mạnh cho cộng đồng là hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, văn minh và an toàn. Đó là mục tiêu hàng đầu của đất nước ta ngày nay. Thực hiện mục tiêu ấy không phải bằng nhận thức mà phải là những hành động cụ thể, thiết thực.

Bởi thế, mỗi người đều phải có trách nhiệm  và nghĩa vụ xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Đối với các em là học sinh nhỏ tuổi vẫn có thể tham gia các hoạt động vừa sức trong việc đóng góp xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư như : phải biết xây dựng nét đẹp văn hóa trường lớp; thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng; lấy bản thân làm mẫu mực cho bạn bè khác. Các em cần trách những việc làm xấu; tuổi nhỏ làm việc nhỏ để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tóm lại, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh và tiến bộ trong cộng đồng thể hiện lối sống tích cực. Bởi vậy, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng để có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 22:

Thời gian gần đây một số quán ăn, quán giải khát đỗ chất thải, thức ăn thừa xuống miệng hố ga ảnh hưởng đến việc thoát nước gây ngập úng mỗi khi có mưa lớn, hành vi này có bị xử lý hay không? Cơ quan nào xử lý?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộngbị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Do hành vi này bị xử lý theo Nghị định 167/2013, với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, nên Công an và Ủy ban nhân dân xã, phường thực hiện xử lý vi phạm.

-- HẾT –

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362